Một góc nhìn về âm nhạc Trịnh Công Sơn: “Từng con đường nhỏ trả lời cho tôi…”

09:55 30/08/2021

Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX từ ca khúc, Trịnh Công Sơn là một trong những tên tuổi lớn và tiêu biểu nhất, là nhạc sĩ hiếm hoi của Việt Nam có tên trong Từ điển Bách khoa Pháp Les Million. Các ca khúc của ông, ngoài vẻ đẹp của giai điệu, còn được đánh giá rất cao ở chất thơ và sự gợi cảm của ca từ.

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, chúng tôi muốn bàn về một miền không gian thật đặc biệt, trở đi trở lại trong hàng loạt ca khúc của ông, đó là không gian phố.

Có thể nói, hầu hết cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn liền với phố. Ông lớn lên tại thành phố Huế, tốt nghiệp tú tài tại Sài Gòn, chỉ sống ở Bảo Lộc mấy năm (1964-1967) rồi sau đó lại quay về Sài Gòn sống cho đến những năm tháng cuối đời. Phố vì thế là không gian mật thiết, gắn với từng bước chân, từng giác quan của người nghệ sĩ. Có thể thấy, phố trong ca từ Trịnh Công Sơn có rất nhiều gương mặt khác nhau, biểu hiện khác nhau.

 

Chiều một mình qua phố

Sự nghiệp âm nhạc của Trịnh được coi là bắt đầu bằng bản “Ướt mi” do NXB An Phú in năm 1959 qua giọng ca Thanh Thúy. Ở tình khúc buồn đầu tay này, mưa là thứ tràn ngập trong lời bài hát. Không gian ca khúc quanh quẩn nơi mái hiên trong tâm sự của một người con gái: “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ Buồn dâng lên đôi môi/ Buồn đau hoen ướt mi ai rồi”. Nhưng, chỉ 2 năm sau đó, không gian phố bắt đầu tràn ngập trong những lời ca của Trịnh Công Sơn. Không gian được mở rộng hơn và nỗi cô đơn cũng thường trực hơn.

Chủ thể trữ tình của lời ca không còn là bóng dáng một người con gái như thuở “ướt mi” nữa, mà là chính tác giả: “Chiều một mình qua phố/ Âm thầm nhớ nhớ tên em/ Gió ơi gió ơi bay lên/ Để bụi đường cay lòng mắt”. Điệp khúc “Chiều một mình qua phố” cứ thế trở đi trở lại trong tất cả các phiên đoạn của bài hát để rồi cho đến câu cuối cùng thì nỗi cô đơn khắc khoải càng dâng lên gấp bội: “Còn một mình trên phố/ Âm thầm nhớ nhớ tên em/ Ngoài kia không còn nắng mềm/ Ngoài kia ai còn biết tên”. (1961).

Bên cạnh cô đơn, phố còn gắn với những đợi chờ, những khát khao, những tình yêu mãi còn trong dang dở: “Đóa hoa hồng cài lên tóc mây. Ôi đường phố dài/ Lời ru miệt mài ngàn năm ngàn năm” (Tuổi đá buồn, 1961), “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng” (Biển nhớ, 1962), “Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố/ Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình” (Tình xa, 1966-1967).

Hình hài phố trong ca từ Trịnh Công Sơn có thể là đường phố, là thành phố mà cũng có thể là những không gian thuộc phố gây cảm giác cô liêu bơ vơ, như công viên: “Đã mấy lần thu sang/ Công viên chiều qua rất ngắn” (Nhìn những mùa thu đi). Cũng có khi công viên gắn với hình ảnh một người con gái, đẹp nhưng buồn với những u uẩn khó cất thành lời: “Em qua công viên bước chân âm thầm/ Ngoài kia gió mây về ngàn/ Cỏ cây chợt lên màu nắng/ Em qua công viên mắt em ngây tròn/ Lung linh nắng thủy tinh vàng/ Chợt hồn buồn dâng mênh mang” (Nắng thủy tinh, 1963).

Nhìn chung, phố trong ca từ Trịnh Công Sơn với những tình khúc trước 1975 thường chủ yếu gắn với nỗi buồn, hoài niệm, sự bâng khuâng vô định, cũng có lúc là cả những ngỡ ngàng thảng thốt: “Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ/ Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ” (Bên đời hiu quạnh, 1970-1971), “Một hôm bước qua thành phố lạ/ Thành phố đã đi ngủ trưa” (Đêm thấy ta là thác đổ, 1971). Ngay cả khi tiễn người con gái mình thương yêu về với phố phường, bên cạnh việc mong niềm vui sẽ đến với nàng thì dự cảm nỗi buồn cũng vẫn lẩn khuất đồng hành: “Thôi chào em về giữa phố xá thênh thang/ Không gì vui thì hãy gắng nhớ đôi lần”. (Quỳnh hương, 1974)

Phố của những buồn thương

Từ 1967 đến 1972, phố vẫn tiếp tục xuất hiện trong ca từ Trịnh Công Sơn và nó gắn trực tiếp với vận mệnh sinh tử của mỗi con người trong vùng không gian loạn lạc, chiến tranh. Có rất nhiều người đã mãi mãi nằm xuống trong cuộc chiến, trong đó có cả những bạn hữu thân thiết của Trịnh Công Sơn. Những thân phận yếu ớt bơ vơ hiện lên trong sự tàn khốc của chiến tranh: “Ghế đá công viên dời ra đường phố/ Người già co ro chiều thiu thiu ngủ/ Người già co ro buồn nghe tiếng nổ/ Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi”. (Người già em bé, 1965).

