Xuân ấm áp trong vòng tay “Mẹ đỡ đầu”
Không máu mủ ruột thịt nhưng với tình yêu thương xuất phát từ trái tim, những người “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ hàng trăm em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh để các con có động lực vươn lên trong cuộc sống…
Che chở những mảnh đời bất hạnh
Những tia nắng sáng sớm của tiết trời đầu Xuân khiến cho không khí trong ngôi nhà cấp 4 của gia đình cháu Nguyễn Tiến Nam (SN 2015, trú tại TP Buôn Ma Thuột) thêm ấm áp hơn khi có các “Mẹ đỡ đầu” là cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Đắk Lắk đến thăm. Rót vội ly trà ấm mời khách, ông nội của Nam cho biết, cháu vốn là đứa bé chịu nhiều thiệt thòi khi mẹ bỏ đi vừa tròn 1 tháng tuổi đến giờ không rõ tung tích; bố Nam do bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam nên sức khoẻ thường xuyên đau yếu.
“Hằng ngày, bố Nam tranh thủ chở chị em Nam đến trường từ sáng sớm rồi vội đi làm công nhân tại một khu công nghiệp. Cuộc sống gia đình rất khó khăn khi cả 3 bố con phải ở nhờ nhà ông bà nội đã già yếu. Vài năm trở lại đây, bà nội bị tai biến, không đủ sức khỏe để nuôi dưỡng, chăm sóc cháu. Nguồn thu nhập chính của gia đình Nam chủ yếu dựa vào những đồng lương hưu ít ỏi của ông bà cũng như tiền làm công thất thường hằng ngày của người bố”, ông nội Nam chia sẻ.
Nói thêm về hoàn cảnh của Nam, Trung tá Mai Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội phụ nữ Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk tâm sự, Nam là một trong những cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt được Hội nhận đỡ đầu từ những ngày đầu phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”. “Cháu vốn bị thiệt thòi nhiều thứ, sức khỏe thường xuyên đau yếu. Khi tiếp nhận giúp đỡ bé, chúng tôi mong muốn mình như là những người mẹ thứ hai để có thể chở che, bù đắp phần nào những thiếu thốn về vật chất, tình cảm cho bé. Bên cạnh đó, nhằm kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, giúp cháu có thêm động lực vươn lên trong học tập”, Trung tá Thuỷ cho biết.
Chia tay với gia đình Nam, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ đến thăm gia đình cháu Mai Đăng Nguyên (SN 2022, trú tại thôn 5, xã Ea Ô, huyện Ea Kar), là một trong những cháu được cán bộ, chiến sĩ Hội Phụ nữ Phòng CSCĐ Công an Đắk Lắk nhận làm “Mẹ đỡ đầu”. Trong căn nhà cấp bốn khá tuềnh toàng, bà nội của bé Nguyên cho hay, bố mẹ cháu bỏ nhau và đi biệt xứ khi Nguyên vừa mới lọt lòng. Mọi sự nuôi dưỡng Nguyên đến nay đều do bàn tay của ông bà nội. “Cháu sinh ra không được chăm sóc nên bị viêm phổi từ bé. Ông bà hiện đang mang bệnh hiểm nghèo nên cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Gia đình khổ lắm, nhiều khi bé thiếu sữa không có tiền để mua. Hoàn cảnh mình vậy nên khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho bé khôn lớn của các chiến sĩ Công an, gia đình vui lắm”, bà nội bé Nguyên nói.
Nâng bước các con trưởng thành
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay, bé Nam và Nguyên là hai trong số 40 cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà các cấp Hội Phụ nữ Công an tỉnh nhận làm “Mẹ đỡ đầu” trong thời gian qua. “Chúng tôi đều đã là những người mẹ, nhưng ở vai trò là mẹ đỡ đầu cho các bé, những đứa con không cùng máu mủ, ruột thịt, đó không chỉ là một hoạt động đơn thuần, mà là sứ mệnh thiêng liêng chúng tôi cùng nhau gánh vác. Là người mẹ, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng các con, sẻ chia niềm vui, xoa dịu nỗi buồn, để con tin rằng, cuộc đời vẫn còn những niềm tin và những người “Mẹ” - họ sẽ luôn yêu thương con bằng cả tấm lòng”, Trung tá Thu chia sẻ.
Cũng theo Trung tá Thu, với phương châm “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, Chương trình đặt ra với mục tiêu 100% các cấp Hội Phụ nữ Công an tỉnh thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” phù hợp với thực tế tại đơn vị địa phương. Ngoài việc hỗ trợ mức kinh phí hàng năm, Hội Phụ nữ thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc và tặng quà vào các ngày lễ, Tết... “Những cháu có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi đã cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc khi được các nữ chiến sĩ Công an nhận làm “Mẹ đỡ đầu”, giúp đỡ, động viên các em tiếp bước đến trường. Các chị đã trở thành người mẹ thứ hai, mang hơi ấm tình thương giúp các em bù đắp thiếu thốn tình cảm, có thêm động lực để vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo”, Trung tá Thu nói.
Chia sẻ thêm về chương trình, Trung tá Thu cho hay, mô hình “Mẹ đỡ đầu” tuy mới được các cấp Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk thực hiện nhưng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, và chính những hội viên Hội phụ nữ là những người hăng hái nhất, bởi họ thấu hiểu được được ý nghĩa to lớn, nhân văn của hoạt động này. Họ là những người mẹ, có kinh nghiệm chăm sóc con cái nên luôn thấu hiểu những thiệt thòi, mất mát của các hoàn cảnh trẻ em mồ côi, thiếu hơi ấm chở che của người thân.
“Bằng niềm tin, sự đồng cảm và tình yêu thương, các chị sẽ trở thành những người mẹ thứ hai luôn chở che, giúp đỡ và hỗ trợ con về cả vật chất lẫn tinh thần để con tự tin vượt qua khó khăn, yên tâm học tập, vững bước trên con đường hướng tới tương lai tươi sáng. Chúng tôi không chỉ giúp đỡ, đồng hành với các em trong một khoảng thời gian nhất định, mà sẽ cố gắng đồng hành lâu nhất có thể, thậm chí ngay cả khi các em đi học chuyên nghiệp để giảm bớt những khó khăn, tiếp thêm động lực giúp các em vươn lên trong học tập và cuộc sống”, Trung tá Thu tâm sự.
Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có gần 2.300 trẻ em mồ côi, trong đó có 679 em mồ côi cả cha và mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được chăm sóc. Do đó, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” và các chương trình hướng đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã trở thành hoạt động thường xuyên, mang tính nhân văn trong các cấp Hội Phụ nữ Công an tỉnh, thể hiện vai trò, trách nhiệm, tình yêu thương và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Qua đó không chỉ góp phần lan tỏa, xây dựng hình ảnh đep về người chiến sĩ Công an vì Nhân dân phục vụ mà đã và đang chắp cánh cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn có thêm nghị lực để viết tiếp những ước mơ và trở thành công dân có ích cho xã hội.