Chung tay trấn áp tội phạm mua bán người từ Việt Nam qua Trung Quốc

08:11 24/07/2024

Thời gian qua, tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục diễn biến khá phức tạp. Đã có nhiều nạn nhân sau khi bị lừa sang Trung Quốc đã bỏ trốn, cầu cứu lực lượng chức năng để được giải cứu về nước…

Trước tình hình đó, giữa tháng 7/2024, tại TP Huế, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra hình sự Bộ Công an Trung Quốc đã tổ chức hội nghị triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2024.

Núp bóng “môi giới hôn nhân”

Theo lãnh đạo Cục CSHS Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra hình sự Bộ Công an Trung Quốc, thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến khá phức tạp, có xu hướng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tội phạm mua bán người lợi dụng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cùng với chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ lâu đời vùng giáp biên để hoạt động, phạm tội. Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, đối tượng sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, ảnh giả để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài để làm việc có thu nhập cao, giàu sang… sau đó lừa bán nạn nhân sang Trung Quốc.

Theo Cục CSHS, từ tháng 12/2020 đến đầu năm 2024, tại Việt Nam phát hiện điều tra khoảng hơn 100 vụ mua bán người Việt Nam sang Trung Quốc, với khoảng 200 đối tượng, lừa bán gần 200 nạn nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSHS đã khởi tố 9 vụ mua bán người với 20 đối tượng. Một trong những đường dây mua bán người dưới danh nghĩa “môi giới hôn nhân” được lực lượng CSHS Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá vào đầu năm 2024. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng, gồm: Vày Tuyết Mai (SN 1983), Trần Quang Phát (SN 1979, cùng trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Nho (SN 1985, trú xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông).

Theo kết quả điều tra ban đầu, Vày Tuyết Mai là người gốc Hoa và có chồng người Trung Quốc nên thường xuyên qua lại giữa Việt Nam - Trung Quốc. Cuối năm 2022, Mai gặp một người phụ nữ Việt Nam sống tại Trung Quốc và được người này cho biết có nhiều đàn ông Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền để mua phụ nữ về làm vợ với giá từ 190 triệu đồng đến 270 triệu đồng/người. Lúc này, Mai bàn bạc với Nguyễn Thị Nho, Trần Quang Phát về việc tìm người, hứa hẹn với các nạn nhân khi qua Trung Quốc sẽ có cuộc sống giàu có.

Công an thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) làm việc với các nạn nhân được giải cứu sau khi bị lừa bán qua Trung Quốc.

Khoảng tháng 8/2023, Nho cùng Mai đã đưa ra thông tin gian dối với chị L.L.K (trú tỉnh Đắk Nông) nếu đi lấy chồng người Trung Quốc sẽ được trả 80 triệu đồng và vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp như sẽ có cuộc sống sung túc, có tiền gửi về phụ giúp gia đình nên chị K đồng ý. Sau đó, Mai liên hệ đặt mua, làm giả các giấy tờ như giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân, sau đó đưa cho Phát để đưa chị K từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Quảng Ninh rồi qua Trung Quốc. Khi chị K bị chuyển giao cho người đàn ông Trung Quốc thì thấy cuộc sống không giống như Nho và Mai cam kết nên đã đòi về Việt Nam. Chị K đã lợi dụng sơ hở của người đàn ông Trung Quốc rồi nhanh chóng trốn về Việt Nam. Sau khi về nước, chị K đến Công an tỉnh Đắk Nông tố cáo hành vi phạm tội của Mai và Nho.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã bán thành công khoảng 14 phụ nữ Việt Nam sang lấy chồng Trung Quốc dưới danh nghĩa môi giới hôn nhân. Theo cơ quan điều tra, các nạn nhân khi sang Trung Quốc đều bị kiểm soát và buộc yêu cầu phải sinh con theo chỉ định của nhóm đối tượng này. Nếu nạn nhân không đồng ý sẽ bị yêu cầu phải đền bù toàn bộ số tiền mà khách Trung Quốc chi trả cho các đối tượng…

Bên cạnh các đối tượng mua bán người Việt Nam qua Trung Quốc do lực lượng Công an Việt Nam đấu tranh, truy bắt thì một số kẻ buôn người sa lưới là nhờ kết quả hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Công an hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Điển hình, giữa tháng 1/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an Trung Quốc bắt giữ đối tượng Liu Peiguang (SN 1990, quốc tịch Trung Quốc) theo lệnh truy nã quốc tế với tội danh “Mua bán người” khi đang lẩn trốn tại Bình Dương.

