Hoàn cảnh bi đát của cậu học trò nghèo sống thực vật

08:00 19/03/2015
Ông Nguyễn Hữu Bồng, bố của cậu học trò Nguyễn Hữu Thọ đang sống thực vật vì TNGT nói trong nước mắt: “Đến thời điểm này, số tiền điều trị cho Thọ đã hơn 400 triệu đồng, trong đó hơn 150 triệu đồng tiền vay nóng với lãi suất cao. Giờ trong nhà không còn gì để bán nữa, giờ cả tiền xe đưa cháu về quê cũng không có nói gì đến điều trị lâu dài”.

Bị tai nạn giao thông trong một lần đi học về, suốt 8 tháng qua, gia đình em Nguyễn Hữu Thọ (18 tuổi, trú tại thôn Lũy, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã phải bán hết tài sản để chuyển qua 8 bệnh viện từ Bắc vào Nam nhưng Thọ vẫn trong tình trạng sống thực vật…

Là con trai út trong gia đình (2 chị gái đã lấy chồng), ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài giờ học, Thọ thường phụ giúp gia đình làm ruộng, chăn trâu để nuôi giấc mơ vào đại học. Vậy nhưng, vào một đêm giữa tháng 7/2014, trên đường đi học thêm về, Thọ bị ôtô tông phải. Sau khi được mọi người đưa vào sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc, Thọ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị Nghệ An. Tại đây, các bác sĩ cho biết, Thọ bị gãy tay phải, gãy quai hàm, chấn thương sọ não...

Em Nguyễn Hữu Thọ đang được điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk.

Nằm điều trị hơn 1 tháng với 3 lần mổ đầu để lấy dịch, 1 lần mổ tay, 1 lần mổ quai hàm nhưng Thọ vẫn trong tình trạng hôn mê. Không cam lòng nhìn đứa con sống đời thực vật, gia đình ông Nguyễn Hữu Bồng (52 tuổi, bố của Thọ) lại chạy vạy vay mượn khắp nơi, bán hết tất cả lợn, gà, những đồ dùng có giá trị để đưa con đi khắp các bệnh viện từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm hy vọng. Sau 20 ngày điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Đa khoa quận 8 (TP Hồ Chí Minh), không còn đủ tiền, gia đình phải đưa Thọ về quê. Tuy nhiên, trên đường đi, do sức khỏe của Thọ quá yếu, ông Bồng buộc phải đưa con vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk để điều trị.

Tiếp xúc với chúng tôi tại bệnh viện, nhìn dáng người gầy gò, khuôn mặt chất chứa đầy nỗi lo âu của ông Bồng túc trực bên cạnh nắn bóp, cử động tay chân cho con tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi không khỏi xót xa.

Ông Bồng nói trong nước mắt: “Do thiếu hiểu biết lại thương con nên thời gian đầu gia đình toàn đưa cháu đi trái tuyến, không được hưởng bảo hiểm. Do vậy, đến thời điểm này, số tiền điều trị cho Thọ đã hơn 400 triệu đồng, trong đó hơn 150 triệu đồng tiền vay nóng với lãi suất cao. Giờ trong nhà không còn gì để bán nữa, giờ cả tiền xe đưa cháu về quê cũng không có nói gì đến điều trị lâu dài”.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Minh Hoàng, Bí thư Chi bộ thôn Lũy, xã Kim Lộc, cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình ông Bồng thuộc hạng trung bình nên không dư dả. Từ ngày cháu Thọ bị tai nạn tới nay, gia đình đã bán sạch những tài sản có giá trị và vay mượn khắp nơi để điều trị cho cháu. Thấy hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ biết vận động các đoàn thể chăm sóc mẹ già của ông Bồng và làm giúp mấy sào lúa. Vậy nhưng, hiện lúa chưa ra đòng mà gia đình ông Bồng đã phải gọi người tới bán lúa non để lấy tiền chữa bệnh cho Thọ.

Còn theo bác sĩ Lương Công Toàn, Phó trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sau hơn 1 tuần điều trị tại đây, tình trạng sức khỏe của Thọ tiến triển rất khó khăn; tay chân bị co rút, xuất hiện thêm một số bệnh sau chấn thương. Với tình trạng này, Thọ sẽ phải tiếp tục điều trị lâu dài, tốn kém mới có hy vọng.

Rất mong những cá nhân, tổ chức hảo tâm dang rộng vòng tay nhân ái, sẻ chia giúp đỡ gia đình em Thọ vượt qua cơn hoạn nạn này. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, Hà Nội (ĐT: 04 38222157); hoặc Báo CAND Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh, số 6, Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh (ĐT: 08 38241917).

Văn Thành

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文