Kiểm soát chặt tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy
Hiện nay, lượng tiền chất, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu ngày một lớn đặt ra nhiều thách thức với cơ quan chức năng. Cùng với đó, tội phạm nhập khẩu tiền chất về để điều chế, sản xuất ma túy ở trong nước có dấu hiệu ngày càng phức tạp.
Vấn đề quản lý tính hai mặt của tiền chất đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm ma túy, khi việc sử dụng tiền chất để điều chế ma túy tổng hợp diễn biến ngày càng phức tạp.
Chưa hậu kiểm chặt chẽ việc nhập khẩu tiền chất
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, cùng với việc đấu tranh với tội phạm buôn lậu ma túy, ngành Hải quan cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các loại tiền chất. Thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu, hoạt động xuất nhập khẩu các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong các năm vẫn tiếp tục tăng, trung bình 10%/năm.
Trong khi đó, việc cấp phép cho hoạt động nhập khẩu tiền chất của các cơ quan chức năng khá lỏng lẻo và không thực hiện hậu kiểm chặt chẽ. Trên thực tế, có những doanh nghiệp (DN) nhập khẩu tiền chất, khi hải quan phát hiện, bắt giữ mới xin cấp phép bổ sung. Hay có nhiều trường hợp giấy phép nhập khẩu tiền chất của DN không có địa chỉ trụ sở rõ ràng nhưng vẫn được cấp phép hoặc cấp phép sau khi nhập khẩu.
Đơn cử, năm 2020, Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Bắc - Đội 5 (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã phát hiện 2 vụ buôn lậu tiền chất. Trước đó, năm 2019, lực lượng chức năng đã triệt phá một điểm sản xuất tiền chất ma túy lớn tại Kon Tum của một số đối tượng người Trung Quốc, thu giữ khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.
Được biết, hiện các DN hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất y tế chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng, qua các cửa khẩu đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Nội Bài và đường biển, chủ yếu là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất như: Codeine phosphate, Diazepam Hameln, Codeine Base, Ephedrine, Epherine...
Đối với tiền chất công nghiệp, ngoài một số ít tiền chất Việt Nam tự sản xuất được như H2SO4, HCl, Toluene, Acetone, chủ yếu các loại tiền chất đều được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, nguồn nhập khẩu nhiều nhất từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp, Ấn Độ...
Tại hội nghị cung cấp thông tin về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an tổ chức ngày 24/12, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, cả nước có gần 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh (nhập khẩu, xuất khẩu) tiền chất công nghiệp, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc.
Số lượng nhập khẩu hàng năm tăng khoảng 10% so với năm trước. Năm 2021, số lượng nhập khẩu tiền chất công nghiệp khoảng 640 nghìn tấn, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc khoảng 15 tấn. Công tác kiểm soát tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong hoạt động mua bán đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn.
"Thực tế, đối với các đơn vị nhập khẩu về để kinh doanh thì không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác, các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp. Do đó, việc kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn. Việc kiểm soát đối với nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc chưa được thực hiện", Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh.
Thêm nhiều quy định nâng cao hiệu quả quản lý tiền chất
Để kiểm soát tiền chất, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong hải quan. Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị nâng cao khả năng phát hiện ma túy, tiền chất ở khâu kiểm tra trong và sau thông quan hàng hóa.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị chủ động có giải pháp kịp thời ngăn chặn, không để cho tội phạm ma túy lợi dụng các chính sách ưu đãi về thương mại, đầu tư, du lịch, quản lý tiền chất trong công nghiệp, y tế và các quy trình, quy định nghiệp vụ hải quan để vận chuyển ma túy qua các khu vực kiểm soát hải quan hoặc đưa các phương tiện, dụng cụ, tiền chất để sản xuất ma túy trong địa bàn kiểm soát hải quan, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị Hải quan khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung rà soát, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu công nghiệp, khu chế xuất để nắm tình hình về DN xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng tiền chất để sản xuất. Mặt khác, lực lượng Hải quan đã và đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma tuý.
Đặc biệt, để công tác đấu tranh với việc nhập lậu và sử dụng tiền chất không đúng mục đích, thậm chí lợi dụng đưa tiền chất vào sản xuất ma túy, ngành Hải quan đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cần nâng cao trách nhiệm, quản lý chặt từ khâu cấp phép tiền chất đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất, không để thất thoát vào các mục đích bất hợp pháp.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện thông tin thêm, để nâng cao hiệu quả quản lý đối với mặt hàng này, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (được Quốc hội thông qua tháng 3/2021, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) đã bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết thêm, ngành Hải quan đã tích cực góp ý xây dựng chính sách đấu tranh với tội phạm ma túy trong tình hình mới. Theo đó, Cục Điều tra chống buôn lậu tập trung vào các nội dung liên quan đến thẩm quyền, nguyên tắc, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Đặc biệt, mới đây, ngày 1/12/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ về việc ban hành quy trình phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng Hải quan thay thế cho Quy trình 2005.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tăng cường trang bị một số máy phát hiện ma túy, chất nổ cho Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan các địa phương...