Trái tim cho Thương

15:35 05/11/2019
Từ một đứa trẻ sinh ra đã bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng, bố mẹ phạm tội và phải chịu án, Thương giờ đây đã chiến thắng bệnh tật và có cuộc sống bình thường như bạn bè cùng trang lứa.


Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Sinh Hiếu ở thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đúng lúc ông bà chuẩn bị đưa cháu nội Nguyễn Thị Hoài Thương đi học. Nhìn Thương vai đeo cặp, ríu rít ngồi sau xe ông đến lớp, chúng tôi chợt thấy ấm áp và yên lòng. 

Từ một đứa trẻ sinh ra đã bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng, bố mẹ phạm tội và phải chịu án, Thương giờ đây đã chiến thắng bệnh tật và có cuộc sống bình thường như bạn bè cùng trang lứa. 

Để có được trái tim khỏe mạnh cho Thương, ông bà nội đã luôn ở bên chăm sóc em, các tổ chức xã hội tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ em. Và đặc biệt, có sự chung tay góp sức không nhỏ của cán bộ chiến sĩ Trại giam Ninh Khánh (Hoa Lư, Ninh Bình) - nơi mẹ Thương đang chấp hành án. Cuộc sống bình an hiện tại của Thương là động lực sống, là niềm tin hướng thiện để mẹ của em cải tạo tốt, làm lại cuộc đời.

Sau 2 lần mổ tim, Thương đã có thể sinh hoạt và học tập bình thường.

1. Ngôi nhà gỗ của gia đình ông Nguyễn Sinh Hiếu và bà Lê Thị Đúng vốn đã cũ lại càng thêm trống trải vì đồ đạc chẳng có gì nhiều và đã 6 năm kể từ ngày con trai và con dâu phạm tội, gia đình ông không sum vầy đông đủ. Thứ duy nhất mang lại cảm giác ấm áp và tươi tắn cho mấy gian nhà là những bức ảnh chụp ông bà và con cháu được lồng trong khung kính treo trên tường. Ông bà vẫn lưu giữ những bức ảnh ấy để bé Thương cảm nhận được không khí gia đình, được nhìn thấy bố mẹ và anh trai...

Sau đợt mổ tim lần 2 năm 2017, Thương đã có thể đến trường, ông nội vẫn ngày ngày đưa đón cháu bằng chiếc xe máy cũ. Thương đã quen lắm với hình ảnh ông đứng ngóng em ở cổng trường và câu hỏi: “Hôm nay con đi học có vui không?”. Đi học về, bà nội thường nấu những món ăn em thích, thủ thỉ kể đủ chuyện cho em nghe. Thương là niềm an ủi, là niềm vui còn sót lại để ông bà Hiếu có động lực sống tiếp những ngày tháng ở chặng cuối cuộc đời.

Nguyễn Quang Hiệp (sinh năm 1979) là con út của ông bà Hiếu. Được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn và là giáo viên của một trường THPT ở Ninh Bình, Hiệp từng là niềm hi vọng của gia đình. Năm 2008, Hiệp lấy vợ là Hoàng Thị Lư (sinh năm 1984) - nhân viên kế toán của một công ty tư nhân. Năm 2009, Lư sinh con trai đầu lòng. Những tưởng, vợ chồng Hiệp sẽ chăm chỉ làm ăn, vun đắp cho gia đình nhỏ, nào ngờ...

Từ cuối năm 2011, Lư và Hiệp đã thế chấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở TP Ninh Bình để vay tiền của bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1952, trú tại phường Vân Giang, TP Ninh Bình). Lư đã vay 3 lần với tổng số tiền là 660 triệu đồng, lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. 

Thời gian đầu, vợ chồng Hiệp trả lãi cho bà Mai đầy đủ nhưng đến tháng 1-2013, số tiền cả gốc cả lãi phải trả lên tới 850 triệu đồng thì vợ chồng Hiệp không có khả năng trả nợ nữa. Trước sự thúc ép của bà Mai, ngày 26-1-2013, vợ chồng Hiệp - Lư đã sát hại bà. 

