Cảnh sát hình sự Hà Nội khuyến cáo tránh "bẫy" lừa đảo công nghệ cao

07:07 11/03/2024

Dù đã được cơ quan chức năng liên tiếp cảnh báo nhưng vẫn có không ít người dân trở thành nạn nhân của các đối tượng lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng xoay quanh những "màn kịch" giả danh cán bộ cơ quan chức năng hướng dẫn làm thủ tục hành chính, dọa liên quan đến các vụ án, hay chủ doanh nghiệp lớn đặt hàng, giao nhiệm vụ trên sàn việc làm, thương mại điện tử, hội nhóm… và thậm chí là tự nhận có khả năng lấy lại được tiền các nạn nhân đã bị lừa, qua đó tiếp tục đưa bị hại vào "bẫy" lừa đảo công nghệ cao.

Giả danh cán bộ UBND phường lừa đảo 15 tỷ đồng

Một trong những vụ án mới nhất đang được Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội tích cực phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xử lý với số tiền nạn nhân bị lừa đảo lên tới trên 15 tỷ đồng. Chiều  29/12/2023, bà Trần Thị Loan (họ tên bị hại đã được thay đổi) nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ UBND phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội thông báo có giấy mời lên UBND phường để hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan đến dữ liệu dân cư. Bà Loan nói sẽ lên UBND phường nhận giấy mời và giải quyết công việc nhưng đối tượng viện dẫn lý do đã muộn, yêu cầu bà Loan kết bạn Zalo với một cán bộ khác để được hướng dẫn, giúp đỡ.

Lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ nhiều ổ nhóm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ít phút sau, bà Loan nhận được điện thoại của một người đàn ông và hướng dẫn bà và chồng sử dụng điện thoại Samsung để nhận và tải đường link về giải quyết thủ tục hành chính. Đối tượng hướng dẫn bà Loan và chồng cài đặt ứng dụng, đồng thời yêu cầu hai người này cung cấp số CCCD, đồng bộ dữ liệu để chiếm đoạt quyền kiểm soát điện thoại. Vài giờ sau, khi bắt đầu nghi ngờ có những dấu hiệu không bình thường từ sự hỗ trợ giúp đỡ này, vợ chồng bà Loan mới tá hỏa kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện số tiền hơn 15 tỷ đồng đã bị các đối tượng chiếm đoạt.

So với bà Loan thì số tiền của chị Nguyễn Thị Mai (họ tên bị hại đã được thay đổi) ở quận Thanh Xuân, bị lừa đảo chiếm đoạt ít hơn, với hơn 7,8 tỷ đồng, nhưng đây cũng là số tài sản cả đời chị Mai tích cóp được. Thông qua mạng xã hội, chị Mai có quen biết với một đối tượng tên là "Leon" tự nhận có quốc tịch Malaysia đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng. Sau nhiều lần trò chuyện lấy được niềm tin của chị Mai, đối tượng nhờ chị Mai đăng nhập tài khoản gian hàng của y vào trang web "app.appywey.com" để thanh toán một số đơn hàng. Đối tượng giới thiệu với chị Mai đây là một model mới hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc. Các thành viên tham gia có nhiệm vụ mở gian hàng để thanh toán 80-90% giá trị sản phẩm tại sàn thương mại điện tử. Sau khi sản phẩm được vận chuyển đến cho khách hàng, thành viên sẽ được nhận lại 100% giá trị sản phẩm mà khách hàng đã chi trả.

Theo hướng dẫn của đối tượng, chị Mai đã đăng ký mở tài khoản gian hàng cá nhân tại trang web trên. Chỉ trong vòng 1 tháng, chị Mai đã thực hiện nhiệm vụ và chuyển số tiền hơn 1,5 tỷ đồng đến một tài khoản ngân hàng trong nước. Những ngày sau đó, chị Mai tiếp tục chuyển hàng tỷ đồng vào các tài khoản ngân hàng khác nhau để thực hiện "nhiệm vụ" thanh toán trên sàn giao dịch thương mại điện tử do đối tượng gửi đến, hướng dẫn tham gia. Sau khi chị Mai chuyển tiền, đối tượng lấy nhiều lý do yêu cầu người phụ nữ này phải thanh toán các khoản thuế, phí mới được rút tiền. Đến lúc này, chị Mai mới nhận ra sự bất thường và dừng việc chuyển tiền. Tuy nhiên, số tiền hơn 7,8 tỷ đồng đã chuyển trước đó không thể nào lấy lại được. Đến lúc này chị Mai mới đến Phòng CSHS trình báo sự việc.

