“Giải mã” tội phạm sử dụng công nghệ cao
Dù được thành lập chỉ hơn 1 năm nay, nhưng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm (ANM&PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an Thừa Thiên-Huế đã để lại nhiều dấu ấn khi liên tiếp triệt phá hàng chục chuyên án, vụ án.
Trong đó, có chuyên án lừa đảo quốc tế với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng, bị hại ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chiến công nối tiếp chiến công, Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao, nhiều cá nhân tham gia phá án được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...
Chúng tôi gặp Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn, Đội trưởng Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế sau khi anh có chuyến “nằm vùng” dài ngày tại TP Hồ Chí Minh để xác minh án. Anh kể, một chuyên án vừa được đơn vị triệt phá với hơn trăm nạn nhân bị lừa vẫn đang trong quá trình điều tra, vẫn chưa khép lại thì một vụ án lừa đảo khác lại “mở ra”.
Thực tế này cho thấy, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, bên cạnh những thành công lớn mà công nghệ thông tin mang lại thì tình trạng gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt cũng đang là vấn đề nhức nhối.
Lật lại hồ sơ vụ án, Thiếu tá Tuấn cho biết, một trong những chuyên án điển hình mà đơn vị triệt phá trong năm được Bộ Công an đánh giá rất cao, đó là chuyên án lừa đảo xuyên quốc gia với số tiền chiếm đoạt lên đến 400 tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan Công an xác định, đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài kết hợp với đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam và người Việt Nam ở trong nước xây dựng tổ chức phạm tội lừa đảo xuyên quốc gia.
Thông qua mạng xã hội Whatsapp, một nhóm đối tượng người Nigeria giả danh là quân nhân, bác sĩ nước ngoài… thường xuyên kết bạn, làm quen với phụ nữ Việt Nam. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là sau thời gian trò chuyện, ngỏ lời yêu đương, sẽ bày tỏ muốn tặng quà có giá trị cao hoặc gửi số lượng ngoại tệ cho các bị hại hòng làm mồi nhử.
Khi có được thông tin của bị hại, nhóm đối tượng chuyển cho một số đối tượng khác sinh sống ở Campuchia khai thác lấy thông tin tài khoản ngân hàng, từ đó cung cấp cho Lê Thành Nhân (SN 1989, trú tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đang sinh sống tại Việt Nam. Vai trò của Lê Thành Nhân là giả danh nhân viên quản lý và giao hàng tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gọi điện, thông báo cho các bị hại hiện đang có một kiện hàng của người thân từ nước ngoài gửi về, yêu cầu bị hại nộp các khoản phí qua tài khoản ngân hàng để hoàn tất thủ tục nhận hàng.
Nhân được trả công 12 triệu đồng/tháng và hưởng 10% của mỗi vụ lừa đảo. Với các thủ đoạn trên, chỉ trong vòng 5 tháng, nhóm đối tượng trên đã câu kết, lừa đảo hàng trăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành với số tiền chiếm đoạt khoảng 400 tỷ đồng…
Xâu chuỗi nhiều chuyên án được triệt phá, Thiếu tá Tuấn nhận ra rằng, quá trình đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, có nhiều đối tượng có trình độ công nghệ thông tin rất “siêu”. Đơn cử như vụ án vờ gửi tiền hỗ trợ từ thiện để chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng vừa được triệt phá.
Đầu tháng 10/2021, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao Công an Thừa Thiên-Huế đã bắt giữ đối tượng Lê Thanh Phụng (SN 2003, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết, dù tuổi đời còn trẻ, nhưng thủ đoạn phạm tội của Phụng rất chuyên nghiệp.
Phụng đã lập Facebook ảo là “Tommy Le” để tham gia vào các hội nhóm của đạo Thiên Chúa và kết bạn với các tu sĩ cũng như những người trong nhóm. Sau đó, đối tượng nhắn tin rồi ngỏ ý muốn chuyển tiền làm từ thiện.
