Bị cáo Trương Mỹ Lan quanh co rằng phát hành trái phiếu để cứu… SCB
Chiều 23/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới, tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu. Vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB.
Sau khi xét hỏi 28 bị cáo đồng phạm, giúp sức bị cáo Trương Mỹ Lan lừa đảo chiếm đoát tiền thông qua việc phát hành trái phiếu của các bị hại (trái chủ), HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan. Trình bày tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, nhưng đề nghị HĐXX xem xét lại bối cảnh, động cơ phạm tội trong việc phát hành trái phiếu. Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan quanh co, trả lời không đúng trọng tâm.
Khi được tòa hỏi về việc có ý kiến gì về lời khai của 28 bị cáo giúp sức cho mình chiếm đoạt tài sản, bị cáo Lan nói mình tôn trọng, không bình luận. Bị cáo Lan còn đề nghị HĐXX xem xét cho những bị cáo trên vì chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi, thực hiện các hành vi chỉ vì mục đích cứu… Ngân hàng SCB.
HĐXX hỏi về chủ trương phát hành trái phiếu, bị cáo Trương Mỹ Lan nói Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu và cho biết, năm 2018, Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB – đã chết) đề xuất về việc phát hành trái phiếu để cứu SCB. Bị cáo Lan đã đồng ý cho mượn công ty, thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu chứ bị cáo không ra chủ trương. Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng không nhớ đã phát hành bao nhiêu trái phiếu.
Hồ sơ vụ án thể hiện gói trái phiếu Công ty An Đông trị giá 25.000 tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo.
Trả lời tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định mình và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không hưởng lợi số tiền trên, còn mục đích thực hiện việc phát hành trái phiếu là nhằm cứu giúp… SCB.
Khi chủ tọa hỏi số tiền phát hành trái phiếu được dùng vào mục đích gì, bị cáo Lan nói SCB rất khó khăn, phát hành trái phiếu khoản sau để trả cho các khoản trước, trả lãi cho người dân và do SCB sử dụng chứ Vạn Thịnh Phát không được hưởng lợi.
Về vấn đề khắc phục hậu quả, bị cáo Lan nói có một số cá nhân, tổ chức đang chiếm hữu số tiền 17.000 tỷ đồng, đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho mình thu hồi tài sản nhằm khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan còn đề xuất hướng giải quyết bồi thường cho bị hại, ở giai đoạn 1 nếu thu hồi được sẽ có 21.000 tỷ đồng và nếu thu hồi được 17.000 tỷ đồng này nữa thì đủ bồi thường cho các bị hại.
Đồng thời, bị cáo Lan còn đề xuất phương án “dự phòng”: Đề nghị SCB trả lại cho bị cáo dự án 6A tại huyện Bình Chánh có diện tích hơn 26ha (dự án này không thế chấp cho các tổ chức tín dụng) và có nhà đầu tư trả giá gần 20.000 tỷ đồng. Nếu được bị cáo sẽ dùng dự án này để khắc phục hậu quả, bồi thường cho bị hại.
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan nói mình đang có 1 siêu dự án tại trung tâm TP Hồ Chí Minh có giá trị gấp 3 lần tòa nhà Timesquare và không bị kê biên.
Sau khi HĐXX kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS tiếp tục xét hỏi các bị cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại thông qua phát hành trái phiếu.