Ngăn chặn, kê biên và thu giữ tài sản, nhìn từ “đại án” Vạn Thịnh Phát

Kỳ 2: Truy vết tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn

06:20 07/11/2024

Dù đã được làm thận trọng, chặt chẽ, nhưng việc phong tỏa, ngăn chặn, kê biên, thu giữ nhiều tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng trong vụ "đại án" này đã không tránh khỏi gây ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân. Nhưng đây là việc làm cần thiết trong quá trình tố tụng để sẵn sàng cho bước khắc phục thiệt hại do Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm gây ra cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân sau khi bản án của tòa có hiệu lực pháp luật.

Nhưng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp cho các tổ chức, cá nhân không liên quan hoặc không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trong từng giai đoạn tố tụng, các cơ quan tham gia tố tụng đều sẵn sàng gỡ bỏ phong tỏa, ngăn chặn và truy vết đến cùng số tài sản đang bị che đậy, tẩu tán để đưa vào khắc phục hậu quả… 

Là một trong những doanh nghiệp có hoạt động kinh tế liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) bị phong tỏa, ngăn chặn nhiều tài sản, tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2 của vụ "đại án", đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết tài khoản của Bitexco và 4 công ty thuộc tập đoàn cùng toàn bộ Giấy chứng nhận QSDĐ của Bitexco và Công ty Saigon Glory đều bị ngăn chặn giao dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Đề nghị HĐXX chấm dứt phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đối với Dự án Việt Phát và các tài khoản của Công ty Tân Thành Long An, luật sư bảo vệ cho doanh nghiệp này cũng đưa ra những căn cứ bảo vệ cho lập luận của mình. Tương tự, đại diện Công ty CP chứng khoán Tân Việt đề nghị HĐXX hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 10% vốn tại FWDA và số dư tiền gửi tại ngân hàng SCB để công ty thực hiện nghĩa vụ đối với khách hàng, đối tác và các trái chủ sở hữu mã trái phiếu khác không liên quan đến vụ án.

Một khu đất liên quan đến hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị kê biên.

Trong giai đoạn 2, HĐXX xác định số tiền hơn 474 tỷ đồng các bị cáo và các pháp nhân tự nộp để khắc phục hậu quả theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan sẽ tiếp tục được tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Đối với việc phong tỏa 79 tài khoản ngân hàng của Trương Mỹ Lan và đồng phạm, HĐXX cũng đã xem xét, phân loại, những tài khoản của nhóm đối tượng thuộc diện không có nghĩa vụ bồi thường dân sự; số tiền không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo đã được hủy bỏ phong tỏa, ngăn chặn. Trong số 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm và tài khoản chứng khoán tại Công ty CP Chứng khoán Tân Việt cũng đã có một loạt tài khoản của cá nhân, doanh nghiệp được HĐXX đề nghị hủy bỏ phong tỏa do bị cáo không có nghĩa vụ bồi thường dân sự hoặc không có căn cứ xác định số tiền bị phong tỏa liên quan đến hành vi phạm tội. Dù vậy, HĐXX cũng đề nghị tiếp tục phong tỏa một loạt tài khoản của cá nhân, doanh nghiệp liên quan để đảm bảo việc khắc phục hậu quả của vụ án. Riêng đối với 10 tài khoản đứng tên 2 con gái của Trương Mỹ Lan và 7 tài khoản đứng tên ông Trương Lập Hưng (cháu Trương Mỹ Lan) mở tại các ngân hàng, HĐXX cho rằng mới chỉ có 3 tài khoản được giải quyết trong giai đoạn 1 nên đề nghị Cơ quan CSĐT tiếp tục xác minh, làm rõ nguồn gốc số tiền này.

