Phiên tòa "Chuyến bay giải cứu":

Các bị cáo nói lời sau cùng trong nỗi xót xa, ân hận

19:29 21/07/2023

Nói lời sau cùng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân vì gây hậu quả nghiêm trọng và mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật; các bị cáo khác đều thừa nhận sai phạm... Chiều thứ 6 (28/7), Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

Sau 9 ngày mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 54 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, tối 21/7, thay mặt Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Vũ Quang Huy thông báo kết thúc phần tranh luận. Trước khi nghị án, Hội đồng xét xử cho các bị cáo được quyền nói lời sau cùng.   

Được nói đầu tiên, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) chia sẻ, bị cáo có bố mẹ mất sớm khi hoạt động cách mạng, đến khi lớn lên bị cáo vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của bố mẹ, sống sao cho sống tốt.

Bị cáo dành cả cuộc đời hi sinh, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao, và không bao giờ có khái niệm chạy chọt, ý tưởng tơ hào tiền Nhà nước, trục lợi doanh nghiệp trong quá trình công tác.

“Khi được phân công là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID - 19, bị cáo chỉ mong góp phần nhỏ bé của mình. Liên quan đến các chuyến bay giải cứu, bị cáo thừa nhận đã mắc sai lầm hết sức nghiêm trọng khiến bị cáo vô cùng ăn năn, hối hận”, bị cáo Dũng trải lòng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân vì gây hậu quả nghiêm trọng và mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Trong quá trình luận tội, bị cáo Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng và bị đề nghị mức án từ 12 - 13 năm tù.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. 

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) giãi bày: “Bị cáo chua xót vì nhận thức chưa đầy đủ về việc nhận quà, tặng quà nên phải đứng tòa ngày những ngày qua. Đau đớn hơn nữa là bị cáo cùng nhiều cán bộ cấp dưới đã bác bỏ nỗ lực, cố gắng của mình về bảo hộ công dân thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch COVID - 19 bùng phát”.

Bị cáo Lan bày tỏ hối hận vì đã gặp và “nhận quà 25 tỷ đồng” từ 8 doanh nghiệp vì “nể nang người giới thiệu là lãnh đạo một số cơ quan” nên bị cáo trân trọng. Bị cáo cũng hối hận vì không đủ bản lĩnh vượt qua được những lời khéo léo khi đến tặng quà và bị cáo đã nhận quà.

Bị cáo Lan gửi lời cám ơn điều tra viên, kiểm sát viên vì đã phân tích cho bị cáo hiểu về nhận thức chưa đúng đắn của bị cáo trong việc “nhận quà, nhận tiền” của các doanh nghiệp liên quan đến vụ án này.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan.

“Phiên tòa này sẽ kết thúc trong ít ngày tới, nhưng tòa án lương tâm sẽ phán xét bị cáo trong cả cuộc đời, phán xét tại sao lại làm như vậy để ảnh hưởng tới Nhân dân, và hơn hết là bị cáo và gia đình mất tất cả. Bị cáo biết có tội với Nhân dân, với Nhà nước và bị cáo mong Hội đồng xét xử và Nhân dân khi phán xử có phán xét khoan hồng cho bị cáo, để bị cáo có cơ hội sớm trở về chăm sóc mẹ già và các con. Từ trái tim mình, bị cáo xin lỗi Nhân dân, đồng nghiệp, cha mẹ và gia đình vì sai phạm của bị cáo. Bị cáo xin hứa sẽ cải tạo tốt trong thời gian thi hành án”, bị cáo Lan nói lời chua chát.

