Quảng Ngãi làm rõ nhiều đối tượng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết vừa khởi tố đối tượng Trần Thị Kiều Duyên (SN 1992, trú xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) về hành vi "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Trước đó, vào cuối năm 2014, Duyên mua Bằng tốt nghiệp cao đẳng và bảng điểm học tập toàn khóa chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng mang tên Trần Thị Kiều Duyên từ người làm bằng giả theo tin nhắn điện thoại quảng cáo. Nhờ văn bằng giả này, Duyên đã được nhận vào làm việc tại UBND xã và tiếp tục sử dụng bằng giả trên để trúng tuyển vào kỳ thi tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi.
Ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), khi cơ quan Công an vào cuộc, nhiều người bất ngờ khi được biết người đứng tên phòng khám nha khoa Phúc Anh lại dùng bằng giả.
Cụ thể, hai anh em ruột Nguyễn Thanh Lâm (SN 1986) và Nguyễn Thái Dương (SN 1990, ở xã Phổ An, thị xã Đức Phổ) đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh điều tra làm rõ hành vi "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Trước đó, các đối tượng này đã mua các tài liệu giả như bằng tốt nghiệp của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, giấy xác nhận quá trình thực hành tại cơ sở y tế... để nộp hồ sơ đề nghị và đã được Sở Y tế tỉnh cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, Cơ quan điều tra đã triệt phá nhiều ổ, nhóm sản xuất, mua bán giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả với quy mô lớn, góp phần ngăn chặn hiệu quả với loại tội phạm này. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng làm giả tài liệu, con dấu ngày càng tinh vi, xảo quyệt; sử dụng kỹ thuật vi tính, con dấu giả, chất liệu in sao như thật nên khó bị phát hiện.
Bên cạnh đó, việc mua bán giấy tờ giả được thực hiện chủ yếu qua mạng xã hội, không có địa chỉ cụ thể, thông qua nhiều khâu trung gian nên gây khó khăn cho Cơ quan điều tra. Đại úy Nguyễn Cao Kỳ, Đội trưởng Đội Điều tra án - Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc những người không học, không có kiến thức lọt vào cơ quan doanh nghiệp, nhà nước, không có chuyên môn, trình độ sẽ làm thay đổi bản chất công việc, cách nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, cơ quan đơn vị tuyển dụng, từ đó dẫn đến không đảm bảo yêu cầu đề ra.
"Những người sử dụng bằng giả dùng vào mục đích cá nhân để lừa dối cơ quan tổ chức khi xin việc làm hay sử dụng vào mục đích khác sẽ bị xử lý nghiêm", Đại úy Nguyễn Cao Kỳ khuyến cáo. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, theo Đại úy Nguyễn Cao Kỳ, mỗi công dân cần nâng cao ý thức đấu tranh với loại tội phạm này. Các đơn vị tuyển dụng cũng cần nâng cao trách nhiệm, có quy định cũng như cần xác minh chặt chẽ trong khâu tuyển chọn cán bộ viên chức. Có như vậy, tình trạng làm giả giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ mới bị loại bỏ.