Khu trọ siêu rẻ và câu chuyện làm người tử tế

10:41 26/04/2016
15 ngàn đồng, liệu có thể làm gì với số tiền này trong thời kì bão giá giữa lòng Thủ đô Hà Nội? Ấy vậy mà, trong con ngõ nhỏ sát Bệnh viện Nhi Trung ương, có một khu nhà trọ sạch sẽ với đầy đủ tivi, điều hòa, quạt mát... dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn đưa con, cháu đi chữa bệnh. Tại đó, họ không đơn thuần là ở trọ mà còn được giúp đỡ hết sức nhiệt tình, tư vấn khám chữa, thậm chí được kêu gọi hỗ trợ cho hoàn cảnh khó khăn từ ông chủ nhà trọ Nguyễn Thế Hiệp...


Khu trọ "phá giá"

Có mặt tại khu nhà trọ của ông Hiệp vào một ngày nghỉ lễ, thế nhưng nơi này vẫn còn rất đông người nhà bệnh nhân đang lưu trú. Có người ở được vài ngày, có người đã ở cả năm nhưng có một điểm chung đó là hoàn cảnh đều rất khó khăn. Tại khoảng sân sinh hoạt chung của bà con xóm trọ, chúng tôi thấy ông Hiệp ăn mặc giản dị ngồi uống nước cùng người thuê, không hề có chút phong thái của một ông "giám đốc" khu trọ.

Nói về lí do mở một khu nhà trọ giá rẻ như vậy, ông Hiệp cho biết: "Làm điều thiện không phải đợi điều kiện, đó là câu mà tôi tự nghĩ ra để luôn nhắc mình phải làm gì. Người ta lớn vì người ta biết nhìn xuống, nếu chỉ mãi nhìn lên, nhìn những người giàu mà mơ ước thì mình luôn nhỏ bé. Hãy nhìn ngoài xã hội, còn nhiều người khổ hơn tôi rất nhiều nên mình phải làm điều gì đó để giúp đỡ người khác...".

Ông Hiệp khoe chứng nhận và ghi ơn của một quỹ khuyến học.

Khu nhà với hơn 40 phòng trọ này có cái giá "kịch sàn" để cho người nghèo có thể ở lâu dài. Cách đây vài năm, giá phòng chỉ có 10 ngàn/ngày đêm cho phòng tập thể. Sau vài năm, vật giá gia tăng, ông chủ trọ đành phải tăng giá lên... 15 ngàn/ngày đêm để cân đối thu chi.

Trong khi đó, những khu nhà trọ, nhà nghỉ lân cận giá đều cao gấp 3 - 4 lần. Nói về chuyện này, ông Hiệp cười: "Phải nói là nhà trọ của tôi mở ra khiến giá cả chung quanh khu này phải hạ hết xuống mới cạnh tranh được. Đó cũng là một điều tốt cho bà con bởi không phải lúc nào tôi cũng đủ phòng".

Mặc dù địa điểm không thuận lợi cho lắm như một số hộ mặt đường nhưng khu trọ nhà ông Hiệp lúc nào cũng tấp nập. Để được như vậy, người đàn ông chất phác này phải tự mình in tờ rơi đi phát trong bệnh viện, kèm với đó là những bài báo viết về ông để tăng sự tin tưởng.

Ông bảo rằng, mình cho thuê giá rẻ quá, lại miễn phí nhiều thứ, phòng có cả tivi, điều hòa... nên nhiều người không tin lại tưởng lừa đảo. "Nhiều khu trọ khác thấy tôi "phá giá" nên tìm mọi cách nói xấu, xé tờ rơi, bực bội với tôi. Thậm chí nhiều người còn đặt điều nói xấu rằng tôi chứa chấp nghiện ngập hoặc có thái độ không đúng với khách trọ. Với việc đó, tôi chỉ buồn cười mà không tức giận. Tôi thế nào, người ở trọ tự biết, họ còn truyền tai nhau mà đến chứ chưa đợi đọc tờ rơi của mình", ông Hiệp cười nói.