Về ngăn chặn cổ phần, phần vốn góp liên quan đến Trương Mỹ Lan, trong giai đoạn 2, HĐXX đã đề nghị tiếp tục duy trì việc kê biên đối với một loạt cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo. Trong đó, liên quan đến hơn 140 triệu cổ phần tại Công ty CP Chứng khoán Tân Việt do 6 cá nhân đứng tên sổ hữu, HĐXX xác định quá trình điều tra, các cá nhân trên đều khai nhận được Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên giùm. Bản chất số cổ phần này là của Trương Mỹ Lan nên cần tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo. Quá trình điều tra trước đó Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã làm rõ từ năm 2021 đến khi khởi tố vụ án, để tăng vốn cho Công ty CP Chứng khoán Tân Việt từ mức 1.089 tỷ đồng lên 2.639 tỷ đồng, ngoài 6 cá nhân trên, Trương Mỹ Lan còn nhờ 4 công ty khác đứng tên sở hữu cổ phần hộ. Đây là tài sản của Trương Mỹ Lan nên HĐXX đề nghị thu hồi để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của Trương Mỹ Lan.

Đối với 100% cổ phần tại Công ty Twin Peaks - chủ sở hữu tòa nhà Capital Palace tại số 29 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội với 3 thành viên góp vốn, trong giai đoạn 2 Trương Mỹ Lan đã đề nghị giải tỏa số cổ phần trên để Công ty Twin Peaks thực hiện nghĩa vụ thanh toán với các ngân hàng nước ngoài; toàn bộ giá trị tài sản còn lại sẽ được dùng để khắc phục hậu quả của vụ án. Ngày 6/10 vừa qua Công ty Twin Peaks cũng đã có văn bản đề nghị cho phép công ty được nộp hơn 2.112 tỷ đồng để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Do đó HĐXX đã chấp thuận hủy bỏ việc kê biên, giao tài sản trên cho các ngân hàng liên quan thực hiện xử lý thu hồi nợ. Đồng thời giao Cơ quan thi hành án phối hợp với Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao xử lý phần giá trị tài sản còn lại tại tòa nhà này để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của Trương Mỹ Lan. Trong khi đó, với 18% vốn góp tại Công ty VBB đang bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an kê biên, mặc dù đã được thẩm định giá, được đối tác góp vốn đề nghị chuyển nhượng lại với giá 920 tỷ đồng và trong quá trình xét xử Trương Mỹ Lan đã đồng ý với mức giá này, nhưng HĐXX đề nghị tiếp tục kê biên để bảo đảm thu hồi tối đa tài sản cho việc khắc phục hậu quả của vụ án.

Tương tự, sau khi chứng minh, làm rõ một loạt các phần vốn góp thuộc sở hữu của Trương Mỹ Lan tại các doanh nghiệp nhưng nhờ tổ chức, cá nhân khác đứng tên như Công ty TNHH bảo hiểm FWD, Công ty CP dược phẩm Đông Dược 5, Công ty TNHH ĐT PT đô thị Ngọc Viễn Đông, Công ty CP đầu tư Sao Thủy, Công ty CP Hòa Thuận Phát… HĐXX đề nghị duy trì việc kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của Trương Mỹ Lan. Bên cạnh đó, việc kê biên nhiều BĐS liên quan đến Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm và các cá nhân liên quan khác cũng được HĐXX phân loại để xem xét hủy bỏ phong tỏa, tiếp tục kê biên hoặc đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác minh, làm rõ.

Từ những chứng cứ trong giai đoạn 2 của vụ "đại án", tháng 10 vừa qua TAND TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ thêm nhiều tài sản trong vụ án. Cụ thể, để nghị tiếp tục ngăn chặn giao dịch tài khoản của 2 con gái Trương Mỹ Lan là Chu Duyệt Phấn, Chu Duyệt Hằng và Trương Lập Hưng. Đề nghị tiếp tục ngăn chặn, tạm dừng giao dịch đối với cổ phần, tài khoản ngân hàng và các BĐS đứng tên Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phúc Anh. Ngăn chặn giao dịch 3 tài khoản ngân hàng và 13 BĐS liên quan đến Đinh Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Sương, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn và Nguyễn Lâm Anh Vũ. HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định đối với các tài sản, gồm 61 QSDĐ tại xã Phước Kiến, huyện Nhà Bè. Đây là những tài sản đã bị kê biên theo Bản án ngày 11/4/2024 do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 của vụ án.

