Giáo sư Tạ Quang Bửu và dấu ấn Hội nghị Geneve

16:45 26/05/2024

Cách đây 70 năm, khi chiến thắng Điện Biên Phủ làm chấn động địa cầu, ngày 8/5/1954, tại Thuỵ Sĩ, Đoàn đàm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức dự Hội nghị Geneve về Đông Dương. Đó là một dấu mốc quan trọng mở màn cuộc đàm phán quốc tế đầu tiên đối với nước ta với sự có mặt của giới ngoại giao nhiều nước lớn.

Nhân dịp này, phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng có cuộc trò chuyện cùng Thiếu tướng Tạ Quang Chính, là con trai của Giáo sư Tạ Quang Bửu - người thay mặt phái đoàn Việt Nam ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương.

Dự liệu về một chuyến đi

Trong căn phòng khách ấm áp tại nhà riêng ở phố Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội), Thiếu tướng Tạ Quang Chính - nguyên Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, con trai của Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhắc nhớ chuỗi sự kiện trong những tháng ngày lịch sử cách đây 70 năm.

"Ngay từ tháng 3/1954, Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã quyết định thành lập đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Geneve về Đông Dương. Ngày 10/3/1954 cuộc gặp mặt các thành viên của Đoàn đàm phán đã diễn ra. Thời điểm đó, trận Him Lam - trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ còn chưa diễn ra, nhưng Trung ương Đảng đã có dự liệu về chuyến đi này", Thiếu tướng Tạ Quang Chính cho hay.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định Geneve, tháng 7/1954.

Ngày 13/3/1954, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, có mặt trong Đoàn đại biểu Chính phủ ta rời chiến khu Việt Bắc, lên đường qua Trung Quốc và Liên Xô, tới Thụy Sĩ dự Hội nghị Geneve về Đông Dương.  Đoàn do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu gồm 5 thành viên chính thức và các thành viên phục vụ đàm phán. Hành trình tới Thuỵ Sĩ của Đoàn từ Việt Bắc qua Bắc Kinh, Moscow, rồi qua Berlin. Ngày 4/5/1954, đoàn đến Thuỵ Sĩ giữa lúc Hội nghị Geneve bàn về Triều Tiên đang họp. "Lúc này ta chưa nhận được lời mời chính thức của hội nghị. Nhưng theo lời cha tôi thì Đoàn của ta được tiếp đón rất trọng thị, được bố trí chỗ ăn nghỉ rất đẹp. Mọi sự đến lúc đó thuận lợi nhưng đoàn mình vẫn án binh bất động vì lúc đó chưa được mời", ông Chính cho biết.

Theo ông Chính, trong bài nói chuyện năm 1961 tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã đánh giá, trước Hội nghị Geneve, nhân dân thế giới chưa biết nhiều về Việt Nam và cuộc chiến tranh do Pháp gây ra. Cuối năm 1953, sau khi bài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh của một nhà báo Thuỵ Điển được đăng tải rộng rãi, nhân dân Pháp sục sôi phản đối cuộc chiến tranh của chính quyền thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Bối cảnh thế giới và quan hệ quốc tế lúc đó có nhiều phức tạp, các nước lớn tham gia Hội nghị Geneve đều theo đuổi những mục tiêu, lợi ích khác nhau.

 Ở Việt Nam, tình hình lúc đó vô cùng khẩn trương trên cả mặt trận quân sự và ngoại giao. Trên chiến trường, quân ta đẩy mạnh tấn công, quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại Thuỵ Sĩ,  Đoàn ta vừa chuẩn bị nội dung đấu tranh trong đàm phán; dự kiến các tình huống xấu và lập phương án đặt ra trên bàn hội nghị, vừa chờ lời mời chính thức của hội nghị do Liên Xô và Anh làm chủ tọa.