Hãy làm người tử tế

Tưởng như vậy đã là rẻ lắm rồi, nhưng có những trường hợp quá khó khăn như các cháu bé bị ung bướu, chạy thận, ông Hiệp còn giảm giá hết mức để gia đình các cháu có thể theo đuổi chạy chữa. Thậm chí, ông chủ trọ này còn cho người ở trọ vay tiền mà không lấy lãi cũng không cần đặt gì làm tin khi họ gặp khó khăn. "Hãy làm người tử tế" đó là câu nói cửa miệng của ông khi nói về những nghĩa cử của mình.

Chỗ nấu nướng của người thuê trọ.

Theo như lời kể, có lần ông Hiệp thấy đôi vợ chồng trẻ đứng cãi nhau ở ngoài viện liền chạy lại hỏi han. Đây là bố mẹ của cháu Trần Thị Bi - người dân tộc, sau khi hội chẩn thì bệnh viện yêu cầu đóng tạm ứng 5 triệu đồng. Nếu bế về thì cháu bé sẽ cầm chắc cái chết, lúc đó trong túi chỉ còn đúng 400 ngàn nên hai vợ chồng dường như lâm vào đường cùng.

Sau khi hòa giải hai vợ chồng, ông Hiệp cho họ về ở trọ miễn phí và đi kêu gọi từ thiện giúp. "Tôi đã gặp nhiều cá nhân, tổ chức để xin từ thiện giúp cháu nó. Một cá nhân đã tài trợ 5 triệu, hội phật tử Cầu Giấy cũng giúp đỡ 2 triệu. Sau khi mổ xong, cháu đã ra hồi sức tim mạch và đã được dùng sữa mẹ. Hiện tại gia đình cháu Bi vẫn còn ở trọ nơi đây", ông Hiệp chia sẻ.

Nói về  ông chủ xóm trọ, bà Trần Thị Quê (Gia Lộc, Hải Dương) cho biết: "Hôm đầu không biết ở lưu trú trong viện mất 150 ngàn, sau được người ta giới thiệu ra đây mới biết. Chú Hiệp tốt tính lắm, hài hòa niềm nở như người trong gia đình. Khu trọ còn sạch sẽ, đầy đủ giường chiếu lại có cả điều hòa, bình nước nóng, khu để nấu nướng cho những người ở lâu dài. Tôi làm nông dân nên không có điều kiện, may tìm được khu trọ này".

Còn bà Bùi Thị Hải (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì cho biết: "Tôi ở đây đã nửa tháng rồi, cháu nhà tôi bị tràn dịch màng phổi nên xác định phải ở lại lâu. May mà có khu trọ giá rẻ này nếu không chẳng biết lấy đâu ra tiền mà lưu trú. Ở đây lại rất yên tâm vì tối nào cũng có người đến kiểm tra khóa trong phòng. Ông Hiệp còn hay tư vấn, bênh vực cho người bệnh.

Khi chúng tôi vào trông cháu, ở nhà trời mưa thì ông ấy tự lên rút quần áo hộ, tối ngủ thì tự xếp dép thẳng hàng, sáng xếp gối chăn vuông vắn lịch sự. Những sự giúp đỡ này được ông ấy in cả trên giấy, ghi rõ là phi lợi nhuận".

Nếu đi dọc khu này, có thể thấy đâu cũng có những tờ giấy dán lời cảnh báo, nhắc của ông chủ trọ. Nhắc nhở về những thứ có thể nhận miễn phí như chậu giặt, mâm bát, phích nước hoặc thứ nhỏ nhất như giấy vệ sinh. Hoặc cảnh báo về những nguy cơ có thể gặp phải trong viện như lừa đảo.

Khoảnh sân nhỏ, nơi sinh hoạt chung của bà con xóm trọ.