Ngoài ra còn BĐS tại số 129 Pasteur, quận 3, TP Hồ Chí Minh do Công ty CP đầu tư Peak View đứng tên sở hữu. Các tài sản là 6 BĐS do Công ty TNHH TM DL Hải Phú, Công ty CP Đầu tư Tân Thuận Nam và Công ty CP Trần Lê Gia Trang đứng tên sở hữu. Xác minh làm rõ 1.784 bản photocopy Giấy chứng nhận QSDĐ đã thu giữ tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; 269 nhà, đất cho thuê đã thu giữ tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; 35 Giấy chứng nhận QSDĐ, các BĐS do pháp nhân nước ngoài sở hữu liên quan đến Trương Mỹ Lan và các tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng gia đình sở hữu ở nước ngoài.

Các Dự án KCN và KDC tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An do Công ty CP Đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư; Dự án The Spirit of Sài Gòn ở khu tứ giác Bến Thành của Công ty TNHH Sài Gòn Glory thuộc Tập đoàn Bitexco; Dự án Khu đô thị và khu tái định cư Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với 100% cổ phần của Công ty Amaland PTE tại Singapore do Công ty TNHH Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư cũng được đề nghị xác minh.

Số tiền do Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm gây thiệt hại rất lớn, nên việc truy vết để kê biên, phong tỏa thêm tài sản nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho các bị cáo là cần thiết. Nhưng ngược lại, HĐXX cũng đã không chấp thuận chiêu trò "thu hồi tài sản" không có thực của Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả cho chính bị cáo.

Trong giai đoạn 2 của vụ án, luật sư của Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng được SCB chuyển cho các ngân hàng vì đây được xác định là vật chứng của vụ án xuất phát từ nguồn tiền trái phiếu; thu hồi số tiền 1.000 tỷ đồng từ dự án ở Quảng Ninh cùng số tiền từ một số dự án khác; thu hồi 130 triệu USD do bạn của Trương Mỹ Lan tự nguyện khắc phục cho bị cáo; thu hồi 7.000 tỷ đồng do Trương Mỹ Lan đề nghị các đối tác trả lại khi tham gia vào Dự án khu tứ giác Bến Thành… trước các đề nghị này, HĐXX cho rằng căn cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án thì chưa đủ cơ sở xác định tình trạng pháp lý các tài sản cũng như mối liên hệ với Trương Mỹ lan và Tập đoàn VTP. Trong khi đó luật sư không cung cấp được tài liệu làm căn cứ cho các yêu cầu trên nên không có căn cứ để xem xét, giải quyết.

Về khoản tiền 15.712 tỷ đồng trên, đại diện Tập đoàn Bitexco thừa nhận trước HĐXX rằng đã nhận số tiền này trong tổng số 22.000 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng Dự án khu tứ giác Bến Thành từ Trương Mỹ Lan. Về mặt pháp lý, chủ đầu tư dự án trên là Công ty TNHH Sài Gòn Glory thuộc sở hữu của Bitexco, nhưng Trương Mỹ Lan đã đưa người sang quản lý, điều hành công ty và đã sử dụng pháp nhân công ty này để phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu và vay ngân hàng số tiền 13.000 tỷ đồng. Do đó các tài sản trên do ngân hàng cho vay quản lý và tổng số nợ Trương Mỹ Lan để lại cho Công ty TNHH Sài Gòn Glory đã lên tới 33.334 tỷ đồng.

Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ đối với khoản tiền trên, Bitexco và ngân hàng cho vay đã chuyển giao dự án, chuyển giao Công ty TNHH Sài Gòn Glory cho một pháp nhân khác. Ngày 1/10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng xác nhận về vụ việc này và thông tin rằng, vào ngày 29/8 đại diện gia đình Trương Mỹ Lan đã cùng Bitexco thống nhất việc chuyển nhượng dự án.

Bảo Sơn

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文