Bẫy lừa đảo đội lốt "đầu tư tài chính 4.0"

12:11 19/08/2022

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, những đối tượng tội phạm đã kiếm được không ít tiền từ những phi vụ lừa đảo“đầu tư trên mạng”. Mặc cho truyền thông tuyên truyền, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, danh sách nạn nhân vẫn tiếp tục nối dài.

Câu chuyện lừa đảo bằng cách kinh doanh đa cấp, đầu tư forex trên mạng thời gian qua diễn ra rất nhiều, tỷ lệ thuận với sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Không những người già, người kém hiểu biết, ít có cơ hội tiếp xúc với thông tin tại các vùng sâu, vùng xa, mà ngay cả những nơi có đầy đủ phương tiện thông tin đại chúng, các nạn nhân vẫn liên tục sa bẫy.

Cơ quan điều tra khám xét văn phòng Công ty TNHH MTV ANT Group ở Cầu Giấy, Hà Nội.

Mới đây, chúng tôi nhận được điện thoại của một người không xưng tên, chỉ ấp úng cho biết chị sống ở Hà Nội, là độc giả của Báo CAND, chị đọc về các bài viết về lừa đảo kinh doanh qua mạng, mới giật mình nhận ra mình cũng giống như các nạn nhân trong bài viết. “Mọi người mất vài chục, hoặc vài trăm triệu đồng cũng đã là mất số tiền lớn, còn tôi đã nộp cho các đối tượng lên tới hơn 2 tỷ đồng”, nạn nhân cho biết.

Chị kể: Trong thời buổi các kênh đầu tư đều khó khăn, để tiền ngân hàng thì lo lạm phát mất giá, chị đã tìm kiếm các kênh đầu tư trên mạng. Được chào mời quá hấp dẫn với lãi suất ban đầu lên tới 30%/năm- gấp 6 lần lãi suất ngân hàng hiện tại, chị đã “mạnh tay” xuống tiền. Ban đầu chỉ vài chục triệu đồng, rồi cứ bị câu nhử dần dần với lãi suất tăng theo cấp số nhân lên đến hàng trăm % mỗi năm, hiện tại chị đã nộp vào tài khoản của nhóm đối tượng trên mạng là hơn 2 tỷ đồng.

Khi chúng tôi khuyên chị nên dừng lại, làm đơn trình báo cơ quan chức năng thì chị lại do dự: “Hiện tại, tôi vẫn chưa bị chặn liên lạc như các nạn nhân trên báo. Phía các đối tượng vẫn liên lạc với tôi và yêu cầu đóng thêm tiền. Giờ đâm lao thì phải theo lao, nếu mình nộp thêm tiền thì may ra còn có khả năng lấy lại được, còn nếu không nộp thêm tiền thì bị chặn liên lạc, coi như mất trắng”, nạn nhân phân bua.

Nạn nhân trong câu chuyện nói trên chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người mất tiền triệu, tiền tỷ vì nhẹ dạ cả tin, vì lòng tham làm mờ mắt. Nhiều nhà đầu tư cho biết, qua Facebook, Zalo và các mạng xã hội, họ liên tiếp nhận được lời mời tham gia các sàn giao dịch, với lời hứa đều đặn trả lãi cho nhà đầu tư lên tới 30%/tháng, thậm chí nếu mời được người khác tham gia, tổng cộng mức lợi nhuận, nếu tính cả hoa hồng, có thể lên tới 300%/tháng. Thế nhưng theo các nhà đầu tư chân chính, mô hình hoạt động của các sàn giao dịch này đang bị nhiều nhà đầu tư tố cáo lừa đảo do không rút được tiền, người tham gia đứng trước nguy cơ mất trắng.

Có thể điểm danh hàng loạt sàn đầu tư như Wefinex, Lion Group, IBG, Winsbank, Al Marketing, Skyqueen Pro, Crown1, Vitae… đã từng được Báo CAND phản ánh qua các bài điều tra, với hàng loạt nạn nhân tiền mất tật mang dường như vẫn chưa khiến các nhà đầu tư “mở mắt”. Ví dụ như hơn 11.000 nhà đầu tư vào Busstrade lâm vào cảnh khốn cùng do sàn sập, trong khi đội ngũ lãnh đạo của Busstrade tự phong doanh nhân, chuyên gia hơn 20 người đồng loạt biến mất.