Trả giá cho tội ác đã gây ra, Nguyễn Quang Hiệp lĩnh án tử hình, Hoàng Thị Lư chịu 30 năm tù giam vì tội “giết người” và “cướp tài sản”.

Trước đó, năm 2012, Lư mang bầu đứa con thứ 2. Khi thai nhi được 7 tháng, đi siêu âm, bác sĩ kết luận thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh, sẽ khó qua khỏi. Song Hiệp và Lư vẫn quyết định giữ lại đứa con. Bé gái sinh ra nặng 3kg, mặt mũi kháu khỉnh, được đặt tên là Nguyễn Thị Hoài Thương. 

Ngay từ những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời, Thương đã bị bệnh tật hành hạ, cơ thể yếu ớt, tím tái, không đủ sức bú mẹ, phải uống từng thìa sữa nhỏ. Rất nhiều lần, những cơn ngừng thở diễn ra khi Thương đang trên tay bà nội, bà chỉ biết cầu trời phù hộ cho đứa cháu bé bỏng đáng thương.

Khi Thương được 8 tháng tuổi, anh trai Thương là Nguyễn Quang Huy 4 tuổi thì bố mẹ bị bắt vì tội ác mà họ gây ra. Thương nhỏ bé và yếu ớt không thể hiểu được rằng cuộc sống của em vốn đã mong manh lại càng trở nên mong manh chính bởi sự lầm lạc của bố mẹ. 

Tội ác của Lư và Hiệp đã bị trừng trị thích đáng nhưng đằng sau bản án đó còn dang dở và khó nhọc những cuộc đời con trẻ. Vợ chồng người anh trai của Hiệp ở mãi Sơn La đã làm thủ tục nhận bé Huy làm con nuôi để bé bớt thiệt thòi. Còn Thương ở với mẹ lúc này được phép tại ngoại để nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Năm 2014, khi Thương 2 tuổi, bệnh tim diễn biến xấu đe dọa đến tính mạng nên ông bà và mẹ gom góp tiền bạc đưa em ra Bệnh viện E (Hà Nội) mổ tim lần thứ nhất. Sau lần mổ ấy, bệnh tình của Thương tiến triển khá hơn nhưng thể trạng rất yếu ớt, các bác sĩ chỉ định theo dõi để mổ lần 2. 

Ba tuổi, Thương rời khỏi vòng tay mẹ, ở lại với ông bà già yếu và nghèo khó, mang trong mình bệnh tim nặng phải tiếp tục phẫu thuật. Những ngày đầu khi mẹ đi chấp hành án, Thương nhớ mẹ, khóc ngằn ngặt cho đến lúc mệt quá thiếp đi trên vai của ông bà. 

Rồi thời gian trôi đi, Thương quen dần với cuộc sống thiếu vắng mẹ cha. Bởi vậy, ông bà Hiếu dành hết tình yêu thương cho đứa cháu gái như để bù lại những thiệt thòi, mất mát mà Thương phải chịu đựng.

2. Tháng 7-2017, sức khỏe của Thương xấu đi, bác sĩ chỉ định phải mổ lần 2, nếu không em sẽ khó qua khỏi. Lần này, mẹ đã đi chấp hành án, chỉ còn hai ông bà già yếu và nghèo túng, không có tiền mổ cho Thương. Nhìn cháu đau đớn, hai ông bà như đứt từng khúc ruột. Đúng lúc ông bà Hiếu cảm thấy bất lực và bi quan nhất thì ánh sáng đã chiếu ở cuối đường hầm...

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi mới đây, nhắc đến câu chuyện của Thương, Đại tá Phạm Hữu Học - nguyên Giám thị Trại giam Ninh Khánh (Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) vẫn xót xa: “Cô bé tên là Hoài Thương, hoàn cảnh cũng rất đáng thương khi bị bệnh tim nặng mà bố mẹ đều ở trại, ông bà già yếu không có tiền chạy chữa”. 

Thời điểm ấy, khi nghiên cứu hồ sơ lí lịch của phạm nhân, Đại tá Phạm Hữu Học chú ý ngay đến Hoàng Thị Lư vì phạm nhân này có hoàn cảnh rất đặc biệt. Nghĩ đến sự sống mong manh của bé Thương, ông thấy thương cảm và lo lắng không yên. 

