Bé gái bị bỏng trong vụ cháy chợ Phùng Khoang mưu sinh bằng bán bánh mì

15:20 11/03/2016
Hà Nội trời trở rét, tôi tìm đến số nhà 34 phố Chùa Láng để gặp ba mẹ con chị Nguyễn Thị Duyên, nạn nhân trong vụ cháy chợ Phùng Khoang vào ngày 18-5-2015.

Đây là cửa hàng bán bánh mì và chè Sài Gòn do chị dâu của chị Duyên mở. Vừa dựng xe, tôi ngỡ ngàng nhận ra cháu Phạm Linh Giang – một trong 3 nạn nhân sống sót đang làm bánh mì cho khách. Đôi tay Giang chằng chịt các vết sẹo lồi lõm, 6 ngón tay co quắp biến dạng thật khó nhọc khi cắt bánh.

Đã gần 1 năm trôi qua, nỗi đau về vụ cháy kinh hoàng vào rạng sáng ngày 18-5-2015 đối với gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, trú tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vẫn còn ám ảnh. Hậu quả của vụ cháy làm chồng chị - anh Phạm Văn Doanh chết tại chỗ, ba mẹ con chị bị thương tật suốt đời. Từ ngày ra viện, chị Duyên đem theo đứa con nhỏ - cháu Phạm Thùy Trâm về quê ở Nam Định sống dựa vào cha mẹ hai bên. Còn cháu Phạm Linh Giang, năm nay 16 tuổi ở lại Hà Nội với bác.

Giang lúc chưa bị bỏng và... hiện giờ.

Điều mừng nhất là Giang đã làm được việc bán bánh mì, nó không chỉ giúp cháu vui vẻ hơn với cuộc sống mà còn cho cháu một công việc để mưu sinh dù Giang đang được bác (là chủ hiệu bánh mì) nuôi.  

Nhìn cháu, dù quần áo che gần hết vết sẹo trên cơ thể, nhưng tôi hiểu, với tuổi 16 cháu đã ý thức được thế nào về nhan sắc của cô gái bước vào tuổi lớn. Toàn bộ phần lưng, vai, cánh tay của Giang là sẹo lồi lõm đỏ ửng. Một nửa khuôn mặt trái mang sẹo lồi. Hai bàn tay sẹo co rúm.  Năm ngón tay của bàn tay phải và ngón trỏ bàn tay trái bị biến dạng hoàn toàn, co quắp. 10 ngón chân bị rụng. Giơ đôi bàn tay lên, Giang buồn buồn:  “Bị thương thế này cháu chỉ hy vọng vào đôi tay nhưng tay lại bị bỏng nặng nhất”.  

Ngày mới ra viện, tay Giang không cầm nắm được vật gì. Cô bé được bác đưa đi trị liệu mỗi ngày một tiếng, sau vài tháng đã cầm được dao. Nhưng tiền trị liệu quá đắt đỏ, 300.000/1h khiến cho từ Tết ra đến nay cháu chưa trị liệu được  buổi nào. Hiểu thắc mắc của tôi, Giang giải thích: “Tiền là bác cháu cho, mỗi tháng hết 10 triệu”.  

Giang khoe với tôi, cuối tháng này cô bé về giỗ em trai. Nhắc tới đây, cháu cúi mặt để người đối diện không trông thấy đôi mắt ướt. “Ngày giỗ của em và bố cách nhau hơn một tháng. Cháu biết bố mất khi đi siêu âm xương ở Bệnh viện 103, tình cờ nghe người ta nói chuyện. Cháu chỉ dám khóc vào ban đêm vì sợ mẹ cháu biết. Khi ấy, vì lo cho tính mạng của mẹ con cháu, cả nhà và bác sĩ đều giấu tin bố cháu mất. Mẹ cháu hình như có linh tính, mấy lần mẹ bảo mơ thấy bố về. Nhưng nghe bác sỹ nói bố cháu đang điều trị ở Bệnh viện Xanh Pôn nên mẹ cháu tin. Khi chuẩn bị xuất viện, mẹ cháu đòi đi thăm bố, lúc này mọi người buộc phải nói sự thật. Mẹ cháu đã sốc đến mức ngất xỉu” – Giang kể lại bằng giọng buồn não nề.

Giang phụ giúp bán bánh mì cho bác.

Cô bé đã trải qua 8 cuộc phẫu thuật cấy ghép da, đã từng nghĩ đến cái chết khi phải chịu đựng đau đớn khủng khiếp trong chuỗi ngày điều trị ở Viện Bỏng quốc gia giờ đây đã lấy lại nghị lực. Giang mạnh mẽ nói: “Cháu phải cố gắng để còn nuôi em”. Hằng ngày, Giang ra cửa hàng bán bánh mì của bác để phụ giúp công việc bán bánh mì. Cô bé làm việc thoăn thoắt, khách hàng đều  hài lòng.

Chị Duyên sau 10 lần phẫu thuật cấy ghép da nhưng do bị bỏng nặng và sâu nên hai cánh tay dính vào nách, không giơ lên được. Một bên chân trái thường xuyên bị chảy mủ làm chị đi lại tập tễnh, khó nhọc. Cuộc sống của chị và đứa con gái út hơn 1 tuổi hoàn toàn dựa vào cha mẹ và anh em hai bên. Cháu Trâm một bên tay vẫn bị biến dạng, giật ngược lên. 

Phóng viên Báo CAND trao tiền của bạn đọc ủng hộ mẹ con cháu Giang.

"Cháu có ý định đi học tiếp không?”- tôi hỏi. “Cháu chưa nghĩ tới”- giọng buồn buồn, Giang nói tiếp: “Hình dạng cháu thế này khó đi học tiếp lắm. Bác sĩ Viện bỏng bảo để hết co cơ thì mới phẫu thuật thẫm mỹ. Mặt phải cắt da thừa, tay phải mổ 6-7 lần. Cháu không biết hết bao nhiêu tiền”.

Trao cho Giang 1 triệu đồng của bạn đọc Báo CAND ủng hộ (tổng hai đợt bạn đọc ủng hộ mẹ con chị Duyên 11 triệu đồng), tôi không mong gì hơn cháu luôn giữ sức khỏe, có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống còn quá nhiều khó khăn phía trước.

Trần Hằng

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文