Hoàng Sông Hương: Nhạc sỹ của “Biển bạc đồng xanh”
Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương - Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, tác giả ca khúc nổi tiếng “Tình ta biển bạc đồng xanh”. Ông thuộc thế hệ nhạc sỹ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1960, Hoàng Sông Hương gia nhập Đoàn Văn công Quảng Bình.
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương đã cùng anh chị em nghệ sỹ trong đoàn băng rừng, lội suối đến các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn, chân trần vượt cát về với những làng biển heo hút bên bờ sóng, ra các trận địa biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân khu vực Quảng Bình - Vĩnh Linh.
Thời kỳ đó, các nghệ sỹ trong đoàn văn công Quảng Bình “3 cùng” với Nhân dân. Vừa biểu diễn vừa lao động sản xuất, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cuộc sống thời chiến trên bom dưới đạn, thiếu thốn trăm bề nhưng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vẫn được đáp ứng.
Người Quảng Bình vốn yêu thích văn nghệ, thiếu chi thì thiếu, có văn công là phải đi coi. Vượt động cát cả chục cây số để được coi một đêm văn công biểu diễn cũng cứ vượt! Nhiều hôm đi đến nơi thì buổi diễn vừa tan. Thương bà con, anh chị em diễn viên không nỡ để bà con về, lại tiếp tục múa hát phục vụ. Bởi vậy nhân dân Quảng Bình yêu quý văn công. Chỉ là những mái tranh nghèo, giường chiếu chả có nhưng ai cũng muốn có diễn viên về ở cùng trong thời gian lưu diễn.
Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương vẫn nhớ những đêm ở lại nơi làng biển Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy - Một làng chài nghèo bên bờ biển, chỉ có hun hút gió và cát, chỉ có những ngôi nhà lợp cỏ rười thấp bé và trống trải. Mỗi lần ra biểu diễn ở đây, anh chị em văn công phải chất cả phông màn, nhạc cụ, trang phục lên những chiếc xe ba gác nhỏ và kéo đi trên cát hàng chục cây số. Bà con thương, sẵn lòng nhường nhà cho văn công ăn ở sinh hoạt.
Ngược lại, cuộc sống vất vả nơi làng biển nghèo đã để lại trong trái tim Hoàng Sông Hương nhiều cảm xúc. Lưu diễn ở Ngư Thủy, ông được nghe những câu chuyện bà con thường thì thầm nói với nhau trong đêm vắng. Họ nói về công việc của ngày mai. Ngày mai, chồng ra khơi đánh cá, vợ ở nhà làm đồng, trồng khoai, trồng rau dưa hành tỏi....
Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương nói rằng: “Mỗi đêm như thế. Rồi nhiều đêm như thế. Cuộc sống người miền biển ám ảnh tôi, dằn vặt, thôi thúc tôi, để rồi trong một chuyến trở lại, những dòng ca từ đầu tiên của ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” bật ra: “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng/ Thuyền anh ra khơi đâu có ngại chi sóng gió/ Trên đoàn thuyền hải âu vui sóng xô/ Anh nhớ đồng làng quê cánh cò bay trên thảm lụa/ Đời tự do vui chan chứa bao tình/ Vì tương lai ta đổ giọt mồ hôi… Ơ hò...”. Những dòng ca từ lạc quan với hai tiếng tự do và dạt dào tin tưởng vào tương lai tươi sáng ấy vang lên vào năm 1973, cách nay vừa tròn 50 năm.
Năm 1973 là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Một không khí hồ hởi ùa về trên khắp đất nước bởi niềm tin hòa bình đang đến rất gần và tương lai tươi sáng bắt đầu rộng mở. Văn học nghệ thuật cũng náo nức chuyển mình.
Bên cạnh nhiều tác phẩm mang âm hưởng cổ vũ tinh thần chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bắt đầu xuất hiện dòng sáng tác mới có nội dung nhìn về phía tương lai rạng ngời, phía ấy không có tiếng bom rơi, đạn nổ, không có ngùn ngụt hờn căm mà chỉ có hòa bình và tình yêu tha thiết. Với sự nhạy cảm của người nghệ sỹ, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương nhanh chóng tìm được cảm hứng riêng trong bối cảnh chung ấy.
Trong ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh”, nhạc sỹ viết: “Ruộng đồng quê ta em hăng say sớm chiều/ Ruộng đồng thâm canh em có ngại chi mưa nắng ơ hò/ Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi/ Bám biển ngày đêm để màu da anh nắng sạm? Hỏi mà chi sao em cứ bông đùa, thuyền anh mai về có cá bạc đầy khoang...”.
Ngay sau đó, bài hát đã vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và được thính giả khắp nơi đón nhận. Tuy nhiên, khi lưu hành trong công chúng, đoạn điệp khúc thứ 2 ít được hát mà theo nhạc sỹ Hoàng Sông Hương, đó lại chính là những câu ca đẹp ông tâm đắc: “Đổ giọt mồ hôi để làn môi em thắm hồng/ Lúa vàng trĩu bông cho má hồng em tươi thắm/ Đôi ta yêu nhau trong độ trăng tròn, trong ngày biển đẹp, nhớ ơn người đưa trăng ơ hò, hò ơ...”.
Cụm điệp khúc này thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến tuổi thanh xuân để mang về cho quê hương những mùa trăng thanh bình. Đến hôm nay, sau 50 năm ra đời, bài hát “Tình ta biển bạc đồng xanh” vẫn còn vang vọng khắp nơi, trên các sân khấu lớn nhỏ, chuyên và không chuyên, nơi mọi làng quê khắp cả nước nhưng không thấy ai hát câu ca “người đưa trăng” nữa.