Ngày 7/5/1954, ở trong nước, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo tiếng vang chấn động địa cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa cực kỳ to lớn đã tác động mạnh đến cuộc đấu tranh ngoại giao ở Geneve. Đoàn ta mới có lời mời chính thức tham gia hội nghị vào chiều 8/5/1954. Thiếu tướng Chính cho biết: "Chiến thắng này đã làm cho vị thế của Đoàn ta khi bước vào Hội nghị được nâng lên. Và ta coi đây không chỉ là cuộc đấu tranh chính trị, độc lập dân tộc, mối quan hệ các nước Đông Dương, mà còn bàn đến vấn đề quân sự. Những ngày đầu bước vào bàn đàm phán, cha tôi và Đại tá Hà Văn Lâu với vai trò là chuyên viên quân sự của Đoàn đã nghiên cứu phương án quân sự của Hội nghị, đó là việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, ngừng bắn, chuyển quân, Pháp rút quân khỏi ba nước Đông Dương".

Trong quá trình Hội nghị diễn ra, bên cạnh các phiên họp tập thể, Hội nghị thành lập cơ chế để giải quyết các vấn đề quân sự. Thứ trưởng Tạ Quang Bửu đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đàm phán với tướng Delteil là đại diện Bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, Đoàn đàm phán đã kiên trì bảo vệ các nguyên tắc, lợi ích của Việt Nam và của các bạn chiến đấu của Việt Nam, đại diện nhân dân hai nước Lào và Campuchia. Cuối cùng, đêm ngày 20, rạng sáng ngày  21/7/1954, Hội nghị Geneve kết thúc, thông qua Tuyên bố chung. Thứ trưởng Tạ Quang Bửu đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự với tướng Delteil của Pháp, trước sự chứng kiến của các quan khách và báo chí nước ngoài.

Hiệp định Geneve là một văn kiện quốc tế quan trọng chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, đặt cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam. Đây là kết quả của sự kết hợp sức mạnh tổng hợp giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, phát huy tốt nhất những thắng lợi trên chiến trường để tạo thế mạnh trên bàn hội nghị.

Hiệp định Geneve được ký kết là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình. 70 năm đã trôi qua càng khẳng định những cống hiến to lớn của các thành viên đoàn đàm phán và đội ngũ cán bộ tham gia đấu tranh yêu cầu thực thi Hiệp định Geneve. Trong số đó, Giáo sư Tạ Quang Bửu được nhắc nhớ như là một trong những cán bộ đầu tiên đầy bản lĩnh, tận tuỵ, vượt khó của nền ngoại giao cách mạng và hiện đại của Việt Nam - nền ngoại giao Hồ Chí Minh.

Những kỉ niệm về cha

 "Thời điểm cha tôi cùng đoàn đàm phán sang Thuỵ Sĩ, bốn anh em chúng tôi đều còn nhỏ. Mẹ tôi lúc đó vừa làm việc ở Cục Quân pháp Bộ Quốc phòng, vừa cố gắng chăm sóc con cái, lo việc nhà chu toàn để cha tôi yên tâm đi công tác. Mấy anh em chúng tôi cũng đã quen với việc cha lúc nào cũng bận bịu công việc, không có nhiều thời gian cho gia đình", ông Chính nói.

Giáo sư Tạ Quang Bửu ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực. Ông từng là Bộ trưởng rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước và có tới 11 năm làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Cả cuộc đời cống hiến của Giáo sư Tạ Quang Bửu luôn có hình ảnh người vợ tận tuỵ vì chồng con đứng phía sau, đó là bà Hoàng Thị Kim Oanh, là con gái của cụ Hoàng Đạo Thúy - nhà cách mạng và nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng của Việt Nam. Thiếu tướng Chính chia sẻ: "Mẹ tôi rất chú tâm chăm lo cho chồng con, đặc biệt là lo lắng sức khỏe cho cha tôi. Cha tôi sống liêm khiết, chính trực. Cả việc ăn uống cha cũng giữ nếp đạm bạc, giản dị. Cha tôi ít khi tiêu pha đến tiền, chỉ để mua sách hoặc đưa cho mẹ tôi. Bởi thế nên để lo cho gia đình, mẹ tôi phải rất cố gắng vun vén. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà chưa từng phàn nàn chuyện tiền nong, cơm áo với chồng, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất".

