Phụ huynh trường Quốc tế Montessori kêu cứu vì mất trắng tiền học phí

06:41 10/11/2022

Trường huỷ bỏ cam kết dạy bù cho học sinh, loanh quanh chuyện hứa sẽ hoàn trả học phí cho phụ huynh. Đáng lo hơn, không được học một ngày nào của năm học nên học sinh cũng không có học bạ lớp 1.

Những lý do này khiến mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường ngày càng gia tăng, cơ quan Công an địa phương cũng đã phải vào cuộc. Sự việc xảy ra tại trường Mầm non Montessori (số 42/1, đường Ngô Quang Huy, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Đóng gần 400 triệu đồng tiền học phí nhưng con không được học buổi nào

Chị Nguyễn Thị Thuỳ Dương (ngụ tại Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã tin tưởng gửi gắm con trai là cháu Huỳnh Quang Minh vào học tại trường Mầm non Quốc tế Montessori. Cháu Minh đã theo học chương trình Mẫu giáo tại đây suốt 5 năm và chuẩn bị vào học tiếp chương trình Tiểu học theo gợi ý của nhà trường. Chị Dương đã đóng học phí năm học 2021-2022 chương trình lớp 1 cho nhà trường là 376.200.000 đồng, theo 3 đợt (tháng 3, tháng 6 và tháng 7/2021).

Chị Thùy Dương trình bày bức xúc với PV Báo CAND.

COVID-19 xảy ra, trường chuyển sang dạy online. Là một giáo viên nên chị hiểu rất rõ chương trình Montessori sẽ không thể thực hiện được nếu học online. Lo ngại không đảm bảo chất lượng của chương trình nên chị không muốn con học online và đề nghị nhà trường dạy bù lại cho con trai khi hết dịch, không yêu cầu rút học phí. Cô Hiệu trưởng là Hoàng Thị Anh Minh đã đồng ý sẽ cho con trai chị học bù.

Yên tâm, trong suốt thời gian TP Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách từ tháng 7/2021, chị vẫn cho cháu ở nhà. Đầu năm 2022, nhà trường thông báo lớp 1 bắt đầu vào học, đồng thời cho biết do vẫn còn ảnh hưởng của COVID nên trường tiếp tục học online. Do con trai bị phản ứng vaccine giảm tiểu cầu xuất huyết nên chị Dương chưa thể cho con đến lớp. Hiệu trưởng Minh chủ động đề nghị cho con chị tiếp tục nghỉ, nhưng không thông báo gì về việc nhà trường sẽ hủy tiền học phí đóng trước đó.

Trên cơ sở đã thống nhất với nhà trường về việc học bù, chị Dương yên tâm để cháu nghỉ ở nhà, không tham gia buổi học nào trong năm học 2021-2022.

Tới đầu tháng 5/2022, chị liên hệ với nhà trường thì mới “ngã ngửa” vì nhà trường từ chối và yêu cầu phải đóng học phí mới cho năm học 2022-2023. Còn số tiền học phí đã đóng cho năm học 2021-2022 nhà trường huỷ bỏ. Con không được học một ngày nào, gần 400 triệu học phí bị huỷ bỏ, một điều rất vô lý nên chị Dương đã trao đổi nhiều lần với nhà trường, mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng gia tăng. “Tôi đề nghị trường hoàn trả toàn bộ số tiền học phí tôi đã đóng của năm học 2021-2022 để gia đình tôi chuyển cháu sang trường khác. Tuy nhiên nhà trường đã từ chối hoàn trả cho tôi”. Chị Dương bức xúc.

Chị Dương cũng lý giải, chị đã tham gia một khoá tập huấn về mô hình giáo dục Montessori và hiểu rằng, không thể dạy hình thức online được. Trong đó, chương trình Mầm non Montessori (3-6 tuổi) học chung 1 lớp. Còn mô hình Tiểu học tại đây nhận trẻ từ 6 tuổi (lớp 1) tới lớp 6 (12 tuổi) đều học chung trong một lớp, được mở từ đầu 2022.

