Những cú lừa bạc tỷ trên không gian mạng

Bài 1: Sợ hãi vì thiếu hiểu biết

05:58 14/09/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận khoảng 60 vụ vừa đảo thông qua mạng xã hội với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Điều đáng nói hơn là thủ đoạn các vụ lừa đảo tương tự đã được cơ quan Công an tuyên truyền, khuyến cáo sâu rộng bằng nhiều hình thức nhưng vì mù quáng tin người, vì lòng tham, sự sợ hãi vô căn cứ… nhiều người đã tự đưa cổ mình vào thòng lọng…

Giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… để thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây mua bán ma túy, đường dây rửa tiền quốc tế rồi đe dọa bắt bớ buộc nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản để “thẩm định” và chiếm đoạt là một kiểu lừa đã “xưa như trái đất” nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân sập bẫy. Qua nhiều vụ đã bị lừa có thể xác định nguyên nhân tạo nên sự sợ hãi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của nạn nhân. Bởi chẳng có một cơ quan tố tụng nào lại gọi điện, nhắn tin dọa bắt tạm giam nạn nhân hay buộc phải chuyển tiền qua tài khoản..

Một nạn nhân trình báo bị kẻ giả danh Công an lừa đảo.

Khoảng 14h chiều 29/4/2022, ông L.V.T (ngụ phường Tương Hiệp Bình, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên của Bộ Thông tin và truyền thông, thông báo cho ông T. biết số điện thoại ông T. đang sử dụng sẽ bị cắt vĩnh viễn bắt đầu từ 17h cùng ngày. Lý do là có người mang tên L.V.T đăng ký sử dụng thuê bao này nhưng đang phạm pháp hình sự. Ông T. hoang mang hỏi lại thì người này nói người sử dụng số điện thoại của ông T. đã rao bán thiết bị y tế cho một người khác và đã nhận 80 triệu đồng nhưng không giao hàng. “Đây là vụ việc đang nằm trong vòng điều tra bí mật, ông không được báo cho ai, kể cả vợ con, nếu không hậu quả sẽ khó lường” - người này nghiêm giọng.

Nghe đến đây ông T. rụng rời tay chân, nói không nên lời. Biết cá đã cắn câu, kẻ giấu mặt chuyển máy cho ông T. gặp một người phụ nữ tự xưng là Trung úy Linh, công tác tại Công an TP Hà Nội. Người này vào thẳng vấn đề: “Nếu ông báo cho Công an địa phương thì chúng tôi sẽ bắt giam và di lý ông ra Công an Hà Nội ngay. Người thân và vợ con ông cũng bị bắt hết”. Câu chuyện nghe hoang đường vậy nhưng ông T. thì rất sợ sệt, nhất là sau đó, trong ngày 30/4, hết điều tra viên này đến kiểm sát viên nọ điện thoại “hỏi cung” và đe dọa bắt ông.

Sang ngày 1/5, một đối tượng tự xưng là điều tra viên tên Dương, công tác tại “Tổng cục điều tra tội phạm” và cho biết ở phường Tương Hiệp Thành nơi ông T. cư ngụ có 57 nghi can bị điều tra về hành vi rửa tiền và ông T. là nghi can thứ 58. Để ông T. tin tưởng người này đọc vanh vách kết luận điều tra về hành vi phạm tội của 57 người kia.