Trước đó, hàng ngàn nhà đầu tư Coolcat cũng chấn động khi sàn giao dịch bảo hiểm này bốc hơi, kéo theo cả ngàn tỷ đồng của họ. Riêng hai năm qua, số dự án tài chính đa cấp lừa đảo bị nhà đầu tư gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an và Công an các địa phương lên tới hàng chục, tiêu biểu là BBI, BBA, Kawamex, TradeCMX, Alfa Media, United market (Utdmarket.com), UTspot (Utspot.com), Bullaim.com, On Best Trend (obtrend.com), Bull Bear Market (bbmtrade.com), AT Capital, Emas Fintech…

Lợi nhuận làm mờ mắt, thông tin thực hư lẫn lộn, thế nên danh sách nạn nhân của các trò lừa đảo đầu tư tài chính vẫn tiếp tục nối dài. Điều đáng nói là việc lừa đảo trên mạng rất tinh vi, nhiều đường dây lừa đảo có tổ chức và đặt máy chủ ở nước ngoài nên rất khó cho cơ quan chức năng khi xác minh, xử lý. Một số dự án đầu tư như Skynet iFan, Sky Mining, BBi, Emas Fintech… cũng đã bị nhiều nhà đầu tư tố cáo nhưng tất cả đều rất khó lấy lại tiền. Bộ Công an và Bộ Công thương cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo nhiều loại hình lừa đảo nở rộ, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 với nhiều thủ đoạn mới mà nổi bật là các mô hình lừa đảo tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi (đa cấp - lấy tiền người sau trả cho người trước) và khuyến khích nạn nhân tố giác. Tuy nhiên, các hình thức kinh doanh này đều không hợp pháp nên nhiều người lỡ bị lừa cũng phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám tố cáo vì sợ liên lụy.

Trao đổi với Báo CAND, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư cho rằng, các mô hình lừa đảo tài chính hình thức Ponzi không hề mới, cũng không khó nhận ra. Vấn đề là phải kiểm soát lòng tham và cần chế tài đủ mạnh. Dù biến tướng cỡ nào, bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi ở bất cứ các phiên bản nào thì cái lõi của nó không bao giờ thay đổi, là hình thức dùng tiền của người sau trả cho người trước, do những kẻ lừa đảo không có kinh doanh gì khác để trả tiền cho nhà đầu tư.

Các mô hình này đều có những đặc điểm khá giống nhau: Cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền, đảm bảo lợi nhuận ổn định, bất kể thị trường biến động hay không. Ngoài ra, các đối tượng cũng "bao lỗ", "bao cháy" tài khoản - dù thực tế chưa nhà đầu tư nào được đền bù vì "cháy" tài khoản. Họ cũng không có giấy phép (kể cả giấy phép của nước ngoài), hoặc giấy phép không liên quan đến ngành nghề kinh doanh đó. “Nếu các hình thức đầu tư mà lợi nhuận mang về gấp 3 lãi suất ngân hàng thì nhà đầu tư phải cảnh giác”, ông Khánh khuyến cáo và nhận định lừa đảo tài chính vốn là loại lừa đảo “đẳng cấp nhất” trong các loại lừa đảo vì độ phức tạp cũng như hiểu biết luật để lách luật, thậm chí am hiểu tâm lý học giúp đánh giá “con mồi” chính xác để một khi đã ra chiêu thì gần như không ai từ chối được. Đến nỗi nhiều người bị lừa vẫn không biết mình bị lừa và còn khen ngược lại đối tượng. Nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để tiếp tục "đẻ" ra mô hình lừa đảo mới.

Các hình thức này nở rộ khắp nơi, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi người dân ít hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo tài chính phức tạp. Hệ lụy để lại của nó quá lớn cho nhiều gia đình, xã hội và thậm chí không ít nạn nhân tìm cách gỡ gạc lại bằng các hành vi vi phạm luật pháp.

“Kiếm tiền đàng hoàng rất khó, kết quả cũng đến một cách chậm chạp, lâu dài, bởi thế tâm lý làm giàu nhanh mà không đổ mồ hôi khiến người ta lao vào như con thiêu thân để rồi mất trắng. Hãy nhớ, không có gì dễ mà lại mang lại lợi nhuận cao khủng khiếp như thế cả. Chỉ có kinh doanh, đầu tư kiếm tiền chân chính thì thành công mới được duy trì bền vững”, ông Khánh khuyến cáo.

“Đối với những người bị lừa đảo như trường hợp bạn đọc phản ánh đến Báo CAND nói trên, nạn nhân nên gửi đơn tố cáo lên Công an địa phương, nơi diễn ra hành vi lừa đảo, để cơ quan chức năng tập hợp và tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân phải nâng cao cảnh giác, không để bị rơi vào “bẫy” những hình thức kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ mà mình không hiểu biết. Đặc biệt, phải cảnh giác trước những con số lợi nhuận không tưởng mà các đối tượng môi giới đưa ra, vì không có hình thức kinh doanh nào mang lại siêu lợi nhuận như thế cả”, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.

Hà An

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文