Có đồng phạm trong vụ khách hàng “VIP” chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng?

20:25 05/05/2022

HĐXX tuyên trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ xem bị hại trong vụ án là ông Toàn có đồng phạm với bị cáo Thành về hành vi lừa đảo hay không? Và thực chất, quan hệ vay nợ của bị cáo Thành và ông Toàn là như thế nào?

Sau hai ngày mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, chiều muộn ngày 5/5, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên trả hồ sơ vụ án này để điều tra làm rõ thêm những tình tiết liên quan.

Kết quả điều tra xác định, năm 2016 và 2018, Nguyễn Thị Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do, bị thua lỗ nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân trong xã hội. Nhờ chiêu vay tiền của người sau trả cho người trước, thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Thời gian này, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn để gửi đồng sở hữu. Thành lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng để vay những khoản tiền lớn nên được Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) coi là khách VIP. Do không có hoạt động kinh doanh, chỉ vay tiền của người sau để trả gốc và lãi cao cho người trước nên từ ngày 5/6 đến ngày 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Do đó, Thành đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền các ngân hàng và nhiều cá nhân khác nhau.

Tại Ngân hàng NCB, từ ngày 18/6 đến ngày 21/8/2018, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) 50 tỷ đồng. Thành yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm thành nhiều sổ đứng tên hai vợ chồng ông này vào NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ. Sau đó, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark) dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với các công ty khác và lợi dụng sự tin tưởng, thiếu trách nhiệm của nhân viên NCB trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân để cả hai ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên các chứng từ, chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên xử. 

Cũng với thủ đoạn trên, Thành vay của ông Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm đứng tên hai vợ chồng ông vào Ngân hàng PVcombank, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ. Thành cùng với Tùng sau đó dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với doanh nghiệp. Tiếp đó, Thành và đồng phạm lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên PVcombank trong hoạt động thu thập hồ sơ, thẩm định cấp tín dụng và giải ngân để ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên chứng từ hợp đồng cầm cố tiền gửi trong hồ sơ cấp tín dụng, qua đó đã chiếm đoạt của PVcombank 49,4 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Á, trong khoảng thời gian từ ngày 5/6 đến ngày 26/11/2018, Thành vay tiền của nhiều cá nhân rồi sau đó câu kết với các cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của ngân hàng số tiền hơn 273 tỷ đồng. Ngoài việc dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng trên, Thành còn cùng Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên quan hệ khách hàng Phòng Khách hàng Doanh nghiệp, VAB) lừa hai người khác ký chứng từ vay, chứng từ rút tiền để chiếm đoạt của ba cá nhân tổng số tiền gần 60 tỷ đồng.

Quá trình điều tra và tại phiên toà, ông Toàn cho biết, ông mới nhận 4 tỷ đồng tiền lãi từ bị cáo Thành và chưa nhận lại tiền gốc. Ông Toàn còn khai, không biết việc bà Thành sẽ cầm sổ tiết kiệm của ông đi thế chấp, rút tiền, cũng không nhận thông báo gì từ ngân hàng...

Trong khi đó, bị cáo Thành khẳng định, bị cáo đã trả được cho ông Toàn 35 tỷ đồng, nhưng không có giấy tờ chứng minh.

Trước lời khai bất nhất của bị cáo và người liên quan, sau khi hội ý, HĐXX tuyên trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ xem bị hại trong vụ án là ông Toàn có đồng phạm với bị cáo Thành về hành vi lừa đảo hay không? Và thực chất, quan hệ vay nợ của bị cáo Thành và ông Toàn là như thế nào?

HĐXX cho rằng, quá trình điều tra, chưa làm rõ được tổng số tiền lãi ông Toàn đã nhận từ bị cáo Thành và số tiền lãi bị cáo Thành đã nhận từ các ngân hàng là bao nhiêu? Ngoài ra, cần làm rõ số tiền bị cáo Thành còn nợ ông Toàn có đúng là 122 tỷ đồng không?

HĐXX cũng yêu cầu làm rõ hành vi của bị cáo Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á, Chi nhánh Hà Nội) xem bị cáo Đức có đồng phạm lừa đảo với bị cáo Thành hay không?

Nguyễn Hưng

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文