Góc khuất trong đại án xăng dầu giả

09:58 30/04/2022

Chuyên án buôn lậu, sản xuất xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai kết luận điều tra giai đoạn 1 và đề nghị truy tố 75 bị can. Trong các bị can bị khởi tố, có cả những người từng là giám đốc doanh nghiệp xăng dầu, cán bộ hải quan và lực lượng thực thi công vụ. Nhìn lại quá trình điều tra, bóc gỡ, triệt xóa đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả này mới thấy sự tính toán tinh vi của các đối tượng…

Phan Thanh Hữu, sinh năm 1957, từng làm việc tại Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) từ những năm 1990. Với mục đích phục vụ cho việc buôn lậu xăng, dầu từ Singapore về Việt Nam bằng đường thủy, năm 2019 Hữu đã hoán đổi tiền góp vốn tại Công ty TNHH Hưng Lộc Phát để nhận lại 4 tàu thủy cỡ lớn.

Tàu dùng vận chuyển xăng nhập lậu, xăng giả của Phan Thanh Hữu.

Có tàu trong tay, Hữu tìm đến Đào Ngọc Viễn, sinh năm 1968, tại TP Hồ Chí Minh, một mối quen biết từ trước để thực hiện ý định này. Bởi Hữu biết rõ Viễn đang điều hành Công ty THHH Đại Dương Hải Phòng chuyên vận chuyển xăng, dầu là một trong những người có mối quen biết và quan hệ rộng với một số cá nhân làm trong lực lượng chức năng. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi Hữu và Viễn ngồi lại với nhau bàn kế buôn lậu xăng, dầu từ năm 2019.

Để có thêm nguồn lực tài chính và chân “trong”, chân “ngoài”, Hữu và Viễn đã liện hệ với Đại tá Phùng Danh Thoại, Trưởng phòng Xăng dầu - Cục Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và 2 đối tượng khác là Phạm Hùng Cường, sinh năm 1966, ngụ TP Hải Phòng cùng một người tên Trọng (chưa rõ lai lịch) góp vốn cùng Phan Thanh Hữu với tổng số tiền gần 54 tỷ đồng để thực hiện hoạt động buôn lậu xăng, dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Trong phi vụ này, Hữu và Viễn đã bàn bạc, thống nhất với những người góp vốn bằng tỷ lệ ăn chia 60- 40% lợi nhuận.

Đã hiểu quá rõ về quy trình hoạt động vận chuyển xăng, dầu trên biển, nên để che giấu hành vi buôn lậu, Viễn đã giao cho Nguyễn Minh Khoa, sinh năm 1970, ngụ TP Hải Phòng làm đại diện Công ty THHH VTB Thuận Phát để ký hợp đồng thuê tàu Pacific Ocean. Sau đó, công ty này tiếp tục ký hợp đồng cho một doanh nghiệp của Trung Quốc thuê lại tàu Pacific Ocean nhằm che giấu hành vi vận chuyển xăng dầu từ Singapore về Việt Nam.

Dù đi thuê tàu rồi cho thuê lại lòng vòng như vậy nhưng thực tế, cơ quan Công an đã chứng minh con tàu này chỉ vận chuyển khi có lệnh của Viễn và Phạm Hùng Cường. Việc mua xăng cũng được Hữu tính toán khá kỹ với “chiêu” mua bán qua trung gian để che mắt cơ quan chức năng. Hữu thường hẹn một người Trung Quốc tên là A Hùng, đại diện chủ hàng tại Singapore ở Việt Nam ngay tại TP Hồ Chí Minh để giao tiền mua xăng lậu, mỗi lần từ 400.000 đến 1.200.000 USD; mỗi tháng nhóm của Hữu nhập lậu từ 3 đến 6 chuyến, mỗi chuyến từ 3.800.000 đến 5.000.000 lít xăng.

Việc vận chuyển cũng được Hữu tính rất kỹ khi thuê Đinh Văn Đoàn, sinh năm 1969, tại TP Vũng Tàu làm giám đốc Công ty TNHH Hải Minh Nhật đứng tên các tàu mang tên Nhật Minh để vận chuyển xăng nhập lậu. Sau khi tính toán cách thức mua bán và vận chuyển xăng lậu trót lọt về Việt Nam, việc còn lại là sản xuất bằng cách “phù phép” để xăng màu trắng từ Singapore chuyển thành xăng màu vàng nhạt giống xăng tại thị trường Việt Nam nhằm không bị cơ quan chức năng phát hiện xăng lậu.

Để “đổi màu” cho số xăng nhập lậu, Hữu khai nhận đã lên mạng tìm và mua bột màu cùng dung môi dùng pha chế của một đối tượng tên Vinh tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Bột màu và dung môi sau đó được Hữu giao cho đàn em hoặc tay chân làm thuê chở về các kho, đợi tàu vận chuyển xăng lậu về sẽ lập tức pha trộn theo công thức được Hữu ghi tỷ mỉ cho từng tàu, tùy theo số lượng xăng lậu.