Khi nạn nhân tin tưởng, đối tượng gửi đường link đề nghị họ đăng nhập, cung cấp các thông tin theo yêu cầu để xác nhận nhận tiền. Lúc này, tất cả thông tin liên quan tài khoản ngân hàng của nạn nhân đều được gửi về tài khoản email do Phụng quản lý, sau đó đối tượng đăng nhập vào tài khoản để thực hiện lệnh chuyển tiền.
Kể về hành trình phá vụ án Lê Thanh Phụng, các trinh sát tỏ ra lo ngại nhất khi đối tượng rất am hiểu về quy trình của ngân hàng từ đăng nhập, xác thực OTP, bảo mật 2 lớp… nhằm chiếm quyền tài khoản ngân hàng của bị hại. Vì vậy, ngay sau khi chiếm đoạt được tài khoản của bị hại, ngoài việc lấy hết tiền trong tài khoản của bị hại, đối tượng Phụng cùng đồng bọn còn sử dụng chính các tài khoản đó làm tài khoản trung gian để luân chuyển dòng tiền bất hợp pháp.
Chúng đã rửa tiền một cách chuyên nghiệp bằng cách sử dụng số tiền chiếm đoạt được chuyển vào nhóm đối tượng chuyên làm dịch vụ đổi điểm game online lấy tiền. “Quá trình giải mã tội phạm trong vụ án này, dấu vết để lại trên môi trường mạng ngày càng ít và khó khăn trong việc phân tích, bởi đối tượng dùng hoàn toàn ID giả, Facebook giả, điện thoại sim rác, thực hiện hành vi ở các điểm kết nối internet công cộng…
Đồng thời, đối tượng sử dụng các phần mềm, thiết bị chuyên dụng để xóa dấu vết khi thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng sự việc này chưa bao giờ khiến những “chiến sĩ bàn phím” nản lòng bởi số đơn “cầu cứu” của các bị hại ngày càng dày lên”, Thiếu tá Tuấn chia sẻ.
Một trong những thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao vừa nổi lên mà Công an Thừa Thiên-Huế đang tập trung đánh mạnh, đó là tội phạm sử dụng tài khoản của người khác để thực hiện hành vi nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Mới đây, Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh phá chuyên án “Đấu tranh với hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng”, bắt giữ 4 đối tượng: Châu Văn Bin (SN 1984), Nguyễn Thị Mỹ Lệ (SN 1983), Trần Quang Tùng (SN 1984) và Nguyễn Văn Tú (SN 1989), cùng trú tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Theo cơ quan điều tra, đối tượng Bin đã sử dụng một tài khoản cấp cao Super 8KN0 tại trang cá độ bóng đá bong88.com. 8X rồi phân chia trang này thành nhiều cấp để thực hiện tổ chức đánh bạc cho các con bạc qua mạng Internet. Chỉ chưa đầy 3 tháng, các đối tượng tổ chức cho con bạc đánh bạc với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng…
Thượng tá Mai Văn Toàn khẳng định, khác với các loại tội phạm khác, tội phạm công nghệ cao đều là những đối tượng trẻ tuổi, có trình độ nhất định về công nghệ thông tin và ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh ranh chuyên nghiệp. Vì vậy, có rất nhiều vụ, số bị hại lên đến hàng trăm người với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Vì vậy, để “giải mã” được một vụ án, đòi hỏi mỗi trinh sát công nghệ cao phải thu thập tài liệu chứng cứ tỉ mỉ khoa học trên môi trường mạng, từ những dấu vết nhỏ nhất, có vụ khối lượng dữ liệu thu thập cực kỳ lớn (hàng trăm Terabyte mỗi giờ). Đồng thời, áp dụng đồng bộ khoa học, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành Công an và trình độ công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình trinh sát, xác minh cho đến khi bắt giữ, đấu tranh với tội phạm.
Có thể nói rằng, cuộc chiến chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vô cùng gian khó nhưng dẫu khó khăn đến mấy thì những trinh sát công nghệ cao vẫn luôn quyết tâm vượt qua để ngăn chặn những tên tội phạm “tàng hình”, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo đảm an ninh của quốc gia, trật tự an toàn xã hội.