Tấm lòng nhân ái của người thầy giáo trên dãy Trường Sơn

10:47 19/01/2017
Suốt 13 năm nay, có một thầy giáo đã đi khắp các bản làng trên dãy Trường Sơn ở địa bàn tỉnh Quảng Trị, làm đủ thứ công việc từ dạy học đến đào giếng, xây trường, nuôi trẻ mồ côi, với một tâm nguyện giúp đồng bào nơi đây biết con chữ, cũng như kế mưu sinh, góp phần xóa đói giảm nghèo.


Người thầy giáo ấy là Phạm Minh Tuấn, hiện công tác Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và THCS Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa.

Hôm tôi đến thăm, thầy Tuấn đang phát áo ấm và sữa cho học trò của mình. Thầy bảo đây là sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm các tỉnh gửi về sau lời kêu gọi của thầy thông qua những bà con, quen biết và bạn bè trên Facebook. Thầy thường làm từ thiện ngoài thời gian đứng lớp.

Mùa hè, mùa thu thì thầy xin sách vở, tiền mặt và gạo để giúp đỡ học sinh chuẩn bị cho năm học mới; mùa đông, mùa xuân thầy xin áo ấm, các loại quà Tết cho các em. Thầy còn xin kinh phí để đào giếng cho nhà trường, bản làng khan hiếm nước sạch và xây dựng, sửa chữa những lớp học đã xuống cấp, dột nát…

Trao đổi với tôi, thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, nhận xét: Thầy Tuấn như một nhân vật chỉ có trong truyện cổ tích; quanh năm suốt tháng đi đâu cũng gặp thầy, cũng thấy thầy xắn tay vào làm từ việc nhẹ cho tới việc nặng, từ chăm chút cái ăn cho trẻ mồ côi cho tới cuốc đất, trồng cây giúp dân bản.

Đơn cử, ở điểm trường lẻ Tiểu học Hướng Choa, Hướng Phùng, nếu không có cái giếng khoan của thầy Tuấn làm cho thì các em mầm non, học sinh và giáo viên ở điểm trường này và lân cận, cùng mấy trăm hộ dân ở bản sẽ còn lắm vất vả do phải lội bộ hàng chục cây số xa tít trong rừng sâu để tìm xách những can nước về ăn, uống.

Thầy Trọng cho biết thêm, việc kêu gọi giúp đỡ từ thiện đã khó, việc có kinh phí rồi tìm địa điểm thích hợp để khoan giếng nước còn khó khăn vất vả hơn nhiều. Vậy mà, thầy Tuấn khi đã quyết là làm và làm cho bằng được, chứ chưa bao giờ nản.

Thầy Tuấn phát áo ấm và sữa cho các em học sinh.

Ngoài giếng nước ở bản Hướng Choa, mới đây thầy Tuấn còn khảo sát, khoan cho bà con ở bản Cu Vơ, xã Hướng Linh, Hướng Hóa, một giếng nước tương tự... 

Tôi lại tìm đến giếng nước mang tên thầy Tuấn ở Cu Vơ, ông Hồ Văn Tèng, Trưởng thôn không giấu nổi sự xúc động: “Mình quý cái Tuấn lắm, vì cái bụng nó rất sáng, rất biết thương yêu, chia sẻ khó khăn với người khác. Nó dạy học ở bên Hướng Phùng, nhưng nó lại tìm đến đây để giúp đỡ, khoan tặng cho bà con một giếng nước. Kể từ khi có giếng nước, thì điểm trường học ở đây cũng chấm dứt tình cảnh 6 năm liền từ sau xây dựng nhưng không có nước sạch”.

Ngược lên xã Hướng Lộc, sát vùng Lìa Hướng Hóa, người dân ở đây vui thích kể về những tình cảm mà thầy Tuấn dành cho bà con dân bản. Năm 2016, sau 2 năm kêu gọi “Mạnh Thường Quân” và tự xắn tay vào làm việc, thầy Tuấn đã xây nên 3 phòng học khang trang dành cho trẻ mầm non ở Hướng Lộc, với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.

Ở miền rừng thiêng nước độc, có chứng kiến hết thiệt thòi của lũ học trò ngồi co ro trong những lớp học tranh tre, nứa lá mới thấu hiểu hơn tấm lòng của người thầm lặng mang đến cho các em căn phòng ấm giữa tứ bề gió núi mưa ngàn. Cũng từ sự thấu hiểu đó của thầy Tuấn mà đã có hàng chục ngôi nhà của bà con dân bản đã được thầy kết nối hỗ trợ xây mới và sửa chữa. Rồi hàng trăm chuyến từ thiện trao quà gồm áo quần, cặp sách, gạo, nước mắm… được chuyển đến tận tay bà con.

Việc làm từ thiện của thầy giáo Tuấn chưa dừng lại ở đó, cách đây hai năm, thầy đã nhận nuôi cả 3 anh em Hồ An Ran, ở xã Hướng Linh, Hướng Hóa, mồ côi mẹ, cha bỏ đi biệt tích.

Đồng cảm, chia sẻ và ủng hộ việc làm của chồng, chị Hoàng Thị Hồng Lam, vợ của thầy Tuấn bộc bạch: “Nhiều lúc thấy các cháu đói run mà chảy nước mắt, nên khi anh Tuấn quyết định bảo bọc, chăm nuôi các cháu, em đồng ý và ủng hộ ngay!”.

Chia tay với thầy Tuấn và người vợ thảo hiền, lam lũ của thầy, trong tôi bừng lên niềm tin mãnh liệt, ngày mai trên dãy Trường Sơn này - nơi đang có những tấm lòng nhân ái, bao dung như thầy Tuấn, cuộc sống chắc chắn sẽ ngày càng tươi sáng hơn…

Phan Thanh Bình

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文