Gian nan những phận người vượt biên trái phép tìm “miền đất hứa”

Những giấc mộng tan vỡ nơi xứ người (Bài 1)

07:45 26/08/2023

Do nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, thời gian qua một số người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các tỉnh Tây Nguyên đã vượt biên trái phép sang Campuchia, Lào, Thái Lan với hy vọng có được cuộc sống giàu sang, được hỗ trợ đưa sang nước thứ ba như Mỹ, Canada.

Không ít người sau khi vượt biên đã vỡ mộng biết mình bị lừa tìm cách quay trở về quê hương. Những người trở về đều được chính quyền địa phương và lực lượng Công an giúp đỡ, nhiều người trong số họ dần ổn định cuộc sống.

Mặc dù được tuyên truyền, giải thích song thời gian qua, vẫn có không ít đồng bào DTTS các tỉnh Tây Nguyên nghe theo kẻ xấu tìm đường tới “miền đất hứa”. Ngoài mục đích kinh tế, trong số họ cũng không ít người mang suy nghĩ cực đoan, mù quáng rằng họ sẽ tới được miền đất của “nữ thần tự do” để được tự do, giàu có và sung sướng hơn.

Những người trong cuộc kể lại sai lầm với cán bộ Công an và phóng viên Báo CAND.

Những lời hứa viển vông

23h, Y Cer Êban (trú tại Đắk Lắk) vẫn gọi video call cho con trai. Bên kia đầu máy, cậu bé huyên náo kể đủ thứ chuyện rồi mếu máo đòi gặp bố… Xen lẫn giữa cuộc trò chuyện của hai cha, con là tiếng cằn nhằn, gắt gỏng của người vợ giục con trai đi ngủ sớm. Cậu bé mè nheo nhưng rồi cũng phải nghe theo lời mẹ, tắt điện thoại. Sau tiếng rụp khô khốc, Y Cer Êban cảm thấy hẫng hụt…

Tiếng khóc của đứa cháu nhỏ, con trai của cô em gái ở căn phòng ngủ liền kề kéo Y Cer Êban trở lại với thực tại. Y Cer Êban bồi hồi nhớ lại những lúc gia đình quây quần bên mâm cơm, sau một ngày làm việc vất vả trên rẫy… Niềm hạnh phúc tưởng chừng giản dị ấy giờ với anh có lẽ là điều xa xỉ. Nhiều tháng qua, Y Cer Êban chỉ biết gửi nỗi nhớ nhung đến vợ và các con qua chiếc điện thoại.

Nhưng những cuộc nói chuyện ngắn ngủi và hiếm hoi giữa Y Cer Êban với vợ và các con ngày càng thưa dần. Năm 2013, Y Cer Êban lấy vợ và theo phong tục của địa phương, anh ta về sinh sống tại gia đình bên vợ ở xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Với hơn 8 sào ruộng, 500m đất vườn lại cần cù chăm chỉ, cuộc sống của vợ chồng Y Cer Êban là niềm mơ ước của không ít gia đình. Khoảng đầu năm 2019, chẳng biết nghe ai xui khiến, vợ Y Cer Êban rỉ tai nói với chồng ý định sang Thái Lan sinh sống.

Y Cer Êban chẳng biết Thái Lan như thế nào nhưng theo lời vợ nói thì sang bên đó sẽ có cuộc sống sung sướng, không phải làm cũng có ăn, con cái được đến trường, được chữa bệnh miễn phí… Tin vào những lời hứa viển vông đó, Y Cer Êban đã đồng ý cùng vợ và các con trốn sang Thái Lan. Khi cả gia đình Y Cer Êban dắt díu nhau bỏ đi, những người thân trong gia đình không ai hay.

“Sang đến Thái Lan, tôi và vợ, con thực sự vỡ mộng. Cuộc sống ở đây không như những gì vợ tôi đã được các đối tượng nói trước đó. Cả gia đình phải sống trong một căn nhà bằng gỗ được thuê với giá khoảng 3.200 bạt (tương đương với khoảng 2 triệu đồng); điều kiện sống vô cùng thiếu thốn…”, Y Cer Êban cho biết.

