Liên quan đến việc trang web của Bộ KH&CN gỡ thông tin về kit test thử của Công ty Việt Á:

Ai chịu trách nhiệm về tính liêm chính của thông tin khoa học?

06:59 22/12/2021

Ngày 21/12, thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) được đăng trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) từ tháng 4/2020, đã bị gỡ bỏ.

Việc gỡ bỏ thông tin sau đó đã được đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ thừa nhận “miệng” là “sai sót”, song lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo website của Bộ KH&CN dường như cố tình “bơ” đi, không có một dòng đính chính về sự việc nói trên.

Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN đăng tải: "Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận", trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00". 

Thế nhưng, trên thực tế, WHO đã liệt bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á vào danh sách sản phẩm không được chấp thuận cho EUL (Emergency Use Listing - danh sách sử dụng khẩn cấp) trong cập nhật mới nhất ngày 10/12/2021.

Theo WHO, bộ kit Light Power iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR (mã số EUL: EUL 0524-210-00) không được chấp nhận nên không đạt điều kiện tham gia đấu thầu của WHO. WHO yêu cầu Công ty Việt Á phải cung cấp thông tin mới nhất về tình trạng của hệ thống quản lý chất lượng của họ.

Trước thông tin này, ngày 21/12/2021, Bộ KH&CN đã “lặng lẽ” rút thông tin đã đăng từ năm 2020. Theo đại diện Bộ KH&CN, do sai sót thông tin nên gỡ bài viết đánh giá của WHO về bộ kit test SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á trên trang web của Bộ. Về lý do, ngày 20/12, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN thừa nhận với một số báo rằng: "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng".

Đây là sơ suất của Bộ KH&CN. Về băn khoăn kit test không được WHO chấp thuận nhưng vẫn đưa sản phẩm này vào sử dụng trong 2 năm chống dịch, ông Hùng nhấn mạnh, việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.

Cụ thể, ngày 4/3/2020, theo đề nghị của Bộ KH&CN, Bộ Y tế đồng ý cho sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất được cấp số đăng ký để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Sản phẩm này là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp quốc gia được Bộ KH&CN đặt hàng Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện. Đề tài được nghiệm thu và thông qua. Do đó, bộ kit test này đủ điều kiện để các cơ sở y tế sử dụng trong nước phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Xung quanh việc gỡ bỏ thông tin trên trang web của Bộ KH&CN, ngày 21/12, phóng viên Báo CAND tìm mọi cách liên hệ với lãnh đạo Bộ KH&CN với mong muốn có câu trả lời chính thống nhưng không ai bắt máy. Chỉ duy nhất một chuyên viên hồi âm: “Hiện Bộ chưa có thông cáo báo chí về vấn đề kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nói chung và vấn đề gỡ bỏ thông tin trên trang web nói riêng. Khi nào có chúng tôi sẽ gửi tới Quý báo”.

Trên thực tế, sự im lặng của lãnh đạo Bộ KH&CN khiến dư luận băn khoăn. Vì thông tin đăng trên trang web chính là một trong những nguồn tin chính thống của Bộ. Người dân, các đơn vị sẽ cảm thấy tin tưởng hơn rất nhiều khi đọc được những thông tin bổ ích từ đây, nhất là thông tin về các công trình khoa học. Đặc biệt, việc này liên quan đến một công ty vừa bị khởi tố và bắt giam nhiều đối tượng do các vi phạm liên quan đến kit test.

Thiết nghĩ, trang web của một bộ là nơi đăng tải những thông tin chính thống, thể hiện trách nhiệm xã hội. Do đó, khi đăng một thông tin về thành tựu khoa học, nhất là trong hoàn cảnh cả nước đang mong chờ một “cây đũa thần” góp phần phòng, chống đại dịch, thì thông tin đó phải đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Việc tự ý gỡ bỏ thông tin, mà không có lời giải thích khiến dư luận hoài nghi về tính liêm chính của một thông tin khoa học quan trọng?

Phạm Huyền

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文