Sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của Công an các đơn vị, địa phương (bài 3)
Từ những chuyên án "mở màn", đấu tranh với sai phạm, tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm đạt nhiều kết quả tích cực của Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Đồng Tháp..., được thực hiện bài bản từ công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm của lực lượng CSGT, phát hiện các phương tiện không bảo đảm an toàn nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn, lựa chọn "khâu đột phá" để tổ chức đấu tranh đạt kết quả, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo mở rộng vụ án ra các địa phương trên cả nước.
Qua đó, nhận diện rõ bức tranh sai phạm, tiêu cực trong đăng kiểm và phát hiện nhiều "lỗ hổng" trong lĩnh vực này.
"Trên - dưới đồng lòng, dọc - ngang thông suốt"
Đấu tranh chuyên án trong lĩnh vực đăng kiểm là chưa từng có tiền lệ, đấu tranh trên diện rộng, với nhiều đối tượng, ở nhiều địa phương và các đối tượng câu kết, móc nối "từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài", với phương thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao... Nhưng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc và điều phối hệ lực lượng trên toàn quốc đấu tranh với các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm; tổng hợp và đề xuất giải pháp để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình Công an các địa phương đấu tranh, xử lý.
"Có thể đánh giá, đây là những sai phạm, tiêu cực có tính chất hệ thống, câu kết chặt chẽ, với quy mô lớn, diễn ra phổ biến, trong thời gian dài, có dáng dấp của tội phạm có tổ chức, tham nhũng tập thể, gây hậu quả nghiêm trọng", Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu chia sẻ.
Theo đồng chí, áp lực nhất là trong 2 tháng đầu tiên, với nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, điều phối được lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng phân công, đơn vị đã phối hợp Văn phòng Bộ Công an tổ chức các cuộc Hội ý nghiệp vụ. Song song với đó, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu liên tục hướng dẫn, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; hằng tuần tổ chức giao ban, trao đổi với Công an các địa phương nhằm nắm bắt thông tin kịp thời để có hướng dẫn đúng, trúng và sát với thực tiễn.
"Trong các chuyên án, ngoài lực lượng trực tiếp chiến đấu thì vai trò của người đứng đầu, Giám đốc Công an các địa phương rất quan trọng, không quản ngày, đêm theo sát các vụ án, thường xuyên, liên tục báo cáo xin ý kiến cấp trên để kịp thời xử lý các tình huống, vấn đề phát sinh, bảo đảm "không làm oan người ngay, không bỏ lọt tội phạm", phá án đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, pháp luật, cũng như thể hiện sự nhân văn, khoan hồng với các đối tượng khai báo thành khẩn, tự nguyện cung cấp các tài liệu, chứng cứ quan trọng phục vụ công tác điều tra...", lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin thêm.
Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nhận diện, phát hiện và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh và điều tra có hiệu quả hành vi sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, được quần chúng nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả điều tra cho thấy, sai phạm không chỉ diễn ra trong quá trình kiểm định xe ôtô mà còn ở quá trình cải tạo phương tiện cơ giới (hơn 30.000 phương tiện) và kiểm định, cải tạo các phương tiện thuỷ nội địa trên toàn quốc. Quá trình tổ chức điều tra luôn đảm bảo việc phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an địa phương trên tinh thần "trên - dưới đồng lòng, dọc - ngang thông suốt".
Điển hình, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện sai phạm tại 10 trung tâm đăng kiểm ở các huyện: Thanh Oai, Sơn Tây, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm. Các trung tâm này trong quá trình kiểm tra chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm để nhận hối lộ số tiền từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/phương tiện; tổng số tiền mỗi trung tâm thu về khoảng 2 tỷ đồng.
Riêng Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2906V tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội nhận hối lộ 4 tỷ đồng; hai Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 3301S (quận Hà Đông, TP Hà Nội) và 3302S (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), đều của Giám đốc Từ Minh Tuấn nhận hối lộ khoảng 10 tỷ đồng. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá, đây là những sai phạm, tiêu cực có tính hệ thống và đã xảy ra trong một thời gian dài, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, tiêu cực trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại phương tiện cơ giới. Các hành vi sai phạm chủ yếu là nhận hối lộ và giả mạo trong công tác...
Quá trình đấu tranh với sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm thủy nội địa, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ghi dấu ấn khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 đối tượng, trong đó có Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Chi cục đăng kiểm số 11 và 3 đăng kiểm viên về hành vi nhận hối lộ, dù các đối tượng đã tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Tháng 10/2021, khi vừa nhận công tác, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà yêu cầu các Chi cục hằng tháng phải chuyển cho mình một khoản tiền, do đó Chi cục lập quỹ ngoài (không thuộc hệ thống sổ sách theo quy định). Để có quỹ ngoài này, Nguyễn Trung Hải đã chỉ đạo các đăng kiểm viên thu của các chủ phương tiện thủy nội địa đến đăng kiểm số tiền từ 100-500 nghìn đồng/phương tiện.
