Cụ già cô đơn vẫn giúp người nghèo khó
Trung tâm Bảo trợ xã hội III giữa những ngày Xuân Đinh Hợi đã gần kề. 90 cụ già cô đơn không nơi nương tựa cảm thấy cõi lòng quạnh hiu băng giá bấy lâu nay được sưởi ấm. Chúng tôi trao đổi với Giám đốc Hoàng Anh Đức một lát thì chợt nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Đó là cụ ông Nguyễn Hữu Hoành, năm nay 92 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, giọng nói trầm ấm.
Sinh ra tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, thời trai trẻ, cụ là anh lính chiến Quân khu 4. Trước khi vào bộ đội, chàng trai Hoành đã thành hôn với người con gái xứ Nghệ thuỳ mị, nết na. Qua những bức thư nhận được ở mặt trận, anh Hoành mới biết vợ mình đã sinh con trai.
Chiến tranh kết thúc, anh trở về đoàn tụ gia đình, họ sống cuộc đời đạm bạc nhưng vô cùng hạnh phúc. Nhưng thật rủi ro bất ngờ, người vợ thuỷ chung yêu quý của anh đột ngột ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Vì quá yêu thương vợ, anh chấp nhận sống cảnh "gà trống nuôi con".
Nhiều năm trôi qua, đến nay người con trai duy nhất của cụ Hoành đã lập gia đình. Nhưng vì cuộc sống éo le, nhà cửa chật hẹp... muốn gìn giữ hạnh phúc cho con trai nên cụ Hoành tự nguyện nộp đơn xin vào Trung tâm sống.
Cụ sống rất vui bởi từ ngày vào đây, cụ Hoành có thêm những người bạn già cùng cảnh ngộ trút bầu tâm sự. Cụ muốn sống trong trung tâm đến lúc nhắm mắt xuôi tay - cụ tâm sự với chúng tôi như vậy. Như minh chứng thêm điều cụ nói, anh Đức cho biết: Tuy trời lạnh buốt nhưng mỗi sớm ban mai, cụ vẫn ra vườn hoa tập thể dục đều đặn.
Do sự cố gắng bản thân với đội ngũ bác sỹ ở đây nhiệt tình chữa chạy cho cụ nên bệnh huyết áp thấp và bệnh khớp hành hạ cụ trước khi vào trung tâm nay bị đẩy lùi. Điều đó lý giải vì sao một cụ già 92 tuổi vẫn minh mẫn như vậy.
Tuy lương hưu mỗi tháng chỉ có một triệu đồng, nhưng cụ Hoành vẫn dành dụm được 20 triệu đồng. Số tiền đó cụ trích ra 5 triệu đồng giúp bà Tần quê ở Quảng Ngãi. Bà Tần là vợ liệt sỹ, một thân một mình tần tảo nuôi người con bị tàn tật cùng hai người cháu nhiễm chất độc da cam, không may vì căn nhà cấp 4 bị bão đánh sập.
Thương bà Tần, cụ Hoành giúp bà tiền xây lại nhà mới. Số tiền mà cụ Hoành trao gửi cho bà Tần qua Hội đồng quản lý Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động. Nhìn tấm giấy màu vàng ghi nhận công lao vì sự hảo tâm giúp đỡ người nghèo do cụ Hoành đưa chúng tôi xem mà ứa nước mắt. Tiễn cụ ra sân, cụ Hoành còn nói: "15 triệu còn lại tôi làm của hồi môn cho cháu nội".
Ở Trung tâm còn có những cụ già khác dẫu đang nơi xa vẫn hàng ngày lo lắng cho người thân. Ví như cụ bà Nguyễn Thị Luận, năm nay 94 tuổi -người Thái Bình đã tự nguyện sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội III mười năm nay. Cụ Luận khoe với chúng tôi: "Tuy ăn Tết trong Trung tâm nhưng sâu thẳm trong tâm hồn tôi vẫn nhớ về người thân, con cháu ở nơi xa, chẳng biết ở nơi đó chúng nó thật sự sung sướng, nhàn hạ như tôi?".
Cụ cho biết, năm nào cũng vậy, Ban Giám đốc và Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội bằng mọi giá đã lo Tết cho các cụ già cô đơn hết sức chu đáo. Anh Đức cho biết, Tết 2007, Trung tâm nâng cao đời sống cho các cụ hơn mọi năm. Cụ Huỳnh, cụ Luân cũng gần 90 cụ già cô đơn toàn tâm toàn ý thác gửi số phận mình cho Trung tâm. Đây thật sự là nhà của họ. Mới đây, cụ Vũ Thị Máy qua đời ở tuổi 87, không họ hàng, không người ruột thịt, nhưng Trung tâm đã lo mai táng chu tất.
Chỉ ít ngày nữa thôi một mùa xuân mới lại về, ở nơi bình yên lặng lẽ này, chúng tôi cũng thấy xuân sắp gõ cửa từng căn phòng người già cô đơn đang sống. Thật cảm động khi có những cụ già cô đơn vẫn tiết kiệm tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn, khốn khó khác