Cảnh báo 24 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến
Mặc dù các cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông đã liên tục thông tin, tuyên truyền về những hình thức và thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, tuy nhiên nhiều người dân trên địa bàn miền núi Sơn La vẫn nhẹ dạ cả tin "sập bẫy".
Cuối tháng 9 vừa qua, ông Đ.V.H, (SN 1967), trú tại bản Chiềng Chung, xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La) đến trình báo Cơ quan CSĐT Công an huyện Phù Yên về việc bị lừa chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản lạ để đăng ký vay vốn.
Theo chia sẻ của ông H., do có nhu cầu vốn đầu tư kinh doanh, ông đã tìm hiểu các nguồn vốn vay trên mạng Internet và đã click vào một địa chỉ cho vay tiền online trên mạng xã hội Facebook, với nội dung quảng cáo hấp dẫn, như: Không cần thẩm định, không cần thế chấp, giải ngân nhanh chóng; chỉ cần cung cấp hình ảnh, thông tin căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng và số tiền cần vay là sẽ được vay tiền theo nhu cầu. "Khi tôi liên hệ theo số điện thoại trên web, được các đối tượng hướng dẫn cài đặt và đăng ký đăng nhập vào một ứng dụng vay tiền. Sau khi đăng nhập thành công, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, tôi nhận được thông báo đã giải ngân thành công nhưng không nhận được số tiền vay chuyển vào tài khoản của mình" - ông H. cho biết.
Đợi cả ngày không thấy tiền vay chuyển vào tài khoản, ông H. đã tiếp tục gọi điện hỏi thì các đối tượng trả lời là do ông nhập sai thông tin nên hệ thống bị lỗi. Đồng thời, yêu cầu ông chuyển một khoản tiền có giá trị tương đương gói vay để làm thủ tục giải ngân lại từ đầu. Các đối tượng lừa đảo liên tục gọi điện thúc giục, có lúc đe dọa nên ông đã chuyển 30 triệu đồng, nhưng sau đó vẫn không nhận được số tiền vay. Nhận thấy mình đã bị lừa, ông H. đến cơ quan Công an trình báo.
Cũng là nạn nhân của trò lừa trên không gian mạng, anh N.A.T, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn được người quen giới thiệu khi tham gia vào trang thương mại điện tử với tên miền: mercadoivd.com, chỉ với thao tác đơn giản sẽ có thu nhập cao lên đến 100 triệu đồng/tháng. Chưa tìm hiểu kỹ, anh T đã nhận lời tham gia và chuyển khoản. Sau khi hoàn thành các yêu cầu do trang web này đặt ra, anh T được yêu cầu đặt cọc một số tiền để nhận thưởng. Tiếp đó, anh T nhận được yêu cầu chuyển các khoản tiền đặt cọc khác với mục đích xác thực tài khoản, chuyển đổi tiền tệ… Tổng số tiền trang này yêu cầu lên đến khoảng 200 triệu đồng. Nhận thấy trang web có dấu hiệu lừa đảo, anh T đã lập tức dừng việc nộp tiền.
Tương tự như ông Đ.V.H và N.A.T, anh N.K.H, thành phố Sơn La nhận được một cuộc điện thoại số lạ tự giới thiệu là nhân viên của Hệ thống khách sạn, resort nổi tiếng Melia. Anh H được người này thông báo nhận được phiếu giảm giá 50% chi phí dịch vụ tri ân khách hàng trong 6 tháng tại bất kỳ cơ sở nào của Melia tại: Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang...
Anh H chia sẻ: Sau khi được giới thiệu về phiếu giảm giá, người này đề nghị tôi tạm ứng một khoản tiền 10-15 triệu đồng để bảo lưu phiếu giảm giá trong 1 năm. Tôi đã khẳng định trước đây chưa từng sử dụng dịch vụ của Melia, vậy tại sao lại được nhận phiếu giảm giá tri ân khách hàng. Người này không trả lời và tiếp tục thuyết phục tôi chuyển tiền, nhưng tôi từ chối bởi đã đọc nhiều thông tin về lừa đảo phiếu giảm giá khi đi du lịch, nên không bị mất tiền oan.
Lãnh đạo Công an thành phố Sơn La cho biết: Thực tế đã có nhiều người dân trên địa bàn tỉnh và thành phố Sơn La tham gia sử dụng thương mại điện tử và các ứng dụng cho vay tiền. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều tin báo của người dân về sự việc tương tự. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi trên Internet, lợi dụng lòng tham, tâm lý tiếc nuối muốn gỡ lại số tiền đã chuyển khoản; nhiều trường hợp đã phải vay nợ với số tiền lớn, vượt quá thu nhập và khả năng trả nợ. Trước thực tế trên, lực lượng Công an đã tập trung, tuyên truyền, vận động và khuyến cáo nhân dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mới, tránh để bị mất tiền oan.
Khuyến cáo với người dân, ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Sơn La cho biết: Người sử dụng mạng Internet có thể truy cập địa chỉ: SCAM.VN để kiểm tra độ tin cậy của các trang web và ứng dụng di động có liên quan đến hoạt động tài chính. Từ các thông tin cảnh báo được đưa ra trên cơ sở độ tin cậy, người sử dụng có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho hoạt động giao dịch tài chính của bản thân. Người dân không cung cấp các thông tin cá nhân, như: Căn cước công dân; số tài khoản ngân hàng cho người lạ. Nếu gặp khó khăn về tài chính có thể tìm đến các địa chỉ cho vay vốn uy tín như hệ thống các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội. Tránh bị lừa đảo gây ra những thiệt hại không đáng có cho bản thân và gia đình.
24 hình thức lừa đảo trực tuyến được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La khuyến cáo người sử dụng Internet cần cảnh giác: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…); lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook; lừa đảo cho số đánh đề.