Nét đẹp nhân văn của một nông dân say mê thiện nguyện
Ông Phan Ngọc Phượng (SN 1960, trú ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) là một trong 75 người tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết sau hơn 4 năm (1981-1985) làm lính ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Khánh trước đây, ông Phan Ngọc Phượng rời quân ngũ, cùng vợ là Nguyễn Thị Lý tất bật mưu sinh bằng nghề trồng trọt ngô, khoai, lúa, mía và gia công cưa xẻ gỗ. Cách đây hơn 7 năm, sau những lần đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên và Viện Huyết học truyền máu TP Hồ Chí Minh điều trị thoái hóa cột sống, giảm thiểu hồng cầu, ông Phượng cảm nhận tình người lấp lánh nét đẹp nhân văn từ bếp ăn từ thiện ở cơ sở y tế và những suất cơm, phần quà của các nhóm thiện nguyện dành cho bệnh nhân nghèo khó.
Cảm nhận đó đã thôi thúc ông bà Phượng - Lý khởi đầu hoạt động thiện nguyện với 400.000 đồng mua thịt nạc, khoai tây, khoai môn để nấu 100 suất cháo dành cho người già, trẻ em ở xã Đức Bình Tây. Nhận thấy hành động ý nghĩa nên nhiều người thân, tiểu thương… động viên và góp tiền, nên 5 năm qua, nồi cháo tình thương do ông bà Phượng – Lý đảm trách vẫn tổ chức đều đặn 100-300 suất cháo vào ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Từ nồi cháo tình thương, năm 2017, ông bà Phượng – Lý mở rộng hoạt động thiện nguyện bằng cách sử dụng Facebook, Zalo đăng tải thông tin, hình ảnh những mảnh đời bất hạnh để vận động những tấm lòng nhân ái sẻ chia, hỗ trợ. Không chỉ bạn bè, người thân của họ, mà nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gửi tiền, quà nhờ ông bà Phượng – Lý làm cầu nối thiện nguyện với người già neo đơn, khuyết tật, khó khăn hoạn nạn, bệnh nhân nghèo, học sinh vượt khó hiếu học… Mỗi khi trao tặng tiền, quà đều công khai minh bạch, chụp ảnh và chuyển tải thông tin cho các cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ.
Tại Phú Yên, hơn 6 năm qua, ông bà Phượng – Lý đã làm cầu nối vận động hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà tình thương có tổng trị giá hơn 270 triệu đồng; 14 giếng khoan nước sinh hoạt cho gia đình nghèo khó; 115 chiếc xe lăn cho người khuyết tật và gần 300 người neo đơn, gia cảnh khó khăn được hỗ trợ kinh phí mai táng từ 6-8 triệu đồng cho mỗi trường hợp; trao tặng hơn 5.000 suất quà ở Phú Yên, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế. Tại nhà ông bà Phượng – Lý từ năm 2019 đến nay còn có “Cửa hàng 0 đồng” với quần áo, giày dép cũ – mới, gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt… dành cho “Ai thiếu đến nhận – Ai dư đến góp”.
Cùng thời gian đó, ông bà còn vận động nguồn tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên cho 15 gia đình khó khăn ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh; trong đó có 10 trường hợp hỗ trợ mỗi gia đình 200.000 đồng/tháng, 5 trường hợp hỗ trợ 300.000 – 1 triệu đồng/tháng.
Trong số 6 gia đình được xây nhà tình thương có ông Lương Văn Chính (SN 1949, trú ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) bị cụt chân, người vợ đau ốm thường xuyên, con gái mắc bệnh tâm thần. Còn ông Nguyễn Phước (SN 1924, trú ở khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) đã quá già yếu, nằm trên giường, trong khi gia đình có 4 trong số 5 người con bị khuyết tật, bệnh tâm thần, nên ngoài việc giúp đỡ xây dựng công trình phụ, hơn 1 năm qua, ông bà Phượng – Lý còn vận động hỗ trợ gia đình này mỗi tháng 1,7 triệu đồng.
Nói về những dấu ấn trong hành trình thiện nguyện, ông Phượng chia sẻ: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều người vào khu cách ly, nhiều khu dân cư phong tỏa. Bằng Facebook, Zalo, tôi đã vận động nhiều nguồn hỗ trợ gạo, mắm, thịt, trứng, vật tư y tế thiết yếu… có tổng trị giá khoảng 70 triệu đồng để cung cấp cho các khu cách ly, phong tỏa. Có lần gần nửa tháng, vợ chồng tôi chế biến 150-200 suất cơm mỗi ngày để chuyển đến một số chốt kiểm dịch, khu cách ly ở hai huyện Sông Hinh, Sơn Hòa. Ấm lòng nhất là khi tiền, quà chuyển đến kịp thời, đúng địa chỉ và định lượng mà người hỗ trợ nhờ làm cầu nối thiện nguyện. Không ít lần nửa đêm, mờ sáng, tôi đi hỗ trợ mai táng người chết, người bị tai nạn, phẫu thuật cấp cứu…”.
Ngoài những hoạt động thiện nguyện tại Phú Yên, mùa mưa bão năm 2020, ông bà Phượng – Lý cùng một số nhà hảo tâm đã đi cứu trợ tại nhiều vùng lũ ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế hơn 50 ngày.
Bà Ka Pá HPhương, trú ở thôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh bày tỏ, trước kia, căn nhà nhỏ của bà xiêu vẹo, dột nát. Nhờ có ông bà Phượng – Lý vận động hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà, nên 4 năm qua đã có nơi ở ổn định. Trường hợp em Nguyễn Đoàn Nhật Huy – học sinh lớp 9, Trường THCS Đức Bình Tây, bị khuyết tật bẩm sinh, nhưng cha bỏ rơi, mẹ mưu sinh vất vả, ông bà Phượng – Lý thường xuyên hỗ trợ hiện vậtnên nhiều năm liền Huy là học sinh giỏi.
Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sông Hinh cho biết, ông Phan Ngọc Phượng không chỉ là một cựu chiến binh, nông dân gương mẫu, mà còn có nhiều đóng góp hiệu quả trong hoạt động thiện nguyện, góp phần lan tỏa nét đẹp tình người trong cuộc sống. 5 năm qua, ông Phan Ngọc Phượng đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sông Hinh cùng nhiều đoàn thể cấp huyện, chính quyền một số xã tặng hơn 10 bằng khen, giấy khen. Đặc biệt tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023, ông Phan Ngọc Phượng vịnh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.