Phụ huynh mất niềm tin, khiếu nại kéo dài

 “Ngày đầu khi đưa con tới trường, cô Minh giới thiệu một giáo viên người nước ngoài nói là con tôi được học với người này nên gia đình tôi rất mừng vì con sẽ giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi được biết, giáo viên người nước ngoài này đã về nước. Bất ngờ hơn khi được biết chương trình Tiểu học Montessori mà nhà trường đang quảng bá thu hút học sinh vào học thực chất là chưa có giấy phép, cơ sở mới chỉ có giấy phép dạy Mầm non. Nếu cho con theo học, ai sẽ là nơi cấp xác nhận cho con mình”. Chị Dương nói.

Sau những phản đối không đồng ý với cách giải quyết của nhà trường, chị Dương tìm cách liên hệ nhưng dù gọi điện, nhắn tin nhiều lần cô Anh Minh vẫn không phản hồi. Chị Dương tìm cách lên trang web của trường viết vài dòng cảm thán! Lúc này, nhà trường gọi chị lên đề nghị hoàn lại 100% tiền ăn trưa và 90% tiền học phí (thời gian dạy online từ 17/8/2021 – 13/2/2022) với số tiền khoảng 200.000.000 đồng. Nhưng sau đó lại thoái lui không trả.

Quá bức xúc, gia đình chị nhờ Công an phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) can thiệp hỗ trợ. Từ 14/9/2022 – 29/9/2022, Công an phường Thảo Điền đứng ra hoà giải. Gia đình chị đồng ý chia sẻ với nhà trường 1 phần tiền do dịch COVID-19. Nhà trường đồng ý hoàn trả 314.772.973 đồng.

Nhà trường có hai lần hẹn (ngày 19/10 và 25/10/2022), nhưng cả 2 lần nhà trường đều đưa ra một văn bản, yêu cầu chị phải ký và thừa nhận, rằng chị đã viết “bêu riếu, nói xấu nhà trường”… trên trang web của nhà trường thì trường mới trả lại tiền.

Chị nói: “Con tôi gắn bó với trường từ khi nó mới 18 tháng tuổi tới khi 6 tuổi nên tôi không bao giờ có hành vi bêu riếu nhà trường. Trang web chỉ thể hiện vài dòng buồn bực vì mất niềm tin vào nhà trường thôi nhưng lại bị kết tội nói xấu, xuyên tạc về nhà trường”.

Cũng theo chị Dương, có khoảng 9 phụ huynh khác cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Sau đó, 6 phụ huynh là người nước ngoài đã cho con về nước, 3 phụ huynh Việt Nam cho con chuyển trường, trong đó có chị. Chỉ duy nhất 1 phụ huynh cố cho con ở lại trường học Mẫu giáo cho hết tiền thì nghỉ.

PV Báo CAND đã liên lạc với bà Anh Minh vào ngày 31/10/2022 và vị chủ trường này cho biết, nhà trường không có thói quen gặp trực tiếp PV. Mọi câu hỏi phải gửi về địa chỉ hotline của trường. Tuy nhiên, dù PV đã thực hiện đúng yêu cầu này của bà Anh Minh, đồng thời sau đó có liên lạc gọi điện, nhắn tin, cô Anh Minh đều im lặng.

Chị Thuỳ Dương bức xúc: “Tôi bức xúc lên trang web của trường để viết vài dòng. Ngay sau đó nhà trường có động thái xin trả lại tiền học phí nhưng thực sự là vẫn vòng vo, xoay chúng tôi như chong chóng. Lại bắt ép tôi phải nhận việc mình không làm thì mới trả tiền. Nhà trường đã phá tan niềm tin mà gia đình tôi và nhiều phụ huynh khác đã gửi gắm trong suốt nhiều năm qua. Nhà trường thu học phí năm học 2021-2022 và không hoàn lại, cũng không cho học bù như đã cam kết là hành vi lợi dụng sự tín nhiệm của chúng tôi chiếm đoạt số tiền học phí nói trên”.

Huyền Nga

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文