Xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm trong vụ án AIC:

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai “móc nối” với ai để xin được vốn từ Trung ương?

17:11 23/12/2022

Khi dự án thiếu vốn, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành gọi điện nhờ Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ “xin vốn Trung ương” và Nhàn nhận lời. Tiếp đó, bị cáo Trần Đình Thành yêu cầu cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu vì đây là doanh nghiệp có khả năng và uy tín, có nhiều mối quan hệ với Trung ương và có công xin vốn cho tỉnh Đồng Nai.

Chiều 23/12, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC các đơn vị liên quan. Quá trình điều tra xác định, sau khi Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) đồng ý giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và dự án tại tỉnh được tăng 754 tỷ đồng. Công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn được tạo điều kiện trúng thầu vì lãnh đạo công ty có công.

Theo dự án được phê duyệt năm 2006, tổng mức đầu tư 889 tỷ đồng, không bao gồm phần thiết bị y tế chuyên môn. Tháng 7/2010, dự án được thay đổi, bổ sung phần thiết bị y tế 754 tỷ đồng, nâng tổng đầu tư lên 1.904 tỷ đồng. Sau các lần điều chỉnh, dự án có 16 gói thầu thiết bị y tế chuyên môn trị giá 654 tỷ đồng và nhóm Công ty AIC trúng toàn bộ 16 gói với giá cao hơn nhiều so với thực tế.

Năm 2010, khi dự án thiếu vốn, bị cáo Trần Đình Thành, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai gọi điện nhờ Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ “xin vốn Trung ương” và Nhàn nhận lời.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - bị cáo Đinh Quốc Thái.

Tiếp đó, bị cáo Trần Đình Thành yêu cầu cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu vì đây là doanh nghiệp có khả năng và uy tín, có nhiều mối quan hệ với Trung ương và có công xin vốn cho tỉnh Đồng Nai.

Tại tòa, bị cáo Trần Đình Thành khai, đã gọi điện cho bị cáo Nhàn thông báo, dự án bệnh viện thiếu vốn và mong Nhàn “góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói”. Theo lời khai của bị cáo Trần Đình Thành, “Nguyễn Thị Thanh Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương. Còn bộ, ngành nào thì tôi không biết”.

Cáo trạng xác định năm 2010, đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên dự án được tăng 30% tổng mức đầu tư.

Bị cáo Trần Đình Thành chỉ đạo bị cáo Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) phải nhanh chóng triển khai, bổ sung chi phí thiết bị y tế vào dự án.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - bị cáo Trần Đình Thành.

Tháng 7/2010, bị cáo Đinh Quốc Thái ký quyết định phê duyệt lại dự án, bổ sung phần đầu tư thiết bị y tế chuyên môn khi không có tài liệu, thẩm định của cơ quan chuyên môn về danh mục và giá thiết bị y tế, không thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai trước khi phê duyệt.

Khai trước tòa, bị cáo Đinh Quốc Thái cho biết, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã hỗ trợ, giúp UBND tỉnh Đồng Nai xin tăng vốn dự án và bị cáo Nhàn còn quen với bị cáo Trần Đình Thành nên đã tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Cũng theo lời khai của bị cáo Đinh Quốc Thái, bị cáo không trực tiếp họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng bị cáo được bị cáo Bồ Ngọc Thu báo cáo. Sau đó, bị cáo Đinh Quốc Thái đã chỉ đạo các đơn vị phải chuẩn bị hồ sơ cho dự án bệnh viện theo “ý của Bí thư Thành”.

Tại tòa, bị cáo Bồ Ngọc Thu thừa nhận, sau cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tỉnh Đồng Nai được bổ sung phần thiết bị vào dự án bệnh viện để tăng tổng mức đầu tư.

Hội đồng xét xử hỏi: “Việc bổ sung như vậy có xin ý kiến Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai hay không?”, bị cáo Thu cho hay, việc này không phải thẩm quyền của mình.

Bị cáo Thu khai: “Do thời gian ngắn, bị cáo có gặp bị cáo Đinh Quốc Thái xin ý kiến và được nói, nếu như trình Hội đồng nhân dân lấy ý kiến theo đúng quy định sẽ cần thời gian dài, không đủ thời gian gửi Bộ để đăng ký vốn cho các năm sau. Bị cáo Đinh Quốc Thái nói, việc đi xin vốn là quan trọng, lãnh đạo tỉnh đã xin và được Bộ đồng ý rồi phải tập trung giải quyết hồ sơ. Do vậy, bị cáo làm hồ sơ gửi UBND tỉnh. Còn trình Hội đồng nhân dân tỉnh là thẩm quyền của UBND tỉnh”.