Vì sao Y Cer Êban muốn trở về quê hương, trả lời câu hỏi của tôi, Y Cer Êban chia sẻ: “Chỗ ở không có, công việc cũng không có, đủ thứ chuyện, mình không nói được tiếng Thái cho nên mong muốn được về Việt Nam...”. Sau những chuỗi ngày sống không có tương lai, Y Cer Êban bàn với vợ về nước. Song ngặt vì số tiền mang theo không còn đủ để trả cho các đối tượng đưa, dẫn nên hai vợ chồng bàn bạc với nhau để Y Cer Êban về trước, sau đó gửi tiền để vợ và con về sau.

“Trốn sang Thái Lan không dễ dàng, chúng tôi phải trốn chui, trốn lủi nhưng khi muốn trở về quê nhà cũng không dễ. Nếu không có tiền thì không thể về được. Trong khi đó, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với các đối tượng đưa, dẫn trước đó. Trường hợp có liên lạc được thì các đối tượng cũng không bao giờ đồng ý đưa chúng tôi về nước vì lo sợ rằng việc đưa người ra nước ngoài sẽ bị chính những người trong cuộc như chúng tôi vạch trần…”, Y Cer Êban cho biết. Theo lời của Y Cer Êban, sau một thời gian tìm kiếm, anh cũng tìm được một đường dây đưa người về nước nhưng ngặt nỗi cái giá đưa ra rất đắt đỏ. Lần này, Y Cer Êban phải trả số tiền là 25 triệu đồng…

Cũng vì nghe luận điệu tuyên truyền về "một cuộc sống sung sướng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn", 6 người đàn ông ở tại làng Thoong Nha, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cũng bỏ quê hương sang Thái Lan. Nhưng chỉ sau một thời gian sống tạm bợ nơi đất khách quê người, giữa tháng 5/2023, họ đã tìm về nước và đang được lực lượng Công an và chính quyền địa phương giúp đỡ.

Hek, một trong 6 người đàn ông nhớ lại: Khoảng đầu năm 2023, người đàn ông tên Hùng nói với Hek và 5 người đàn ông trong xã về việc sang Thái Lan rồi được đưa sang Mỹ sinh sống. Theo lời của Hùng thì sang đến đó, họ không phải làm việc mà vẫn có ăn, có nhà lầu, xe hơi. Trong số 6 người cùng đi lần đó thì Hek là người có kinh tế khá giả nhất; các trường hợp còn lại, có người phải bán hết nông sản dự trữ để trả tiền công cho đối tượng đưa dẫn với số tiền là 20 triệu đồng/người. Đúng ngày hẹn, tất cả được đưa lên xe ôtô rồi vượt biên trái phép sang Thái Lan.

 “Khi sang đến nơi, chúng tôi mới biết bị các đối tượng lừa”, Hek nói. 6 người đàn ông thuê một căn phòng trọ chật chội làm nơi ăn, ở và sinh hoạt hằng ngày. Không công ăn việc làm, trong khi vẫn phải trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày nên số tiền họ mang theo ngày một vơi đi. Để tiết kiệm chi phí, những bữa ăn của họ chủ yếu là cơm trắng với rau… thịt thì hầu như không có.

“Đói bụng, đầu gối phải bò”, thời gian sau đó, 3/6 người đã phải ra bên ngoài tìm việc làm với hy vọng chờ đợi cơ hội sang nước thứ ba. Trong thời gian lang bạt kiếm sống nơi đất khách, quê người, họ mới biết rằng có những người Việt đã chờ đợi nhiều năm vẫn chưa được phỏng vấn để đi sang nước thứ 3. “Khi gà chưa gáy sáng, chúng tôi đã rời khỏi nhà rồi trở về lúc tối mịt. Chủ sử dụng lao động biết được thế yếu của chúng tôi nên thoả sức đặt ra các yêu cầu và quy định. Họ muốn trả lương bao nhiêu thì trả, còn chúng tôi thì không có quyền được đòi hỏi…” - một trong 6 người đàn ông bức xúc chia sẻ.