Theo cơ quan điều tra, Liu Peiguang bị Chi cục Phát triển kinh tế và Công nghệ Công an TP Liaocheng, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã lập án điều tra về tội mua bán người. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 6/2016 đến 3/2019, Liu Peiguang và đồng phạm lợi dụng lòng tin của 13 phụ nữ Việt Nam qua việc giới thiệu họ đi làm hoặc kết hôn với những người đàn ông Trung Quốc giàu có và tổ chức cho các nạn nhân nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc. Sau đó, Liu Peiguang đã bán tất cả các nạn nhân, thu lợi bất chính 1.500.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 5 tỷ đồng). Sau khi bị Công an Trung Quốc phát hiện, đối tượng Liu Peiguang đã trốn sang Việt Nam…

Nhiều nạn nhân được giải cứu

Thời gian qua, tại một số tỉnh ở miền Trung, đã có nhiều nạn nhân của bọn buôn người được lực lượng chức năng giải cứu từ Trung Quốc về quê nhà. Chị N.T.V (trú thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), một trong số nạn nhân của bọn buôn người vẫn chưa hết thất thần khi nhớ lại: “Thời điểm đó, nghe nhóm bạn rủ qua Trung Quốc kiếm việc làm dễ dàng, lương tiền cao có nên tôi đồng ý. Nhưng không ngờ khi đặt chân đến Trung Quốc, tôi lại bị bắt làm vợ cho một người đàn ông xa lạ ở nước này. Ngày qua ngày, tôi luôn sống trong cảnh khổ sở, bị đánh đập, chửi bới đến mức không thể chịu được nên đã tìm mọi cách để bỏ trốn”. Sau khi trốn thoát, chị V nhờ người gọi điện về Công an tỉnh Quảng Ngãi để được giải cứu, hỗ trợ về quê.

Một trường hợp khác cũng ở thị xã Đức Phổ, đến giờ bà T.T.L vẫn không khỏi bàng hoàng khi kể lại câu chuyện con gái bà bỗng dưng bị mất tích. Theo bà L, sau một thời gian dài gia đình không liên lạc được với con gái thì một hôm bất ngờ nhận được điện thoại của con cầu cứu gia đình bỏ tiền ra để “chuộc” con về. Bà L chạy đôn chạy đáo vay mượn cùng với số tiền tích góp được vẫn không đủ để chuộc con. “Con tôi điện thoại về bảo mẹ ơi cứu con. Chuyến này chắc con không về quê được rồi. Mẹ bỏ tiền ra chuộc con về, con bị lừa đưa sang Trung Quốc”, bà L cho hay. Sau khi bà L trình báo đến cơ quan Công an thì con gái bà đã được giải cứu về quê.

Theo cơ quan Công an, tội phạm mua bán người không những để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ANTT của địa phương. Thời gian qua, Công an các tỉnh, thành tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT, cư trú, xuất nhập cảnh; tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người, kịp thời xác minh, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán… Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng thì rất cần sự chung tay thường xuyên của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng… trong đấu tranh với tội phạm mua bán người. Cơ quan Công an khuyến cáo, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.

Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp, có nguy cơ gia tăng. Để ngăn chặn hiệu quả tội phạm này, lực lượng CSHS Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra hình sự Bộ Công an Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chặt chẽ công tác phối hợp, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên nhiều giải pháp, những nội dung trọng tâm triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn lãnh thổ của mỗi quốc gia.

Hải Lan

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文