Cảnh giác, nâng cao ý thức phòng ngừa

Thông tin với PV, Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp, hình thức tuyên truyền về cả phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội. Trước tình hình diễn biến của loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa xã hội, Công an TP Hà Nội đã liệt kê 24 thủ đoạn mà tội phạm công nghệ cao sử dụng nhằm cảnh báo đến người dân để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân.

Mặc dù đã liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, song không ít người dân vẫn bị chúng cho vào bẫy lừa đảo công nghệ cao.  Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, tránh mắc bẫy của chúng. Đối với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng hướng dẫn, giúp đỡ các thủ tục hành chính hoặc đe dọa liên quan đến các vụ án, người dân cần hết sức cảnh giác, không tin, không nghe, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng, đặc biệt là không cung cấp số CCCD, tài khoản ngân hàng, hay đăng nhập vào những đường link các đối tượng gửi qua tin nhắn hay nền tảng mạng xã hội khác, tránh bị chúng chiếm đoạt quyền kiểm soát điện thoại, tài khoản ngân hàng.

Trong trường hợp người dân nhận được lời mời làm cộng tác viên cho những công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, cần hết sức cảnh giác, phải kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa, đơn vị cung cấp qua nhiều nguồn khác nhau để xác tín tính chính xác. Trong quá trình giao dịch cần hết sức chú ý, tránh bị chúng lừa đảo, hoặc khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Hiện nay xuất hiện thủ đoạn nhiều đối tượng mạo danh, mạo nhận là luật sư, cơ quan chức năng có thể giúp đỡ người dân lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng, từ đó yêu cầu người dân phải chuyển tiền hay các thông tin, dữ liệu có liên quan để tiếp tục chiếm đoạt tài sản. Người dân đặc biệt không đăng nhập vào những đường link lạ, app lạ đối tượng gửi đến cũng như làm theo những yêu cầu của chúng. Khi cần giao dịch, làm thủ tục hành chính, người dân lên Cổng dịch vụ công quốc gia, các trang dịch vụ công của những bộ, ngành để thực hiện, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Cũng theo đánh giá của Phòng CSHS, hiện có không ít người dân vẫn còn coi nhẹ, chưa có ý thức trong việc đảm bảo bí mật thông tin, dữ liệu cá nhân khi sẵn sàng cung cấp số điện thoại, địa chỉ, hay đưa thông tin, hình ảnh của bản thân, bạn bè, gia đình… lên các nhóm, trang mạng, nền tảng mạng xã hội. Chính những thông tin này khi được người dân đưa lên vô hình trung sẽ giúp các đối tượng lấy cắp thông tin, qua đó chúng dễ dàng nghiên cứu về nhân thân, lai lịch, thói quen, sở thích cũng như những thông tin về gia đình, con cái, công việc… có liên quan để lập kế hoạch lừa đảo. Cùng với việc nâng cao cảnh giác, làm theo hướng dẫn của cơ quan Công an, việc người dân đảm bảo an toàn dữ liệu, tránh lộ, lọt thông tin cá nhân sẽ giúp hạn chế và phòng ngừa bị các đối tượng lấy cắp thông tin, lừa đảo.

Hoàng Phong

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng việc khan hiếm tăng giá vật liệu xây dựng, 6 đối tượng 9X từ Nghệ An vào Đà Nẵng lập nhóm "cung cấp sắt thép công trình giá rẻ" trên mạng xã hội để kết nối, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền cọc hàng của hàng loạt nạn nhân tại Đà Nẵng.

Bỏ học, lêu lổng, không có sự quản lý của gia đình, người thân và bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi đám bạn xấu, mạng xã hội độc hại, không ít thanh, thiếu niên đã tụ tập với nhau trở thành tội phạm đường phố. Với bản tính "chưa biết sợ", những đối tượng này manh động gây ra nhiều vụ án khiến người dân bất bình, bức xúc, lo lắng.

Theo kết luận mới đây của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, 3 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Thực phẩm và Sản xuất Thương mại Sài Gòn 1, Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 2 thuê 6 địa chỉ nhà, đất phát sinh nợ đọng tiền thuê nhà trong nhiều năm với tổng cộng hơn 20,4 tỷ đồng nhưng chậm thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc cho thuê.

ĐT Việt Nam không tham dự FIFA Days tháng 11. V.League cũng là giải hiếm hoi được nghỉ khi AFF Cup diễn ra. Nhưng chính sự lạ đời đến nghịch lý ấy lại ủng hộ “Những chiến binh sao Vàng” hướng tới ngôi vô địch.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文