HRW - sự thật phía sau những “phúc trình”

08:15 05/03/2020
Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (viết tắt là HRW) là tổ chức được lập ra với danh nghĩa nhằm theo dõi tình hình đảm bảo nhân quyền của các nước trên thế giới và có những động thái nhằm bảo vệ quyền con người. Mục đích hoạt động mà HRW nêu và công bố thì tỏ ra tốt đẹp.


Tuy nhiên, trên thực tế, HRW lại không bảo vệ quyền con người theo đúng nghĩa mà ngược lại thường tìm cách can thiệp vào việc xử lý của các cơ quan chức năng một số nước, trong đó có Việt Nam với những nhân vật hoạt động chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật. HRW thường xuyên có những bản báo cáo, phúc trình xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam.

Điển hình như mới đây, HRW gửi kiến nghị tới Nghị viện Châu Âu đề nghị không thông qua EVFTA với Việt Nam với lý do “Việt Nam vi phạm nhân quyền”. Trước phiên Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19-2 vừa qua, HRW cũng gửi kiến nghị tới EU đề nghị gây sức ép với Việt Nam về vấn đề nhân quyền, thay đổi các quy định trong Luật Hình sự, thả “tù nhân lương tâm” (Báo CAND đã có bài phản ánh).

Vậy vấn đề đặt ra là, tại sao một tổ chức mang danh nghĩa quốc tế như HRW lại thường có thái độ thiếu thiện chí với Việt Nam và có nhiều hoạt động chống phá Việt Nam như vậy? Để làm rõ vấn đề này cần phải trở lại tìm hiểu nguồn gốc hình thành, phát triển của HRW. Trong thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX, với mục tiêu xóa bỏ chế độ XHCN trên phạm vi toàn thế giới, mà trước hết là Liên Xô và Đông Âu; Mỹ và các nước phương Tây đã sử dụng rất nhiều chiêu bài khác nhau nhằm đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Một trong những chiêu bài được Mỹ và phương Tây triệt để sử dụng, đó là vấn đề “nhân quyền” và thông qua vấn đề “nhân quyền”, họ hướng tới thành lập các tổ chức hoạt động chống CNXH dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”. Ngày 1 tháng 8 năm 1975, tại Helsinki (Thủ đô Phần Lan), tất cả các nước châu Âu đã cùng với Hoa Kỳ, Canada tham dự “Hội nghị về An ninh và hợp tác châu Âu” và ký kết “Hiệp ước Helsinki”, trong đó quy định một số nguyên tắc căn bản về nhân quyền và dân quyền mà các quốc gia ký kết phải tôn trọng; đồng thời cho phép thành lập các “nhóm theo dõi nhân quyền” ở các quốc gia.

“Hiệp ước Helsinki” đã mở ra một điều kiện mới để Mỹ, các nước phương Tây tăng cường hoạt động tác động về tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền vào các nước Đông Âu, Liên Xô; đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy việc thành lập, ra đời công khai của nhiều tổ chức, uỷ ban dưới các danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”. Bắt đầu từ đây, “quyền con người” đã trở thành thứ vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Đông Âu, Liên Xô chống lại Đảng Cộng sản và nhà nước XHCN thông qua các tổ chức “độc lập”, “phi chính thức” dưới danh nghĩa “dân chủ, nhân quyền”.

Đây cũng là khởi đầu cho sự hình thành cái gọi là “phong trào bất đồng chính kiến” và các nhóm đấu tranh “bất bạo động” ở Liên Xô và Đông Âu. Điển hình là sự xuất hiện của các Uỷ ban sinh viên đoàn kết; Hiệp hội của các trường đại học, công nhân, các Công đoàn độc lập, các Uỷ ban tiểu chủ... được thành lập ở Ba Lan trong những năm cuối thập niên 1970, đặc biệt là “Công đoàn đoàn kết” năm 1980.

Tại Tiệp Khắc xuất hiện “Nhóm hiến chương 77” và “Uỷ ban bảo vệ người bị ngược đãi” (VON). Tại Liên Xô, các tổ chức tương tự cũng xuất hiện dưới danh nghĩa các nhóm độc lập như “Nhóm quan sát Helsinki”, “Quỹ xã hội Nga”, “Nhóm làm việc để bảo vệ các quyền lao động”, “Uỷ ban vì các quyền con người”...

Sau “Hiệp định Helsinki”, Mỹ và phương Tây thành lập các tổ chức dưới danh nghĩa phi chính phủ (NGO) hoạt động trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, lao động... làm công cụ cho việc can thiệp vào Liên Xô và Đông Âu. Năm 1978, Mỹ cho ra đời tổ chức “Helsinki Watch”(HW) để “giám sát” Liên Xô và các nước Đông Âu thực hiện các quy ước của “Hiệp định Helsinki” và để “giúp đỡ” các nhóm “bảo vệ nhân quyền” trong Liên bang Xô viết.

