Bắc Kạn đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng. Điểm chung đó là lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin kiểm chứng của bị hại để nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới
Trong thời bùng nổ thông tin, mạng xã hội vẫn là thủ đoạn cũ, nhưng ở mỗi vụ, các đối tượng lại có cách ứng biến riêng, rất tinh vi, khiến nhiều người, dù cảnh giác nhưng vẫn bị dính bẫy. Ngày 9/2, chị Đ.T.Tr, trú tại phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn thông qua mạng xã hội Facebook thấy bài viết tuyển cộng tác viên bán hàng trên trang “Shoppe sales” nên đã truy cập và đăng ký làm cộng tác viên, nhiệm vụ được giao là đăng nhập vào các đường link được gửi đến để thanh toán các sản phẩm, dùng tiền của mình chuyển qua tài khoản ngân hàng để thanh toán các sản phẩm theo hướng dẫn, sau đó sẽ được hoàn lại tiền và hưởng thêm 10% tiền hoa hồng cho mỗi sản phẩm. Chị Tr đã thực hiện xong 4 nhiệm vụ (chuyển số tiền nhỏ) và được nhận lại tiền gốc và tiền hoa hồng.
Đến nhiệm vụ thứ 5, khi hoàn thành việc chuyển số tiền lớn, không thấy tư vấn viên chuyển lại tiền đến tài khoản và chỉ nhận được thêm các nhiệm vụ mới và yêu cầu sau khi hoàn thành sẽ được nhận tiền gốc và tiền hoa hồng. Chị Tr tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thanh toán các sản phẩm mới nhưng không được hoàn trả tiền. Đến khi nhận ra bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì chị Tr đã chuyển khoản tổng số 22 lần với số tiền hơn 50 triệu đồng.
Qua hình thức thông báo “hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp”, không phải là hình thức lừa đảo mới song với chiêu lừa “độc”, đánh vào tâm lý chờ nhận tiền hỗ trợ, nhiều người vẫn rơi vào bẫy của các đối tượng. Cuối năm 2021, chị H. 29 tuổi, trú tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đến thăm người thân tại xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Tại đây, chị nhận được tin nhắn văn bản với nội dung: Theo NQ 116, bạn đã đủ điều kiện NHAN - TIEN ho tro tu quy -BHTN. Bam vao ww.rbbbw2.com de lay.QUA HAN SE KHONG DUOC CHAP NHAN jc82. Bình thường, chị H. sẽ bỏ qua những tin nhắn lạ như vậy, nhưng vì nghĩ được hưởng hỗ trợ thất nghiệp do dịch COVID-19, chị đã ấn vào đường link để được nhận tiền thì xuất hiện một trang web có giao diện hiện lên giống “Smart Banking” tương tự với ứng dụng của ngân hàng mà chị H. đang dùng.
Không nghi ngờ gì, chị H. đã đăng nhập số điện thoại và mật khẩu của ứng dụng “Smart Banking”, sau đó chị nhận được 3 tin nhắn nhập mã OTP để nhận tiền, chị đã nhập 4 lần, khi nhập đúng mã OTP, số tiền 77 triệu đồng trong tài khoản của chị H. đã bị trừ hết. Ngay sau đó, chị H. đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Trước đó, ngày 29/11/2021, Công an phường Đức Xuân tiếp nhận đơn tố giác của ông S. 57 tuổi, trú tại phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, vào khoảng 14h cùng ngày, vợ ông là bà Y. 54 tuổi, cùng trú tại địa chỉ trên, nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ, có kèm theo đường link, nội dung liên quan đến nhận tiền hỗ trợ từ bảo hiểm, bà Y. đã nhấn vào đường link thực hiện một số thao tác theo hướng dẫn, sau đó tài khoản của bà Y. đã bị trừ hơn 500 triệu đồng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và thu nhập của một số người dân. Tình trạng thất nghiệp kéo dài, đã khiến người lao động gặp nhiều khó khăn, nên nhiều nạn nhân khi nhận được tin nhắn như vậy đều nghĩ rằng mình được sự quan tâm, hỗ trợ. Vì thế, họ nhanh chóng làm theo hướng dẫn từ tin nhắn và mất tiền oan bởi những kẻ lừa đảo.
Thượng tá Ngô Ngọc Dưỡng, Phó Trưởng Công an thành phố Bắc Kạn cho biết: Nhìn chung, các loại tội phạm lừa đảo trên mạng đã được cơ quan Công an tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính quyền địa phương. Tuy nhiên, qua những vụ, việc xảy ra, qua làm việc với bị hại, hầu hết bị hại đều chưa nắm được thông tin này.
Nâng cao ý thức cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân
Năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 12 vụ lừa đảo trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Trước tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các đối tượng sử dụng phương thức như: Lừa đảo dưới hình thức nhắn tin trúng thưởng, cho vay trực tuyến bằng một số ứng dụng trên điện thoại di động, lừa đảo thông qua tuyển dụng cộng tác viên mua bán online, nhắn tin đến thuê bao di động người dùng để được nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp do dịch bệnh COVID-19, sau đó lừa lấy thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền của nạn nhân…
Công an tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh rơi vào bẫy lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời, chủ động công tác nắm tình hình, kịp thời giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram… ở nước ta đang phát triển nhiều tiện ích hướng tới sự thuận tiện cho người dùng trong việc giao lưu, kết nối với cộng đồng. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra khá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng viễn thông với số tiền lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, một số vụ lừa đảo theo các hình thức như: Chiếm tài khoản Facebook, Zalo rồi lừa nạp thẻ cào. Làm quen qua Facebook để lừa tình, chiếm đoạt tài sản, lập chương trình trúng thưởng, khuyến mại ảo, mạo danh nhà mạng… để chiếm đoạt tài sản.
Người ít thì vài triệu, nhiều cũng đến vài trăm triệu đồng. Cơ quan Công an đã tiếp nhận một số đơn trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo, trong đó phổ biến là hành vi các đối tượng tự xưng là người nước ngoài kết bạn làm quen người Việt Nam qua mạng xã hội Facebook, Skype… gửi quà tặng sau đó giả làm nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp tiền phí để nhận quà rồi chiếm đoạt.
Hoặc thủ đoạn của các đối tượng: gửi tin nhắn rác qua mạng xã hội Facebook và Zalo với nội dung thông báo trúng thưởng, kèm đường dẫn cho người dùng truy cập vào các website mạo danh các chương trình trao thưởng của các nhãn hiệu lớn trong và ngoài nước, sau đó đề nghị nạn nhân chuyển tiền hoặc mua thẻ cào để nộp lệ phí nhận giải thưởng…. Theo cơ quan điều tra, đối tượng mà bọn tội phạm hướng đến là những người “nhẹ dạ, cả tin”.
Thượng tá Ngô Ngọc Dưỡng khuyến cáo người dân không nên tin, nhất là đối với thủ đoạn đối tượng trộm tài khoản của người thân, bạn bè mạo danh để nhắn tin. Trước khi chuyển tiền, hãy xác định chính xác tài khoản mình chuyển tiền đến là của ai? Có thật hay không? Và thông tin cá nhân, đặc biệt là tài khoản, mã OTP được coi như chìa khóa, không nên để lộ cho người khác. Bên cạnh đó, Cơ quan tố tụng khi làm việc phải có giấy mời và phối hợp với Công an địa phương, không có chuyện Công an ở tỉnh khác gọi điện thẳng cho đương sự, càng không có việc cơ quan Công an yêu cầu đương sự tự chuyển tiền đến một tài khoản nào đó. Nều người dân nghe được thông tin này thì chắc chắn đây là thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, hãy trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.