Sau 3 ngày liên tục đe dọa, một đối tượng khác xưng là Trung tá, phó phòng ở “Tổng cục điều tra tội phạm” khẳng định qua điều tra đã xác định ông T. nằm trong đường dây rửa tiền trong hệ thống ngân hàng. Nếu ông T. muốn chứng minh mình vô tội thì chuyển hết số tiền trong tài khoản về “Hội đồng quốc gia” để kiểm tra, nếu không có vấn đề thì sẽ hoàn trả lại. Nếu ông T. không chuyển tiền Công an sẽ đến bắt vợ chồng ông ngay. Quá sợ hãi, chiều 5/5, ông T. đến chi nhánh ngân hàng ở phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một) và chuyển số tiền 700 triệu đồng đến số tài khoản mà kẻ lừa chỉ định. Sang ngày hôm sau, lại một “điều tra viên” điện thoại cho ông T., dọa sẽ bắt ông T. ngay vì ông T. gian dối chưa chuyển hết số tiền có trong tài khoản. Ông T. chưa kịp phân bua thì đối tượng này bảo đã bắt 3 nhân viên ngân hàng hôm qua ông T. vào chuyển tiền vì đã thông đồng với ông T. không chuyển hết tiền trong tài khoản. Câu đe dọa “chặn đầu” này vô tình làm cho ông T. càng sợ sệt hơn vì thực tế trong tài khoản ông T. vẫn còn 1,9 tỷ đồng. Tuy hoảng sợ nhưng vì sợ mất hết tiền dành dụm nên ông T. đã sang một ngân hàng khác và chuyển đi 900 triệu đồng. Đến chiều cùng này, “điều tra viên” này tiếp tục dọa ông T. là chưa chuyển hết tiền trong tài khoản, nếu ông T. không chuyển hết thì Công an cũng sẽ tự tịch thu và bắt giam ông T. ngay. Để “thử” xem những người này có quyền lực như vậy thật không, ông T. quyết định không chuyển tiền nữa. Sang ngày hôm sau ông T. kiểm tra tài khoản thì thấy 1 tỷ đồng vẫn còn nguyên. Nghi ngờ mình đã bị lừa, ông T. đến trình báo cơ quan Công an vì bị chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng…

Cũng giống như ông T., bà B.T.H (ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận được cuộc gọi của đối tượng xưng tên Nguyễn Thị Loan là nhân viên “Chi cục Lưu trữ văn thư Hà Nội” hỏi bà H. sao không tham dự phiên tòa dù đã được triệu tập. Bà H. chưa kịp hiểu chuyện gì thì đối tượng cho biết bà H. bị ngân hàng khởi kiện vì nợ 45 triệu đồng không trả. Bà H. phân trần không liên quan gì đến chuyện nợ nần thì đối tượng bảo sẽ chuyển điện thoại cho bà H. đến điều tra viên Công an Hà Nội để bà H. trình bày. Đầu dây bên kia kẻ tự xưng Trung úy Hoàng Trung Kiên thông báo rằng bà H. liên quan đến băng nhóm mua bán ma túy và rửa tiền Quốc tế. Sau nhiều lần đe dọa, cuối cùng vụ việc của bà H. được chuyển đến “Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao”! Đối tượng tự xưng là “viện phó” Nguyễn Văn Dũng đã làm việc qua Zalo với bà H. và kết luận: “Muốn giải oan cách duy nhất là bà H. phải chuyển hết số tiền có trong tài khoản qua các số tài khoản mà chúng tôi chỉ định. Sau khi kiểm tra xong chúng tôi sẽ hoàn trả lại. Ngược lại, nếu không chuyển bà sẽ bị bắt ngay”. Nghe thế, bà H. đâm ra hoảng loạn tinh thần và chỉ muốn nhanh chóng chứng minh mình vô tội. Bà H. đã 11 lần chuyển khoản với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng cho những kẻ giấu mặt.

Trang phục giả Công an của một nhóm lừa đảo.

Sau khi “ẵm” được số tiền lớn, “Viện phó” Nguyễn Văn Dũng thông báo bà H. bị oan. Tuy nhiên, nếu muốn đền bù thiệt hại và nhận lại số tiền đã chuyển thì bà H. phải chuyển thêm tiền cho đủ 3 tỷ đồng. Bà H. rối bời, đau khổ, nhưng do không biết vay mượn ai để chuyển đủ số tiền trên nên bà H. đắn đo suy nghĩ lại vụ việc và nghi ngờ mình bị lừa nên trình báo cơ quan Công an.

