Báo động tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản

08:01 18/06/2023

Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời, thành lập các đoàn liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra việc chấp hành về bảo vệ môi trường và việc chấp hành pháp luật về thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển khoáng sản. Qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn hiện có 298 mỏ, gồm: 130 mỏ đất (trữ lượng 116,3 triệu m3), 47 mỏ đá (trữ lượng 137,96 triệu m3), 117 mỏ cát, sỏi (trữ lượng 21,517 triệu m3), 4 mỏ cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp (trữ lượng 2,365 triệu m3). Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường.

Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra thực địa hoạt động khai thác khoáng sản.

Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo, quản lý đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, vẫn còn không ít chủ đầu tư mỏ thực hiện không đúng quy định, vi phạm nghiêm trọng hoạt động khai thác khoáng sản, buộc phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, đối với mỏ khai thác đá xây dựng thường được quy định chặt chẽ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM), được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, quy trình khai thác thường được thiết kế theo kiểu “bạt ngọn, xén tầng”, phân tầng, phân lớp, khai thác từ đỉnh núi xuống chân núi... nhằm đảm bảo an toàn. Để khai thác từ đỉnh núi xuống phía dưới, buộc chủ đầu tư mỏ phải mở đường lên đỉnh núi, đưa phương tiện, máy móc lên đỉnh núi thực hiện việc khai thác khoáng sản theo thiết kế.

Tuy nhiên, nhiều chủ mỏ đã bỏ qua công đoạn làm đường lên đỉnh núi, vì phải mất thêm chi phí mở đường, tăng chi phí bóc phong hóa... Do đó, hiện nay nhiều mỏ đá xây dựng vẫn khai thác theo kiểu thủ công, nổ mìn khai thác phía dưới chân núi, sườn núi, điều này đã tạo nên những vỉa đá treo, đá om tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động...

Mới đây, kiểm tra tại mỏ khai thác khoáng sản, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường của doanh nghiệp Long Thành (phường An Hưng, TP Thanh Hoá và xã Đông Quang, huyện Đông Sơn), cơ quan chức năng phát hiện, quá trình thực hiện khai thác khoáng sản, chế biến đá đơn vị thực hiện không đảm bảo đúng theo quy định, cụ thể: Doanh nghiệp Long Thành chưa hoàn thiện hồ sơ hoàn công xây dựng công trình khai thác, chế biến đá, hoạt động khai thác, chế biến đá và đầu tư xây dựng các công trình không đúng với dự án thiết kế được thẩm định, phê duyệt…

Trước đó, năm 2022, qua công tác kiểm tra của đoàn liên ngành tỉnh Thanh Hóa phát hiện tại hiện trường mỏ khai thác khoáng sản của doanh nghiệp Long Thành các mốc số 7, 8, 9, 10, 11 và 12 đã vỡ, vùi lấp; vị trí khai thác gần điểm góc số 9 cắt 4 tầng/thiết kế 9 tầng; gần điểm góc số 5 cắt 2 tầng/thiết kế 5 tầng, chiều cao tầng khai thác khoảng 4,5 - 5m/thiết kế 3m, tầng kết thúc là 9m, tại điểm góc số 5 chưa cắt tầng (đối chiếu với bản vẽ thiết kế kết thúc năm thứ 7 khai thác năm 2022) không đúng thiết kế được thẩm định, phê duyệt; mặt moong khai thác phía Đông mỏ có đá om, đá treo chưa được cậy gỡ; vị trí xây dựng công trình nhà bảo vệ, trạm điện, hồ lắng không đúng hồ sơ thiết kế; chưa đầu tư trạm nghiền đá, hệ thống rãnh thu thoát nước trong khu vực khai trường mỏ, chưa có đường hào cho công nhân lên núi theo dự án đầu tư được thẩm định, phê duyệt; chưa đầu tư trạm cân theo quy định; chưa niêm yết nội quy an toàn lao động, bảo quản và vận hành thiết bị tại nơi khai thác, chế biến; giá bán đá tại mỏ; một số vị trí mặt bằng sản xuất chưa gọn gàng, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp chưa sạch sẽ; trang bị bảo hộ lao động cho công nhân chưa đầy đủ.

Tương tự, đoàn kiểm tra huyện Nông Cống kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc (DNTN Hồng Ngọc) khai thác đá tại xây dựng xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa với thời hạn 30 năm (2015 - 2045).

Qua kiểm tra, phát hiện 4 mốc (số 1, số 7, số 8 và số 9) không còn trên thực địa. Tại khu vực điểm mốc số 4 và số 6, DNTN Hồng Ngọc đã khai thác ngoài ranh, mốc giới với diện tích khoảng 386m3, 2.430m3; về độ sâu (độ cao) do không có trang thiết bị nên đoàn kiểm tra không thể xác định được... Theo ghi nhận của phóng viên, tại mỏ đá Hồng Ngọc, việc khai thác đá còn có dấu hiệu không đúng với quy trình được phê duyệt.

Cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt Công ty TNHH Huy Hoàng, địa chỉ số 226 Quang Trung, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa số tiền 250 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là: Khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 1ha đến dưới 1,5ha (vượt 13.344m2). Địa chỉ vi phạm ở mỏ đất san lấp và giàu silic tại núi Sơn Trang, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Tương tự, tại Quyết định số 1717/QĐ-XPHC, UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Nam Thành (có trụ sở chính tại số 14 Nguyên Hồng, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), số tiền 250 triệu đồng vì khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 1ha đến dưới 1,5ha (vượt 12.889m2).

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Xiêm, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnhThanh Hóa, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tăng cường công tác nắm tình hình, làm tốt điều tra cơ bản, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Công an tỉnh nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác chấp hành pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị tăng cường công tác phòng, chống tội phạm về môi trường, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản.

Thượng tá Nguyễn Văn Xiêm cho biết thêm, những năm tới, Thanh Hóa vẫn là tỉnh thu hút lớn về đầu tư, phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, dự báo tình hình vi phạm pháp luật về môi trường theo đó sẽ có những diễn biến phức tạp.

Trần Thắng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文