Đặt trong tổng thể chiến lược “diễn biến hòa bình”, tổ chức Helsinki Watch đã đóng góp một “công sức” lớn trong việc làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu dưới danh nghĩa “hoạt động nhân quyền”. Đến năm 1998, Helsinki Watch hợp nhất với các tổ chức quốc tế có chung mục đích thành tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW). Như vậy, theo dõi quá trình hình thành và phát triển của HRW thấy rằng, HRW chính là một trong những công cụ đắc lực của Mỹ và các nước phương Tây trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ XHCN. HRW được lập ra để hoạt động chống phá các nước XHCN dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”.

Có hiểu như vậy mới lý giải được tại sao HRW lại thường xuyên có những hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Phải chăng bởi vì Việt Nam cũng là một nước XHCN có ảnh hưởng trên thế giới và hiện nay các thế lực thù địch đang muốn đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Bên cạnh những chiêu bài khác thì dân chủ, nhân quyền vẫn được xem là một mũi nhọn trong chiến lược này và HRW chính là một trong những tổ chức nhằm hiện thực hóa ý đồ đó của Mỹ và các nước phương Tây.

Tóm lại, mặc dù mang danh xưng là tổ chức “Theo dõi nhân quyền quốc tế” nhưng rõ ràng, những hoạt động của HRW bị chi phối bởi ý đồ chính trị của các nước có chính sách thù địch với Việt Nam. Do đó, những bản báo cáo, phúc trình mà HRW đưa ra về tình hình nhân quyền của Việt Nam là hoàn toàn không khách quan, trung thực bởi nó đã bị chi phối bởi ý đồ chính trị của các nước đứng sau. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, các quyền con người như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng tôn giáo… được Nhà nước Việt Nam ghi nhận hết sức cụ thể trong văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp và luôn được chú ý đảm bảo thực hiện trong thực tiễn.

Trở lại vấn đề, nếu như hoạt động của HRW là khách quan, trung thực theo đúng như những gì họ vẫn tuyên bố và nếu HRW thật lòng vì nhân quyền cho Việt Nam thì tại sao HRW không lên án các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất các chất diệt cỏ có chứa đi-ô-xin và được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh, làm cho bao nhiêu thế hệ người dân Việt Nam phải chịu những di biến nặng nề của chất độc đó? Nhân dân Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ khó ai có thể cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh của những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Cho đến nay, hậu quả của chất đi-ô-xin đối với người Việt Nam vẫn còn hết sức nặng nề với khoảng 4,8 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng và 150.000 trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra. Hậu quả bi thảm này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ và qua bao nhiêu thế hệ.

Việt Nam đang phấn đấu xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”, các quyền con người ở Việt Nam luôn được Nhà nước Việt Nam hiến định và cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, nỗ lực để đảm bảo trong thực tiễn. Tuy nhiên, cũng như bất cứ quốc gia nào, quá trình thực hiện do các khó khăn, vướng mắc khác nhau mà quyền đó chưa thể vẹn toàn, còn những lỗ hổng hay hạn chế.

Vấn đề là phải đặt những hạn chế, tồn tại trong bức tranh tổng thể để thấy rõ sắc màu sáng, thành tựu đạt được là cơ bản và phải phân biệt rõ đâu là hạn chế, đâu là hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền để phạm pháp, chống phá đất nước, nhân dân. Thiết nghĩ HRW cũng như một số tổ chức quốc tế khác cần có cái nhìn khách quan, chân thực về tình hình Việt Nam, bởi nếu không, các bản “báo cáo”, “phúc trình” của họ sẽ chỉ là những tiếng nói lạc điệu.

Thành Vinh

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và cấp dưới của mình đã “bắt tay” với các đối tượng của Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh để làm giả các phiếu thử nghiệm chất lượng không khí tại các địa điểm cần quan trắc môi trường để đưa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Chỉ vì không có nhiều thời gian kiểm tra, lại đang trong mùa cao điểm “cháy phòng”, nên nhiều khách hàng du lịch tại Tà Xùa, Mộc Châu đã mất khá nhiều tiền chỉ trong vòng vài phút vì dính bẫy lừa đảo fanpage giả mạo. Tiền vừa mất, tật vừa mang, lại thêm ôm bực vào người khi tới điểm du lịch.

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, tổ chức tại Bogota, Colombia, vào đầu tháng 11/2024, đã thu hút sự tham gia của hơn 130 quốc gia và 80 bộ trưởng. Đây là sự kiện mang tính lịch sử, tạo cơ hội thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực.

Càng về cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và trộm cắp tài sản trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) càng diễn biến phức tạp và tăng mạnh. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và thường rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文