Một tấm lòng nhân hậu
- Vị bác sĩ già với tấm lòng nhân hậu1
- Ngôi làng với những người mẹ nuôi có tấm lòng nhân hậu
- Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu
- Sư thầy với tấm lòng nhân hậu
“Tôi yêu sự chân thành, cởi mở và thân thiện của con người Việt Nam, tôi khâm phục tinh thần quật cường của đất nước bạn trong đấu tranh gìn giữ hòa bình. Đó là lý do tôi dành sự sẻ chia của mình cho những trẻ em nghèo, kém may mắn ở Việt Nam”. Ông là Dư Lập Phi, 64 tuổi, một người Đài Loan thông qua tổ chức ZhishanFoundation(C.I), nhiều năm liền đỡ đầu cho học trò nghèo ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, chia sẻ.
Một ngày tháng Chín, dưới ánh nắng vàng rộm rải đều khắp miền rẻo cao Đakrông, tỉnh Quảng Trị, những học sinh người Vân Kiều phấn khởi xếp hàng ngay ngắn từ cửa lớp để đón một vị khách đặc biệt đến từ Đài Loan là ông Dư Lập Phi.
Những bó hoa tươi rói được trao đi cùng nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của con trẻ và nhận lại ở người đàn ông đã ngoài 60 tuổi này là những cái ôm ấm áp. Ông Phi tâm sự, đến với các bạn nhỏ ở Trường Mầm non Đakrông 2 lần nào ông cũng có cảm giác như được trở về nhà, về với tuổi ấu thơ của ông…
Ông Dư Lập Phi thăm các cháu Trường Mầm non Đakrông 2. |
Ông Phi bảo, đây là lần thứ 3 ông đến Việt Nam trong vòng 8 năm trở lại đây. Mục đích chính của các chuyến đi là đồng hành cùng những nhà hảo tâm trên đất nước ông thông qua tổ chức C.I đến các tỉnh miền Trung hỗ trợ cho trẻ em nghèo, kém may mắn. Thông qua những chuyến đi đó, ông cũng dành thời gian tham quan, tìm hiểu về các địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống để hiểu hơn quê hương nước Việt. Dù khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ nhưng nụ cười thân thiện thường trực trên môi giúp ông gần hơn với các bạn nhỏ ở Trường Mầm non Đakrông 2.
“Có nhiều bạn bè tôi ở Đài Loan thường hỏi đùa tôi rằng, vì sao tôi lại dành cho trẻ em ở Việt Nam sự hỗ trợ nhiều hơn nơi khác. Có lẽ các bạn cũng nghĩ vậy? Các bạn thấy đấy, tôi dành tình cảm đặc biệt cho những bạn học trò nghèo Việt Nam bởi vì tôi rất cảm phục tinh thần quật cường của đất nước bạn trong các cuộc kháng chiến bảo vệ hòa bình. Ở Đài Loan, tôi cũng được tiếp xúc với rất nhiều người Việt sinh sống và làm việc ở đó, tôi mến họ ở sự chăm chỉ trong công việc và tính tình cởi mở, thân thiện”, ông Phi chia sẻ.
Một điều đặc biệt, trong chuyến đi nào đến Việt Nam ông Phi cũng mặc chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng. Ông nói: “Đơn giản vì tôi yêu Việt Nam. Tôi mặc áo in hình quốc kì đất nước bạn ngay cả khi tôi ở Đài Loan. Tôi có khoảng 15 chiếc áo có in hình quốc kì Việt Nam và tôi rất thích mặc những chiếc áo này”.
Hơn 10 năm lặng lẽ trích phần thu nhập của mình gửi đến những trẻ em nghèo ở miền Trung, trong số ấy có em đã hoàn thành chương trình đại học, có việc làm ổn định, như em Trần Thị Thanh Tâm, ở xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Em Châu được nhận học bổng từ năm lên lớp 4 cho đến khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế là ngót 13 năm.
“Em sinh ra thiếu hơi ấm của người cha. Mẹ em nuôi em với bà ngoại già yếu. Dù là trụ cột nhưng mẹ cũng đã trải qua 2 lần phẫu thuật sỏi mật nên sức khỏe rất yếu. Được ông Phi hỗ trợ cho đến trường, em thấy mình rất may mắn.
Ông Phi ngoài hỗ trợ tiền học phí thì lần nào đến Việt Nam, ông đều gọi điện thoại cho em đến gặp để hỏi han, trò chuyện. Không chỉ vậy, tháng nào ông cũng gửi thư qua email cho em, động viên em học tập. Thật lòng em rất biết ơn ông, từ một xứ sở hoàn toàn xa lạ, không thân thích họ hàng mà vẫn mở lòng hỗ trợ cho em trong suốt những tháng năm theo học”, em Châu bày tỏ. Ông Phi thổ lộ mong ước: “Điều mong muốn lớn nhất của tôi là sau này các cháu có việc làm ổn định, hãy tiếp tục thay tôi hỗ trợ các bạn học sinh nghèo để họ có cơ hội đến trường”.