Đến lượt mình nói lời sau cùng, bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) tự nhận thấy, sai phạm của bị cáo trong vụ án này là hết sức nghiêm trọng, vì bị cáo đã làm mất đi toàn bộ quá trình 28 năm công tác, nỗ lực phấn đấu của bản thân, làm ảnh hưởng các cơ quan, ban, ngành nơi bị cáo làm. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước và Nhân dân vì sai lầm của mình làm ảnh hưởng chủ trương tốt đẹp, truyền thống tương thân tương ái. Phạm tội trong khi là Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội, bị cáo thấy làm ảnh hưởng truyền thống văn hiến, một Hà Nội thanh lịch và hào hoa. “Những ngày qua là những ngày đau khổ nhất cuộc đời của bị cáo. Mai đây, tòa sẽ tuyên án vì những sai phạm của bị cáo, nhưng từ nay đến hết cuộc đời là phán xét từ lương tâm của bị cáo. Bị cáo mong Hội đồng xét xử mở lượng hải hà, cho bị cáo và các bị cáo được đặc ân, khoan hồng, thể hiện sự bao dung của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Mong nhận của bị cáo một lời xin lỗi chân thành”, bị cáo Dũng kết thúc.

Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Trung Kiên gửi lời xin lỗi vì những sai trái của bị cáo đã khiến những người khác bị tuyên án phạt tù, trong đó bị cáo là trường hợp đặc biệt khi bị đề nghị bản án tử hình. Đó là bản án rất nghiệt ngã với cuộc đời bị cáo và gia đình bị cáo. Bị cáo không nghĩ là mình lại vi phạm việc đến mức phải bị loại khỏi cuộc sống, xa dời thế giới khi bị cáo mới ngoài 40 tuổi. Bị cáo xin lỗi gia đình, người thân, bố mẹ và con bị cáo. Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh phạm tội của bị cáo để có phán xét khoan hồng.

Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét gia cảnh của bị cáo khi bố bị cáo là thương binh ở chiến trường Tây Nguyên, nay đã hơn 70 tuổi; mẹ bị cáo điều trị tâm thần nhiều năm nay; bố vợ của bị cáo thương binh ở chiến trường Quảng Trị, bị tai biến mấy năm nay; mẹ vợ bị cáo ung thư, ốm đau nhiều năm. Gia cảnh thế này, một mình vợ bị cáo gánh vác gia đình hai bên, lại thêm hai con nhỏ. Từ khi bị cáo nhận thông tin khởi tố vụ án, bị cáo nhận thức hành động sai trái nhưng lúc đó, bị cáo mắc COVID - 19 và áp lực phải đi tù nên không đủ nghị lực để có thể ra nhận tội ngay buổi đầu tiên với cơ quan điều tra... Với sự thành khẩn, ăn năn, tích cực khắc phục hậu quả và đóng góp trong công tác, bị cáo Kiên xin Hội đồng xét xử cho bị cáo một cơ hội sống, để trở về phụng dưỡng bố mẹ, dạy dỗ con cái.

Các bị cáo tại phiên tòa.
Toàn cảnh phiên tòa.

Nói lời sau cùng, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra) vẫn cho rằng mình bị truy tố oan. Bản thân bị cáo kinh nghiệm, quyết đoán, cầm cân nảy mực, bị cáo tin Hội đồng xét xử có cái nhìn thấu đáo nhất, khách quan, đưa ra phán quyết chính xác nhất, đúng quy định nhất đối với bị cáo.

Các bị cáo khác khi nói lời sau cùng đều thừa nhận sai phạm và mong Hội đồng xét xử xem xét, mở lượng khoan hồng, cho họ hưởng mức áp thấp nhất để sớm trở về với gia đình, tiếp tục là công dân có ích cho xã hội.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra phát hiện, để có chi phí “bôi trơn”, 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch COVID - 19.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Viện kiểm sát xác định, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Trong tổng số 54 bị cáo hầu tòa, 21 bị cáo bị truy tố về tội “nhận hối lộ”, 23 bị cáo bị truy tố về tội “đưa hối lộ”, 4 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 4 bị cáo bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”, 1 bị cáo bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 1 bị cáo bị truy tố về cả hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “đưa hối lộ”.

Nguyễn Hưng

Những ngày cuối tháng 4/1975, là một thanh niên Sài Gòn (tròn 19 tuổi), tôi cảm nhận rõ sự thay đổi lớn lao của đất nước đang đến rất gần. Và trong ngày 30/4 lịch sử ấy, tôi đã cầm chiếc máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn, ghi lại những khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào nội đô.

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文