Thiếu tướng Tạ Quang Chính giữ gìn rất nhiều sách và kỉ vật của người cha.

Trong căn phòng lưu niệm của gia đình Thiếu tướng Tạ Quang Chính lưu giữ rất nhiều sách, kỉ vật của Giáo sư Tạ Quang Bửu được sắp xếp lớp lang, khoa học. Hai tủ sách lớn chật kín những sách, có nhiều quyển đã ố vàng màu thời gian. Từ sách tiếng Việt đến sách tiếng Anh, tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức,… Theo ông Chính thì người cha của mình rất kiệm lời, luôn chú tâm vào việc đọc sách, nghiên cứu và làm việc. Con cái thường nhìn những việc cha làm, cung cách sinh hoạt hằng ngày mà học theo.

Giáo sư Tạ Quang Bửu là người có tinh thần học tập, nghiên cứu bền bỉ. Khi còn công tác, ngày nào Giáo sư cũng dậy từ sáng sớm và ngồi vào bàn đọc sách, nghiên cứu đến sát giờ đi làm. Nơi Giáo sư lui tới thường xuyên chính là Thư viện Khoa học Trung ương. "Cha tôi chăm đọc sách, đọc nhanh, đọc nhiều và nhớ lâu. Trước mỗi quyển sách, cha tôi thường đọc kĩ lời nói đầu, tra mục lục và đọc chọn lọc những phần nào mà cha cho là cốt lõi, trọng tâm. Phần nào cần lưu ý, phát triển khơi sâu, ông cụ thường ghi lại bên lề trang sách. Bởi thế, gia tài sách mà cụ để lại có nhiều quyển có bút tích của cha tôi, có khi chi tiết, có khi sơ lược chỉ vài dòng. Khi đã già yếu, cha tôi vẫn giữ nếp đọc sách và nghe nhạc. Có lúc cụ đau lưng đến mức không thể ngồi đọc được nữa, chúng tôi đóng cho cụ một cái bàn đặt cạnh cửa sổ, và cụ đứng đọc sách từ sáng đến trưa. Có lúc nghe thấy cụ hát những bài hát tiếng Pháp cụ thuộc từ hồi du học, giọng hát nhỏ nhẹ chỉ đủ mình cụ nghe", ông Chính chia sẻ những kỉ niệm về người cha.

Trong phòng truyền thống của gia đình vẫn lưu giữ chiếc tivi mà lúc sinh thời Giáo sư Tạ Quang Bửu thường xem để nắm tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Từ chiếc bút, cặp đựng tài liệu, ba toong, mũ, tranh ảnh, đồng hồ của người cha đều được các con nâng niu, gìn giữ. Chỉ vào chiếc tủ kính treo ba chiếc áo, Thiếu tướng Chính xúc động: "Đây là ba chiếc áo vô cùng đặc biệt đối với anh em, con cháu trong gia đình tôi. Một chiếc áo của ông ngoại Hoàng Đạo Thuý, một chiếc áo của cha Tạ Quang Bửu, và chiếc áo len trắng kia là của mẹ Hoàng Thị Kim Oanh. Đó là những kỉ vật thiêng liêng nhắc nhớ chúng tôi phải sống và học tập sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình".

Thái Hưng

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, từ ngày 1/1/2025, Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức vận hành bộ máy mới sau khi sắp xếp 109 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, hình thành 56 ĐVHC cấp xã mới (33 xã, 23 phường), giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã (38 xã, 15 phường) so với hiện nay. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội liên quan đến câu chuyện về công tác tổ chức cán bộ, giải quyết số trụ sở dôi dư cũng như hỗ trợ người dân tại các ĐVHC sắp xếp để tránh xáo trộn cuộc sống sau sáp nhập.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

Đợt không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh thành ở miền Bắc nền nhiệt tiếp tục giảm, trời rét. Thủ đô Hà Nội ngày nắng, về đêm và sáng sớm lạnh. Vùng núi cao một số nơi dưới 16 độ C.

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文