Ông Hiệp kể: "Có cô bé người H'Mông ở trọ nơi đây, không hiểu nghe cậu thanh niên nào tỉ tê lại đưa cho vay gần 2 triệu. Tôi về thấy đang ngồi khóc sướt mướt nên hỏi mới biết. Sau đó tôi phải bỏ tiền ra và đi quyên góp bà con trong khu trọ để cho cô ấy có tiền trị bệnh cho con. Từ đó tôi phải dán tờ giấy cảnh báo bà con không nên cho người lạ vay tiền". Thậm chí trong tờ giấy nhắc nhở dán khắp tường ấy còn ghi rõ rằng, nếu có gì không rõ trong việc đi lại hay khám chữa bệnh thì hãy hỏi ông chủ trọ.

Ngõ vào Bệnh viện Nhi Trung ương vốn hay xảy ra ách tắc, theo những người ở trọ, có lần còn thấy ông chủ trọ ra phân luồng giao thông để cho xe cấp cứu vào kịp thời. Không chỉ vậy khi các cháu về lại nhà trọ, ông Hiệp còn chở các cháu bé đi xem công viên, vườn thú, lăng Bác miễn phí.

Nói về kỉ niệm với các cháu nhỏ trong khu trọ, ông kể: "Có những cháu sau một thời gian ở đây, chuyển sang các viện chuyên khoa thì tối cứ khóc đòi về ở nhà ông Hiệp. Bố mẹ các cháu thấy khóc quá lại phải bế về chỗ tôi". Ngoài khu nhà trọ "siêu rẻ" của mình, ông Hiệp thường xuyên tài trợ cho những quỹ từ thiện, quỹ khuyến học... của địa phương và nhiều xã, huyện khác.

Cũng có nhiều trường hợp được ông giúp đỡ làm thủ tục để tham gia chương trình "Trái tim cho em". Như trường hợp anh Lường Văn Phát (Bắc Yên, Sơn La), có con bị bệnh tim được ông Hiệp lo hồ sơ từ đầu cho tới lúc hoàn thành ca mổ. Trong nhà ông lúc nào cũng sẵn có vài bộ hồ sơ để giúp cho người nào không biết. Mỗi bộ hồ sơ được ông giúp đỡ chỉ mất 10 - 15 ngày để hoàn thành thủ tục và liên hệ với các quỹ.

Ông Hiệp tâm sự, ông kinh doanh là để tồn tại, tồn tại để giúp được nhiều người hơn nữa nên luôn cố gắng cân bằng kinh tế để có được khu trọ như ngày hôm nay. Mỗi tháng, ông "giám đốc" khu trọ phải lo trả 32 triệu tiền thuê khu nhà, 20 triệu thuê người giúp việc quản lý và 20 triệu tiền điện, nước chưa kể những chi phí khác như bột giặt, dầu rửa bát...

Ông chỉ có một mong muốn đó là được cải thiện tiện ích khu trọ tốt hơn nữa và chắc chắn trong thời gian tới có điều kiện sẽ làm. Hơn nữa, ông Hiệp luôn mong muốn sẽ có nhiều người biết đến để những hoàn cảnh khó khăn đang lưu trú nơi đây được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ. 

Theo ông Dương Văn An, tổ phó tổ dân phố 15, bảo vệ dân phố cụm 5, phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Anh Hiệp ở địa bàn chúng tôi phụ trách, qua một thời gian dài, anh sống hoà nhã, chan hoà với mọi người. Anh không phải là nhà khá giả, nhưng nhiều người giàu hơn chưa chắc làm được như anh Hiệp. Anh ấy đã dàn trải tấm lòng được cho mọi người, xây dựng được khu phòng trọ giá rẻ, giúp đỡ cho nhiều người. Giá phòng trọ như này có khi ở quê cũng không có. Sẵn sàng ứng tiền triệu cho người thuê trọ vay không lấy lãi, thậm chí đóng góp, cho tiền người khó khăn".
Phong Lê

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Hàng ngàn mét vuông đất công bị lấy chiếm, quán cà phê chòi, xưởng sản xuất, nhà hàng…cùng hàng trăm ngôi nhà mọc lên từ nhiều năm nay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bức xúc.

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文