Lo bữa ăn cho học sinh nghèo

13:57 23/02/2011
Bắt đầu từ năm học 2009 - 2010, BGH nhà trường Đoàn Văn Tố, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bàn với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức xây dựng mô hình hỗ trợ bữa cơm trưa cho các em ở khối lớp 12 có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi học xa nhà.

Vào một ngày sau Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, chúng tôi về Trường THPT Đoàn Văn Tố. Tiếp chúng tôi, thầy Mai Văn Vân - Phó hiệu trưởng, tâm sự: Trường THPT Đoàn Văn Tố là một trường thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng (huyện Cù Lao Dung được tách ra từ huyện Long Phú tháng 1/2002), học sinh của trường đa số xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nhiều em đi học xa nhà, lại có hoàn cảnh rất khó khăn nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập.

Nhiều em phải nghỉ vì gia đình quá khó khăn hay đi lại quá xa xôi, nhất là các em khối 12. Trước thực trạng đó, để giúp các em bớt đi một phần khó khăn vất vả để có điều kiện học tốt hơn, bắt đầu từ năm học 2009 - 2010, BGH nhà trường bàn với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức xây dựng mô hình hỗ trợ bữa cơm trưa cho các em ở khối lớp 12 có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi học xa nhà.

Các em học sinh Trường THPT Đoàn Văn Tố ăn cơm trưa.

Ý tưởng đó ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đơn vị, cá nhân, các nhà hảo tâm ở địa phương như ông Đoàn Thế Lập (con trai liệt sĩ Đoàn Văn Tố), cán bộ, chiến sĩ Cơ sở giáo dục Cồn Cát (thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn huyện Cù Lao Dung), ông Lê Văn Chín (chủ DNTN Chín Mỹ ở thị trấn Cù Lao Dung)… Riêng gia đình chị Nguyễn Thị Út nhận trách nhiệm nấu cơm phục vụ cho các em với tiêu chí "Cơm nóng, canh ngọt, thức ăn ngon, bổ, cơm ăn no".

Năm đầu tiên bếp ăn có 30 em, còn năm học 2010 - 2011 đã có 50 em. Theo thầy Vân, mức ăn của các em trong mỗi bữa ăn là 12.000đ, số tiền này ở thành phố thì sẽ không đủ nhưng ở vùng nông thôn như Cù Lao Dung thì có thể nói là khá thoải mái. Nói về bữa ăn của nhà trường, em Lê Thị Kim Tuyến (lớp 12A4) cho biết: "Nhà em ở xã An Thạnh Nhất, cách trường 11km, cha mẹ em nghèo, không có đất sản xuất, sống chủ yếu bằng làm thuê làm mướn nên em không có điều kiện thuê nhà trọ để học như nhiều bạn khác. Hằng ngày, em đạp xe đến trường. Thường ngày đi học em chỉ có trong túi 5.000 đồng để phòng khi xe hư hỏng có tiền sửa, bữa nào học trái buổi thì ở lại trường học xong chiều mới về. Do không có tiền nên ở lại thì chỉ dám mua ổ bánh mì ăn tạm đến chiều học tiếp. Từ khi nhà trường tổ chức bữa ăn trưa cho em và các bạn, chúng em rất vui vì không còn cảnh mua bánh mì ăn lót dạ như trước. Bữa cơm rất ngon, ăn no, vừa miệng nên bạn nào cũng hào hứng. Nhờ có những bữa cơm như vậy nên chúng em yên tâm học tập tốt hơn. Em và các bạn rất cảm ơn sự quan tâm chu đáo của thầy cô cũng như của các chú, các bác, các cô trong Hội phụ huynh và các nhà hảo tâm. Chúng em hứa sẽ cố gắng học tốt, thi đậu tốt nghiệp và thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng để đáp lại sự quan tâm đó. Sau này thành đạt chúng em sẽ góp phần hỗ trợ những bạn học sinh của trường có hoàn cảnh giống như mình".

Còn em Nguyễn Văn Ngoan (lớp 12A3) nói: "Nhà em ở bên xã An Thạnh Đông, cách trường khoảng 5km, lại phải qua đò, đi lại khó khăn, gia đình nghèo nên khi được nhà trường lo bữa ăn, cha mẹ em yên tâm cho em tiếp tục học. Ăn cơm ở đây vừa no lại vừa ngon. Em hứa sẽ cố gắng học tốt để đền đáp lại công ơn của nhà trường, của các cô các chú phụ huynh".

Chị Nguyễn Thị Út, người phụ trách nấu cơm cho các em, bộc bạch: "Gia đình tôi từ trước đến nay mở quán bán hàng ăn uống, giải khát, quán lại gần trường nên khi BGH nhà trường đặt vấn đề nấu cơm trưa cho các em, gia đình tôi nhận lời ngay, bởi chúng tôi cũng muốn chia sẻ khó khăn với gia đình các em, muốn được góp phần mình vào việc học tập của các em được tốt hơn cũng như đóng góp vào phong trào khuyến học của địa phương".

Ông Lê Văn Chín cho biết: "Tôi cũng có con học ở trường Đoàn Văn Tố, thấy các cháu ở các xã vùng xa đi học vất vả quá, nên khi nhà trường vận động đóng góp nấu cơm trưa cho các cháu, tôi ủng hộ ngay. Mong muốn của tôi là được góp phần nhỏ của mình giúp các cháu có điều kiện học tập tốt hơn".

Khi tôi đề cập đến hiệu quả học tập của các em học sinh lớp 12 được nhà trường tổ chức bữa ăn trưa, thầy Mai Văn Vân phấn khởi thông báo: "Năm học 2009-2010, bếp ăn có 30 em được hỗ trợ cơm trưa thì cả 30 em đều học tốt, 100% đậu tốt nghiệp lớp 12. Còn năm học này có 50 em thì nhiều em học giỏi, tiên tiến như các em Huỳnh Thị Lê, Dương Văn Thật, Trần Bé Thảo, Lê Thị Kim Tuyến… Đặc biệt, từ khi có chủ trương lo bữa cơm trưa cho các em thì số học sinh bỏ học đã giảm hẳn so với những năm trước".

Không chỉ chăm lo bữa ăn cho học sinh nghèo, BGH Trường THPT Đoàn Văn Tố còn vận động được nhiều cá nhân đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học. Đó là sư thầy Thích Minh Đạt (trụ trì chùa An Minh, thị trấn Cù Lao Dung) nhận đỡ đầu 2 em Nguyễn Minh Châu (lớp 12) và Ung Thị Kiều Ngọc (lớp 10) với mức 400.000đ/em/tháng.

Thầy Lâm Hoàng Khải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cù Lao Dung nhận đỡ đầu em Nguyễn Hữu Khanh (lớp 10) cho đến khi em học hết đại học. Ông Lê Văn Chín (DNTN Chín Mỹ) đỡ đầu em Trần Anh Văn (lớp 11) cho đến khi em học xong đại học. Ngoài ra, nhà trường cũng vận động ủng hộ Quỹ học bổng cho học sinh nghèo, trong đó ông Đoàn Thế Lập ủng hộ mỗi năm 10 triệu đồng, ông Lê Văn Chín ủng hộ 5 triệu đồng…

Văn Đức - X.Lương

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文