Để hợp thức hóa số xăng nhập lậu này, Hữu đã sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Hải Minh Nhật lập khống hóa đơn vận chuyển xăng cho Công ty Phan Lê Hoàng Anh do Phan Thanh Hữu làm Giám đốc. Sau đó giao cho các lái tàu mang tên Nhật Minh để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra. Ma mãnh hơn, Hữu còn thỏa thuận với Nguyễn Hữu Tứ và Lê Thanh Trung, giám đốc Công ty Tây Nam sử dụng pháp nhân của Công ty Tây Nam để xuất hóa đơn GTGT cho Công ty Phan Lê Hoàng Anh với số lượng 2 triệu lít.

Để có thể lôi kéo Trung vào việc này, Hữu phải chấp nhận điều kiện là cho Trung mượn 10 tỷ đồng để Trung nhập xăng RON 95 hợp pháp về kho, sau đó bán ra cho nhiều nơi khác nhau mà không xuất hóa đơn để thể hiện tồn kho luôn ở mức 2 triệu lít. Hữu, Tứ và Trung đã bàn bạc, lập ra kho bãi và thỏa thuận giá bán xăng nhập lậu rẻ hơn giá xăng hiện hành của Petrolimex đang bán trong nước từ 2.700 đồng đến 4.000 đồng/lít.

Kiểm tra một doanh nghiệp và cây xăng tiêu thụ xăng giả.

Đồng thời chúng lập ra hệ thống các tàu giao, nhận hàng từ kho chứa hàng lậu Nam Phong tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An để vận chuyển số xăng lậu này đưa đi tiêu thụ. Quá trình mua, bán xăng lậu đều được các đối tượng chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng. Với thủ đoạn tổ chức hệ thống chặt chẽ như vậy, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Đào Ngọc Viễn và Phan Thanh Hữu cùng đồng phạm đã vận chuyển số lượng xăng nhập lậu đến tỉnh Vĩnh Long bán cho Nguyễn Hữu Tứ và Trần Thanh Vân với số lượng 198 triệu lít. Số xăng nhập lậu đã được bán ra thị trường là 196 triệu lít, thu về tổng số tiền hơn 2.794 tỷ đồng.

Trong đó, Phan Thanh Hữu hưởng lợi số tiền lên tới 105 tỷ đồng. Qua giám định các mẫu xăng thu thập, cơ quan Công an xác định các mẫu xăng đều chứa thành phần MTBE vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Việt Nam làm giảm tuổi thọ của động cơ máy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đây là loại xăng giả xăng RON 95.

Để thực hiện trót lọt việc buôn lậu số lượng xăng rất lớn trên, các đối tượng không phải không gặp khó khăn bởi sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Đoán trước được “cuộc chơi”, nên các đối tượng bằng mọi cách tiếp cận và đưa tiền hối lộ nếu bị theo dõi kiểm tra. Cụ thể, trong quá trình Phan Thanh Hữu điều hành các tàu vận chuyển xăng nhập lậu về tỉnh Vĩnh Long thì Nguyễn Hữu Tứ nhận được thông tin có lực lượng điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đang triển khai lực lượng theo dõi để bắt giữ.

Ngay lập tức Hữu đã yêu cầu Tứ bằng mọi cách phải tiếp cận Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội 3- Cục Điều tra chống buôn lậu. Để tiếp cận được Thụy, Tứ đã nhờ đến Nguyễn Đức Quyền là cán bộ Hải quan thuộc Đội 3, người quen biết trước đó của Tứ. Ngày 25/1/2021, trong khi Thụy cùng lực lượng của Đội 3 triển khai bắt giữ các tàu mang tên Nhật Minh của Hữu đang vận chuyển xăng lậu từ TP Cần Thơ đến tỉnh Vĩnh Long thì Tứ đã tìm cách tiếp cận được Ngô Văn Thụy để đưa 10.000 USD nhưng bị Thụy từ chối.

Ngày 26/1, vợ chồng Tứ đến nhà riêng của Thụy tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh để đưa hối lộ 1 phong bì đựng 10.000 USD và 1 thẻ ngân hàng có số dư tài khoản là 100 triệu đồng với mục đích xin cho Hữu chở xăng lên Vĩnh Long bán cho Tứ. Sau khi đưa trót lọt số tiền trên, Hữu tiếp tục thông qua Tứ xin gặp Thụy vào chiều 26/1 tại nhà riêng và đưa hối lộ cho Thụy 500 triệu đồng để được chở xăng lậu bán cho Tứ. Số tiền 10.000 USD và 500 triệu đồng nhận hối lộ sau đó đã được Thụy dùng tiêu xài cá nhân hết, riêng số tiền 100 triệu đồng trong thẻ ngân hàng thì vẫn còn giữ nguyên.

Không chỉ đưa hối lộ cho Thụy để được vận chuyển và mua bán xăng lậu, Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ cũng đã có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang Cơ quan Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. 

Dù các đối tượng hoạt động rất tinh vi, có tổ chức chuyên nghiệp, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an cùng Công an các tỉnh liên quan đấu tranh, phá án thành công. Chiến công này không chỉ “chặt đứt” đường xây buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ xăng giả xuyên quốc gia với số lượng rất lớn, mà còn thanh lọc được những “con sâu” trong lực lượng thực thi công vụ - những người đã vì lợi ích riêng của cá nhân mà làm ngơ, tiếp tay cho những đối tượng làm ăn phi pháp.

Bảo Sơn

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文