Hãy sớm tỉnh ngộ

Khoảng 13h ngày 10/1, qua rà soát, kiểm tra, Công an tỉnh An Giang phát hiện Vàng Thị Mai (SN 1991) cùng em gái là Vàng Thị Ngoan (SN 2006) và hai con là Vàng A Văn (SN 2011) và  Vàng Quang Huy (SN 2007, cùng cư trú tại tỉnh Đắk Lắk), nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Đối tượng cùng tang vật được đưa về Công an phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Những lời khai của Mai tại cơ quan Công an đã phần nào khắc hoạ được cuộc sống của những người từng nhẹ dạ, cả tin để ra đi tìm miền đất hứa. Mai kể, khoảng năm 2014, một người thân trong gia đình Mai không may qua đời. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, nguyên nhân cái chết cũng được cơ quan chức năng thông báo. Song Mai và một số người thân trong gia đình lại không thoả mãn với kết quả được thông báo.

Sau đó, phần do bức xúc, phần khác lại hạn chế về nhận thức, Mai đã chia sẻ những suy nghĩ cá nhân lên mạng xã hội facebook. Trong lúc này, có một người đàn ông chủ động liên lạc, trao đổi với Mai. Qua nhiều lần nói chuyện, người đàn ông dụ dỗ, lôi kéo Mai và những người thân trong gia đình sang Thái Lan để đòi lại công bằng cho người thân của chị rồi sẽ đưa sang Canada sinh sống.

 Khi đó, cả gia đình 8 người gồm cha mẹ, các em và con của Mai đã đồng ý sang Thái Lan với chi phí là 100 triệu đồng. Năm 2017, đối tượng đã hướng dẫn gia đình Mai đi đường bộ từ Đắk Lắk đến Thái Lan. Vậy nhưng, khi đến Thái Lan, đối tượng đã không thực hiện lời hứa. Lúc họ biết mình bị lừa thì mọi việc đã quá muộn. Trong những ngày sau đó, Mai và những người thân trong gia đình phải kiếm sống bằng nghề thu, lượm phế liệu…

Sau gần 2 năm lưu lạc nơi đất khách, Mai sinh thêm hai bé trai. Viễn cảnh sụp đổ, con và người em trai của Mai về nước, rồi đến cơ quan Công an trình báo. Ngày 9/1, Mai cùng em ruột và 2 con được một đối tượng đưa từ Thái Lan về Việt Nam theo đường bộ. Khi cả nhóm đến khu vực biên giới Campuchia và Việt Nam thì bị phát hiện. 

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phan Thanh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Các trường hợp trốn sang Thái Lan hầu hết phải bán hết tài sản mới đủ chi trả cho số đối tượng dẫn đường, đối tượng tổ chức trốn đi ra nước ngoài (trung bình từ 20-25 triệu đồng/ trường hợp).

Đa số đồng bào DTTS trốn đi nước ngoài đều vì nghe lời dụ dỗ về cuộc sống sung sướng, họ đi vì “bức tranh” về lợi ích kinh tế mà các đối tượng "vẽ ra" và mong muốn sẽ được đi nước thứ 3 định cư; một số khác vì muốn được đoàn tụ với người thân đang trốn ở nước ngoài. Chỉ một số ít là những trường hợp từng tham gia hoạt động FULRO, “Tin lành Đề ga” bị tác động, lôi kéo, dụ dỗ sang Thái Lan để tham gia các tổ chức phản động…

Cũng với luận điệu cũ, các đối tượng FULRO đang sinh sống tại Thái Lan và Mỹ tiếp tục lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, phô trương thanh thế và đưa ra những hình ảnh về cuộc sống ở nước ngoài… để tuyên truyền, dụ dỗ người đi sang Thái Lan, sau đó sang nước thứ 3, trong đó chúng hướng dẫn các trường hợp đặt tour du lịch sang Thái Lan theo đường công khai, hợp pháp để trốn ở lại. Trên thực tế, chẳng ở đâu “không làm mà cũng có ăn”.

Các đối tượng đã lợi dụng chủ trương của UNHCR hứa sẽ can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ những người hiện đang gặp khó khăn về vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo; sự can thiệp của các tổ chức phản động, các tổ chức quốc tế, trong đó có BPSOS, FULRO lưu vong, cùng với nhu cầu tìm kiếm cuộc sống giàu sang nơi xứ người để tuyên truyền, lôi kéo người DTTS tham gia hoạt động vượt biên.

Xuân Mai - Nguyễn Quỳnh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文