Cũng lừa liên quan đến “đường dây mua bán ma túy và rửa tiền quốc tế” là trường hợp của bà V.C.T, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương. Ngày 20/6/2022, bà T. nhận được cuộc gọi thông báo bà có bị lập một biên bản vi phạm giao thông và yêu cầu bà đến Công an TP Đà Nẵng để làm rõ. Qua trình trao đổi, các đối tượng này chuyển sang thông báo bà T. liên quan đến đường dây mua bán ma túy và rửa tiền quốc tế và yêu cầu chuyển tiền để làm rõ. Không đắn đo suy nghĩ, bà T. chuyển gần 1,6 tỷ đồng rồi… một đi không trở lại.

Trường hợp bị lừa của ông P.P.T (ngụ TP Thuận An, Bình Dương) cũng nhận điện thoại của kẻ lạ mặt giả danh Công an và thông báo ông nằm trong đường dây ma túy và rửa tiền quốc tế. Sau đó các đối tượng yêu cầu ông T. tải app mà bọn chúng cung cấp rồi điền tất cả thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng vào để chúng kiểm tra. Sau đó, ông T. phát hiện toàn bộ số tiền 13 tỷ đồng có trong tài khoản đã bị mất sạch…     

Bà K.Đ là một giáo viên, ngụ thị xã Bến Cát, Bình Dương, trong lúc bà đang ở nhà có người lạ gọi điện thoại đến tự xưng là Đại úy Trần Văn Hùng, công tác tại Công an Đà Nẵng, thông báo bà có 1 biên lai nộp phạt chưa đóng do vi phạm giao thông ở Đà Nẵng với số tiền 38 triệu đồng. Khi bà Đ. bảo rằng bà ở Bình Dương, không đặt chân đến Đà Nẵng thì làm sao mà vi phạm thì đối tượng chuyển hướng sang bảo bà Đ. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. Bà Đ. chưa kịp nói gì thì đối tượng dọa: “Theo thông tin chúng tôi điều tra được, chính chị đã đứng tên mở tài khoản ngân hàng hiện có số dư 20 tỷ đồng lưu thông mua bán ma túy. Chúng tôi đang cố gắng giúp chị, nếu chị làm lộ chuyện này bọn buôn ma túy có thể bắt cóc con chị để buộc chị nhận tội thay. Chị phải mở một tài khoản ngân hàng rồi cung cấp thông tin cho chúng tôi để chúng tôi xác minh, nếu chị vô tội thì sẽ được giải oan”.

Nghe đến chuyện con mình có thể bị bắt cóc, bà Đ. hồn vía lên mây nên gấp gáp làm theo hướng dẫn của đối tượng. Sau khi mở tài khoản và thông tin cho “Đại úy Hùng” được 1 ngày thì “Đại úy Hùng” thông báo ban chuyên án đã có quyết định bắt tạm giam bà Đ. từ 4-6 tháng. Nếu không muốn bị tạm giam thì bà Đ phải chuyển vào tài khoản của bà Đ. 500 triệu đồng. Sợ bị bắt thật, bà Đ. vay mượn cha mẹ, người thân và nộp đủ số tiền trên. Sang ngày hôm sau, “Đại úy Hùng” lại bảo các đối tượng khai nhận do trước đây bà Đ. khó khăn nên đã mở tài khoản rồi bán lại cho bọn chúng để sử dụng giao dịch mua bán ma túy. Do vậy bà Đ. phải chứng minh mình không có khó khăn bằng cách nộp thêm 300 triệu vào tài khoản. Bà Đ. vay mượn bạn bè đủ 300 triệu đồng và tiếp tục nộp vào tài khoản. Tuy nhiên “Đại úy Hùng” lại nói để chắc ăn thì bà Đ. cần nộp thêm 300 triệu nữa. Bà Đ. vay mượn các đồng nghiệp nhưng cũng chỉ được 100 triệu đồng và nộp tiếp vào. Đến tối bà kiểm tra tài khoản thì phát hiện số tiền nộp vào đã mất sạch, trong tài khoản chỉ còn lại 20.000 đồng!

Mã Hải

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文