Cả nước chung tay vì người nghèo - Hành trình của sự sẻ chia và tự lực vươn lên

04:27 18/10/2022

Chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2022 với chủ đề "Hành trình của hy vọng" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Chính phủ được tổ chức vào lúc 20h10 ngày 17/10, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. .

Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2022.

Trước thềm chương trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, chủ đề của chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm nay mang tên "Hành trình của hy vọng", là hành trình của sự lắng nghe, giúp đỡ, chia sẻ yêu thương và tự lực vươn lên. Những phóng sự và tiết mục trong chương trình được thực hiện, dàn dựng theo ý tưởng về một hành trình gieo những niềm hy vọng tượng trưng cho sự nỗ lực vươn lên, sự chung tay giúp đỡ để cùng nhau hướng về một tương lai với cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lồng ghép vận động người nghèo, cận nghèo tham gia học nghề đan dây nhựa, tạo việc làm. (Ảnh minh họa)

Từ đó, chương trình muốn chuyển tải một thông điệp đến nhân dân cả nước, đó là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng những chủ trương, chính sách để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện các mục tiêu hỗ trợ cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Hy vọng với chủ trương, định hướng đúng đắn như vậy, sự chung tay của toàn xã hội sẽ được nhân rộng và lan tỏa. Với "Hành trình của hy vọng", chương trình mong muốn người nghèo có cơ hội để vươn lên thoát nghèo, làm chủ chính cuộc sống của mình, để không ai bị bỏ lại phía sau.

PV: Thông qua chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo", Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi gắm kỳ vọng như thế nào về việc có thêm nguồn lực cho Quỹ "Vì người nghèo" và kinh phí triển khai các chương trình an sinh xã hội, thưa bà?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Qua 2 năm đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước đang trong quá trình phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, do đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đặt ra mục tiêu năm nay phải đạt được con số là bao nhiêu cho Quỹ "Vì người nghèo" và bao nhiêu kinh phí cho chương trình an sinh xã hội.

Song, chúng tôi kỳ vọng, với những định hướng cụ thể từ Thủ tướng Chính phủ và sự đồng hành của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình sẽ có sự lan tỏa mạnh mẽ hơn đến với cộng đồng doanh nghiệp. Mong rằng các doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục thể hiện sự chia sẻ, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc và trách nhiệm xã hội của mình, để chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" ngày càng được đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng nhiều hơn.

Tính đến nay, sau khi phát đi thông báo chính thức để tiếp nhận, tài khoản của Quỹ "Vì người nghèo" đã nhận được đăng ký của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và kiều bào ta ở nước ngoài. Hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng lên.

PV: Trong nhiều năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực phối hợp với Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo thông qua Quỹ "Vì người nghèo" và các chương trình an sinh xã hội. Bà có thể đánh giá về những kết quả nổi bật của quá trình này?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Giảm nghèo và các chương trình an sinh xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được Mặt trận các cấp thực hiện hiệu quả nhiều năm qua, cụ thể là thông qua Quỹ "Vì người nghèo" từ Trung ương đến địa phương. Hai năm trở lại đây, việc triển khai Quỹ "Vì người nghèo" diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, để thể hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành trong việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, người nghèo có điều kiện khắc phục hoàn cảnh để vươn lên, chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động của Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương để vận động các nguồn lực cho công tác hỗ trợ người nghèo. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế khi bị ảnh hưởng của COVID-19, nhưng sự chung tay của toàn xã hội cho công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo vẫn nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất tích cực của các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương tiếp nhận trên 171,135 tỷ đồng; Quỹ "Vì người nghèo" địa phương tiếp nhận trên 3.694 tỷ đồng; đồng thời vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trên 15.448 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sự chung tay, chia sẻ của các tập đoàn, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và người Việt Nam ở nước ngoài đã cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ cho người nghèo.

Không dừng lại ở số kinh phí vận động được, chúng tôi nhận thấy hiệu quả cao nhất của chương trình chăm lo cho người nghèo và Quỹ "Vì người nghèo" là việc đã kết nối được tấm lòng của những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có mong muốn hỗ trợ cho người nghèo, các hộ gia đình khó khăn, đặc biệt ở những vùng khó khăn và các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ trong những năm vừa qua.

PV: Từ nguồn lực vận động được, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức hỗ trợ người dân và những hộ nghèo như thế nào, thưa bà?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Về việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo, Mặt trận Việt Nam chủ trương tập trung vào một số nội dung.

Thứ nhất, hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa có mái ấm, chưa có nơi ở ổn định. Trong 3 năm qua, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã hỗ trợ được trên 102.00 căn nhà cho các hộ nghèo. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ cho các gia đình khó khăn để đảm bảo cho con em của họ được đến trường. 3 năm qua, có gần 600.000 em của các gia đình khó khăn được cho vay để trang trải học phí, được trang bị sách vở để đi học.

Một nội dung nữa được thực hiện rất hiệu quả đó là hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình khó khăn để họ có điều kiện làm ăn, phát triển sản xuất; phát huy được sức lao động, nội lực để họ vươn lên, đáp ứng được mục tiêu thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm để tạo điều kiện cho hộ nghèo vay không lãi suất, có vốn sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, chúng tôi xây dựng các dự án để hướng dẫn các mô hình thoát nghèo bền vững. Hiện nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai được 61 mô hình ở 35 tỉnh, thành phố. Mỗi một mô hình sẽ hướng dẫn từ 20 - 50 hộ gia đình cách thức làm ăn. Mỗi nhóm ở cộng đồng tham gia dự án gồm những hộ gia đình làm ăn khá giả, những hộ vừa thoát nghèo, đặc biệt phần đông là các hộ nghèo, khó khăn để những gia đình làm ăn khá giả hướng dẫn cách thức làm ăn cho các gia đình khó khăn. Đối với những hộ vừa thoát nghèo, khi tham gia mô hình sẽ có điều kiện tiếp tục thoát nghèo bền vững.

61 mô hình này có tổng số vốn ban đầu là 22 tỷ đồng, được hỗ trợ từ kinh phí hằng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình đã duy trì đến chu kỳ thứ 3. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện hình thức này trong thời gian tới. Năm nay, để triển khai mục tiêu này, chúng tôi cũng sẽ đăng tải luôn số tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội để các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ Quỹ "Vì người nghèo" có thể gửi vào tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ theo dõi nguồn ủng hộ đó để thực hiện cho vay đối với các hộ nghèo trên địa bàn cả nước.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Hiền Hạnh (thực hiện)

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文