Đại tá Phạm Hữu Học đã động viên phạm nhân Lư viết đơn trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng được giúp đỡ mổ tim cho con. Cũng chính tay ông đã viết giấy bảo lãnh đề nghị các bác sĩ ở Bệnh viện E mổ sớm cho Thương dù chưa có đủ tiền, đồng thời cùng Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình hỗ trợ tiền cho cháu Thương.

Em Nguyễn Thị Hoài Thương cùng ông bà nội.

Ngày Thương vào phòng mổ, ngoài ông bà nội còn có cả cán bộ Trại Ninh Khánh túc trực ở bệnh viện. Ca mổ thành công, Đại tá Phạm Hữu Học như trút được nỗi lo lắng đè nặng. Sau đó ông cùng các cán bộ chiến sĩ trong Trại quyên góp được gần 40 triệu đồng ủng hộ cho Thương. 

Ngày 26-8-2017, Thương cùng ông bà nội được gặp mẹ và nhận số tiền ý nghĩa trong chương trình “Niềm tin và sự hướng thiện” tổ chức tại Trại giam Ninh Khánh. 

Khi tiếng gọi mẹ của Thương vang lên, phạm nhân Hoàng Thị Lư quá đỗi ngạc nhiên và xúc động vì con gái đã được cứu sống. Nhìn cảnh Thương trong vòng tay mẹ, hôm ấy, rất nhiều cán bộ chiến sĩ và phạm nhân của Trại đã rơi nước mắt. 

Sự quan tâm giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Trại Ninh Khánh là món quà quý giá cứu sống đứa con bé bỏng của Lư, giúp Lư có thêm niềm tin để cải tạo tốt, làm lại cuộc đời.

Ông bà Hiếu đã từng rất bi quan vì khi đi thăm khám, các bác sĩ đều nói bệnh của Thương rất nặng, cuộc sống của em sẽ không kéo dài được bao lâu nữa. Nhưng cô bé Thương nhỏ bé, gầy yếu đã can đảm và nghị lực để vượt qua những cơn ngừng thở, những lần viêm phổi xảy ra như cơm bữa từ khi sinh ra và đã trải qua 2 lần mổ tim. Có những ngày ông nội cõng Thương đi khắp các phòng của Bệnh viện E để thăm khám, xét nghiệm, vậy mà Thương gan dạ lắm, đau mấy cũng không hề kêu khóc. 

Và chính sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đại tá Phạm Hữu Học và cán bộ chiến sĩ Trại giam Ninh Khánh đã cứu sống bé Thương. Họ như những người thân trong gia đình đã chung tay góp sức trong lúc ông bà Hiếu khó khăn, bế tắc nhất. Đó là hai điều kì diệu đã hồi sinh cuộc sống của Thương.

Hai năm sau ngày mổ tim lần 2, sức khỏe của Thương phục hồi tốt, em bắt đầu một cuộc sống mới với trái tim khỏe mạnh. Chia tay ông bà Hiếu và bé Thương, chúng tôi cứ nhớ mãi ánh mắt trong veo, nụ cười tươi tắn của Thương, nhớ hình ảnh Thương được ông chở đi học mỗi ngày... Cầu chúc cho Thương mạnh khỏe, bình an và luôn được yêu thương suốt cuộc đời.

Huyền Châm

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/5 (giờ địa phương) nhấn mạnh sẽ không cung cấp vũ khí tấn công mà Israel có thể sử dụng để tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào Rafah, thành phố ở phía Nam Gaza, vì lo ngại cho sự an toàn của hơn 1 triệu thường dân đang trú ẩn ở tại đây.

Những đứa trẻ chúng tôi gặp ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đều mang trên mình nỗi đau căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) – căn bệnh phải truyền máu và uống thải sắt suốt đời. Nhiều người không được phát hiện và điều trị sớm xương mặt đã biến dạng. Điều đáng buồn là mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 trẻ chào đời mắc căn bệnh này.

Mưa rào và dông, cục bộ mưa to được dự báo diễn ra ở Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc trong ngày hôm nay, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 90mm. Nam Bộ ngày nắng nóng, nhiệt trên cao trên 36 độ C.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文