Nhưng, giá trị các ca khúc giai đoạn này của Trịnh Công Sơn không chỉ dừng lại ở phản ánh hiện thực, nó còn gửi gắm vào đó bao khát vọng hòa bình, niềm tin về một ngày không còn chiến tranh. Phố trong ca từ Trịnh là những cái tên cụ thể, là những thênh thang kết nối tự do bước chân con người: “Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội/ Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn/ Nhưng sao lòng tôi vẫn chưa mất niềm tin/ Vì quê hương sẽ có ngày thanh bình”. (Chưa mất niềm tin, 1968), “Khi đất nước tôi thanh bình/ Tôi sẽ đi thăm một phố đầy hầm/ Đi thăm một con đường nhiều hố/ …Tôi sẽ đi không ngừng/ Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam” (Tôi sẽ đi thăm, 1967)

Phố của tin yêu, hy vọng

Khi tháng Tư lịch sử, ngày thống nhất non sông đã điểm, Trịnh Công Sơn lên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn, kêu gọi người dân ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng thời cùng một số thanh niên hát vang ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Phố trong lời bài hát là sự rộng mở nối liền mọi miền không gian: “Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo/ Từ quê nghèo đến phố lớn nắm tay nối liền/ Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh”.

Phố trong những ca khúc tiếp theo của nhạc Trịnh sau 1975 là những con phố với nhiều ấm áp, trìu mến thân thương: “Những con đường lứa đôi/ Những góc hè phố vui/ …Nắng như môi hoàng hôn trên phố”. (Chiều trên quê hương tôi, 1980), “Em cùng lá tung tăng như loài chim đến/ Và đã hót giữa phố nhà/ …Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ/ Đường dìu chân em đi đến những miền xa”. (Tuổi đời mênh mông, 1982). Phố đi vào các tình khúc với đầy những quyến luyến yêu thương: “Em còn nhớ hay em đã quên/ Trong lòng phố mưa đêm trói chân/ Dưới hiên nhìn nước dâng tràn/ Phố bỗng là dòng sông uốn quanh”. (Em còn nhớ hay em đã quên, 1980), “Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố/ Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ…/ Dưới đường phố kia có người nhớ em/ Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”. (Cho đời chút ơn, 1993). Cho dù tình yêu chưa trọn vẹn thì hồn người cũng không còn lạc lõng bơ vơ như thuở trước.

Phố của thời bình hiện lên nhiều hơn vẻ đẹp của những người con gái: “Em đến bên đời/ Hoa vàng một đóa/ Một thoáng hương bay/ Bên trời phố hạ/ …Một cõi bao la/ Ta về ngậm ngùi/ Em cười đâu đó/ Trong lòng phố xá đông vui” (Hoa vàng mấy độ, 1981), “Em hai mươi tuổi em bây giờ/ Chân qua phố phường phố ngẩn ngơ/ …Sài Gòn xua tan nghìn dấu lệ/ Cho em bây giờ mắt tình đưa” (Hai mươi mùa nắng lạ, 1995).

Sau này, phố tiếp tục trở thành cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sống và viết tại thành phố Hồ Chí Minh. Phố trong các sáng tác của các nhạc sĩ thuộc lứa trưởng thành sau 1975 có gương mặt sôi động, hối hả hơn. Dù có viết về những nỗi buồn, chia xa thì nhịp điệu của lời ca và giai điệu vẫn đi theo một lối khác hẳn, chẳng hạn: “Đi bên em chiều trên lối vắng/ Phố xa phố xa ngỡ như thật gần/ Đôi vai em gầy trong chiếc lá/ Giờ là đợi chờ nhớ mong mùa xuân” (Phố xa - Lê Quốc Thắng), “Hỡi chiếc lá me xanh rơi trên đường xưa nắng hoa/ Còn nhớ góc phố thân quen bâng khuâng chờ nhau thiết tha/ Hỡi góc phố dịu dàng và hàng me anh đưa em đi ăn kem mỗi chiều/ Hỡi góc phố dịu dàng và nụ hôn tan nhanh rất mau trong ly chè kem” (Góc phố dịu dàng - Trần Minh Phi). Trong khi đó, phố của những nhạc sĩ sinh trưởng gốc Bắc lại có vẻ trầm lắng ưu tư hơn, nhịp điệu ca khúc cũng chậm hơn: “Đêm đêm nằm mơ phố, trăng rơi nhòa trên mái/ Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà/ Em như là sương khói, mong manh về trên phố/ Đâu hay một hôm gió mùa thu” (Đêm nằm mơ phố - Việt Anh).

Trở lại câu chuyện phố của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ sinh ra ở Huế, cả cuộc đời hầu hết gắn bó với Sài Gòn ấy đã dành tặng cho Hà Nội 2 tình khúc thật đẹp về mùa thu. Này đây là một quyến luyến không muốn rời xa: “Bởi vì mùa thu tôi ở lại/ Hà Nội mùa thu Hà Nội thu/ …Vì một bàn tay không ngần ngại/ Tặng hết cho tôi một phố chờ” (Đoản khúc thu Hà Nội, 1995).

Và còn đây nữa là nỗi niềm riêng đã hòa vào cái chung, để mỗi khi Hà Nội vào thu, mỗi khi nhớ mùa thu Hà Nội lòng ta còn mãi ngân lên những câu hát: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…/ Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người/ Lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai/ Sẽ có một ngày, trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/ Sẽ có một ngày, từng con đường nhỏ trả lời cho tôi” (Nhớ mùa thu Hà Nội, 1984).

Đỗ Anh Vũ

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文