Kết quả điều tra xác định, bị cáo Bồ Ngọc Thu đã bỏ qua các bước thẩm định và ký tờ trình để bị cáo Đinh Quốc Thái ký quyết định phê duyệt lại dự án, bổ sung thêm phần đầu tư thiết bị với số tiền 754 tỷ đồng, nâng mức tổng đầu tư lên 1.904 tỷ đồng dù không có hồ sơ thuyết minh, không đưa ra cơ sở xác định danh mục thiết bị, xác định số lượng, đơn giá theo quy định.

Trong vụ án, việc các bộ, ngành phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho dự án ở tỉnh Đồng Nai vượt mức quy định được cơ quan điều tra tách ra thành vụ án riêng để điều tra, xử lý trong giai đoạn sau.

Nguyễn Hưng

Cơn sốt mang tên Nguyễn Xuân Son có thể không đơn thuần chỉ là hiệu ứng nhất thời, khi dòng người lao động quốc tế đến Việt Nam làm việc ngày càng lớn. Không ít cá nhân trong số đó đã quyết định ở lại Việt Nam định cư, đồng thời xin quốc tịch Việt Nam cho con của họ.

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (GTVT) ước tính tổng nhu cầu nhân lực trực tiếp ở các khối quản lý nhà nước, quản lý dự án, tư vấn, xây lắp, vận hành cho xây dựng, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cao điểm khoảng 200.000 - 250.000 lao động, gồm: Nhân lực quản lý dự án 700 -900 cán bộ, tư vấn 1.100-1.300 lao động, xây lắp 180.000 - 240.000 lao động và giai đoạn vận hành là 13.880 lao động.

Một thông tin có thể không mới nhưng vẫn khiến nhiều người bất ngờ: Từ ngày 25/12/2024, dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng đang hoạt động. Cụ thể: "Tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin (theo: Đức Thiện-Báo Tuổi trẻ)

Thời gian gần đây, trào lưu nuôi búp bê Kumathong lại nóng trở lại. Lý do là bởi nhiều người tin rằng, khi “nuôi” một con búp bê này trong nhà thì tài lộc ngút trời, làm việc gì cũng hanh thông. Không chỉ người lớn mà nhiều học sinh cũng đua nhau tìm mua búp bê Kumanthong qua mạng xã hội về thờ cúng tại nhà, hy vọng mang lại may mắn, học giỏi.

Mới đây, truyền thông Mỹ dẫn kết quả một số cuộc thăm dò dư luận cho biết, phần lớn người dân nước này lựa chọn mừng năm mới một cách bình yên và ấm áp tại nhà, sau một năm học tập và làm việc vất vả. Nhưng những diễn biến bất ngờ tại "xứ cờ hoa" lại trở thành nỗi ám ảnh đối với họ.

Đã xuất hiện thêm tín hiệu tích cực hướng đến một tiến trình đàm phán chấm dứt xung đột, mang lại hòa bình lâu dài cho Ukraine sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Slovakia Robert Fico đến Moscow hôm 22/12.

Một sự kiện được đông đảo dư luận quan tâm gần đây là việc bắt buộc định danh tài khoản mạng xã hội kể từ 25/12/2024. Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam sẽ phải xác minh tài khoản bằng số điện thoại thuê bao chính chủ hoặc số căn cước công dân.

Hỏi: Gia đình tôi có người vừa mới ra tù và có dự định xuất cảnh ra nước ngoài. Xin quý Báo cho biết, người mới chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích có được xuất cảnh ra nước ngoài không? (Lê Hùng, Từ Sơn, Bắc Ninh)

Mỗi quốc gia đều có những chế tài xử phạt khác nhau đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn chỉ dẫn. Tại Đông Nam Á, nhằm nâng cao tính răn đe, các mức phạt với hành vi vi phạm lặp lại có thể được tính lũy tiến hoặc thậm chí ngồi tù.

Cảnh sát trưởng Las Vegas Kevin McMahill ngày 2/1 thông tin, lực lượng chức năng đã phát hiện một tổ hợp gồm pháo hoa, bình xăng và nhiên liệu cắm trại trong thùng xe Tesla Cybertruck phát nổ trước cửa khách sạn Trump International, đồng thời ra một tuyên bố về chiếc xe này. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文