Năm 2010 trong cuộc bình chọn rộng rãi ca khúc tiêu biểu viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” được hơn 15 nghìn người lao động trên lĩnh vực nông nghiệp cả nước bình chọn là 1 trong 20 ca khúc tiêu biểu nhất.
Năm 2016, ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” là một trong chùm ca khúc mang đến cho nhạc sỹ Hoàng Sông Hương Giải thưởng Nhà nước cao quý về Văn học nghệ thuật. Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương chỉ có một mong ước nhỏ là bài hát của ông được trình diễn đầy đủ như vốn có để thông điệp ông muốn gửi gắm được trọn vẹn hơn.
Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương sinh năm 1942. Ông gầy gò nhưng mang trái tim giàu sinh lực. Ông ít nói nhưng hài hước. Ông hơn 80 tuổi nhưng hồn nhiên, vô tư. Quen biết nhạc sỹ Hoàng Sông Hương đã lâu mà tôi chưa bao giờ nghe ông mở lời trách móc ai bao giờ. Có việc gì không vừa lòng ông cũng chỉ cười cười: “Có chi mô! Có chi mô”.
Xung quanh nhạc sỹ Hoàng Sông Hương có nhiều giai thoại vui. Đặc biệt là chuyện ông sợ vợ mà lại mê gái đẹp. Anh em văn nghệ sỹ Quảng Bình kể mãi những câu chuyện vui vui, giả giả, thật thật của ông, ông không chối, chẳng nhận, lúc nào cũng cười cười “Đàn ông, ai nỏ rứa! Trái tim còn đập là còn mê cái đẹp!”. Ông nói, hai đặc tính sợ vợ và mê gái đẹp phải luôn song hành trong mỗi người đàn ông. Vì có như vậy, đàn ông mới bớt hư hỏng: “Không sợ vợ thì có mà… loạn a?!”.
Cách nay hơn 10 năm, quán cà phê “Nghệ sỹ quán” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương ở ngay trước cổng Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, mỗi sáng, anh em văn nghệ sỹ thường tụ tập ở đó “chém gió”. Một lần, sau chuyến đi Trại sáng tác ở Đà Lạt về, mọi người mang chuyện nhạc sỹ Hoàng Sông Hương “bới” thêm một cô em xinh đẹp vào trại ra đùa. Là để cho câu chuyện thêm vui không ngờ cô Hà - vợ nhạc sỹ nghe được.
Biết tình thế đã trở nên nguy hiểm, nhạc sỹ nhanh chân chạy sang trụ sở Hội lánh nạn. Hồi ấy, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến còn có một xưởng sáng tác nhỏ gần đó, đến nơi, ông gọi lào khào: “Tiến… Tiến mau cứu tau… mụ Hà rượt”, thế là nhà điêu khắc đã cứu nhạc sỹ bằng cách đẩy ông vào xưởng rồi bấm khoá, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô Hà sang đến nơi thì mất dấu: “Tiến! Tiến! Thấy ông Hương chạy vô đây không Tiến?”. Phan Đình Tiến đánh lạc hướng: “À, dạ, cháu thấy ông ấy chạy phía nớ, phía nớ. O lại đó coi thử?”.
Thoát hiểm, cô Hà nguôi giận, nhạc sỹ lại thủng thẳng đi ra, lại tụ tập chém gió với mọi người mà không hề trách móc, giận dỗi gì ai, chỉ lẩm bẩm: “Có mô mà! Mụ Hà phổi bò. Ai nói chi cũng tin!”. Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương yêu đời, yêu người. Giai thoại mê gái, sợ vợ của ông bắt đầu từ chỗ vợ chồng nhạc sỹ Hoàng Sông Hương có đến 5 cô con gái. Ông thương vợ, thương con. Cô Hà nóng tính đến đâu ông cũng hiền lành từ tốn: “Có mô mà! Có mô mà!”. Bởi ông biết, với một người nghệ sỹ mê nhạc, mê chơi như ông nếu không có cô Hà vun vén, nắn chỉnh thì cha con ông không có cơ ngơi như bây giờ, ông cũng chả thể có một gia tài âm nhạc đáng nể như bây giờ.
Nhạc sỹ trào lộng: “Ông Hương chộ rứa mà ngon/ Về nhà một vợ, năm con, sáu L…”. Đó là một gia đình đặc biệt ở Quảng Bình, cả nhà tài hoa và ai cũng mang tên của một dòng sông. Ông là Sông Hương. Vợ ông là Thu Hà. Các con gái: Mỹ Lệ (Nhật Lệ), Kiến Giang, Hiền Lương, Sông Loan, Sông Hiếu - Những dòng sông thơ mộng trên dải đất Bình - Trị - Thiên. Vợ chồng ông tự hào về các cô con gái của mình.
Bây giờ thì quán cà phê “Nghệ sỹ quán” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương đã chuyển đi nơi khác, nhưng ông vẫn thường xuyên đến Hội. Mỗi lần gặp tôi, ông lại đọc mấy câu thơ con cóc ông bất chợt nghĩ ra “Đến Hội mà gặp em Hiền/ Trong anh bỗng thấy phiền phiền con… tim”, nhưng mắt lại hấp háy nhìn sang mấy cô em trẻ trung xinh đẹp Ngọc Hà, Trác Diễm… của Hội.