Tháng 1/2023, nghe tin Đặng Việt Hà bị bắt vì tội "Nhận hối lộ", Hải đã triệu tập họp gấp bàn phương án xử lý, giao thủ quỹ và kế toán phi tang tài liệu, tiêu hủy chứng cứ... Đứng trước những khó khăn, cản trở hoạt động điều tra như vậy, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Thái Bình đã căn cứ tài liệu trinh sát, các dữ liệu phục hồi, sai phạm trong việc hạch toán, thu chi tài chính của các đối tượng thủ quỹ, kế toán và sử dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với các đối tượng khác, từ đó tháo gỡ những "nút thắt" trong vụ án...
Những "lỗ hổng" bất cập - Có hay không "tham nhũng chính sách"?
Theo thống kê của Bộ Công an, giai đoạn 2018 - 2022, số lượng trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc có hiện tượng gia tăng ồ ạt từ 172 trung tâm lên 280 trung tâm (tăng 108 trung tâm, tương đương 63%). Mặc dù gia tăng với số lượng lớn, nhưng việc phân bố vị trí các trung tâm không theo quy hoạch và phù hợp với nhu cầu gia tăng số lượng xe đăng kiểm tại từng vùng, từng địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cạnh tranh rất lớn giữa các trung tâm đăng kiểm; nhiều trung tâm để thu hút khách hàng, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận đã vi phạm pháp luật, bỏ qua lỗi của phương tiện, vi phạm về cấp giấy chứng nhận kiểm định...
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 16 ngày 12/8/2021 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động kiểm định của các trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, trách nhiệm trên chưa được quy định cụ thể, dẫn đến công tác giám sát vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức; có phát hiện được các hành vi vi phạm nhưng chỉ mới dừng ở mức độ xử lý hành chính (đình chỉ hoạt động của trung tâm, đăng kiểm viên), chưa chỉ rõ, có hay không tham nhũng, tiêu cực, chưa có biện pháp xử lý răn đe, dẫn đến vi phạm xảy ra trong thời gian dài.
Thêm vào đó, Nghị định số 139 ngày 8/10/2018 của Chính phủ chưa quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ của vị trí quản lý của trung tâm đăng kiểm. Dẫn đến thực tế, tại một số trung tâm đăng kiểm, Giám đốc quản lý có trình độ thấp, không đảm bảo vai trò, chức năng quản lý, như ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh chỉ học đến lớp 3, không biết chữ, không biết đọc, viết... Ngoài ra, cơ sở dữ liệu kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm hiện nay đều đã được tạo lập từ rất lâu (khoảng năm 2003 trở về trước), không đáp ứng yêu cầu về an toàn bảo mật; việc quản lý, lưu trữ dữ liệu mới chỉ đang thực hiện cục bộ tại trung tâm đăng kiểm, chưa đồng bộ theo hình thức trực tuyến. Các đối tượng có thể lợi dụng kẽ hở trên để can thiệp, tác động, chỉnh sửa thông số kỹ thuật nhằm mục đích thay đổi kết quả kiểm định xe cơ giới từ không đạt thành đạt để trục lợi.
Về quy trình kiểm định xe cơ giới, đối với các hạng mục kiểm tra thủ công bằng tay, bằng mắt (kiểm tra khung gầm, đèn, đo đạc kích thước...), theo quy định hiện hành tại Thông tư số 16 ngày 12/8/2021 của Bộ GTVT, chưa có quy định về việc lưu giữ hình ảnh để chứng minh kết quả kiểm định mà chỉ dựa trên đánh giá cảm quan của đăng kiểm viên, dẫn đến đăng kiểm viên lợi dụng để không tiến hành kiểm tra hoặc kết quả kiểm tra không đúng với thực tế để bỏ qua lỗi của phương tiện.
Một bất cập nữa là trong công tác quản lý, tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa là đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định, vừa thực hiện công tác kiểm tra, giám sát (ngoài chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động đăng kiểm trên toàn quốc, Cục Đăng kiểm Việt Nam còn đang quản lý trực tiếp 20 trung tâm đăng kiểm khối V). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tiêu cực; buông lỏng quản lý; có sự bàn bạc, thống nhất giữa các cá nhân tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cá nhân tại Trung tâm đăng kiểm khối V để bỏ qua các lỗi của phương tiện đăng kiểm nhằm mục đích trục lợi.
Sau khi hàng loạt vụ án bị phát hiện, điều tra, khởi tố, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo nhiều giải pháp chấn chỉnh lĩnh vực đăng kiểm, sửa đổi một số quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn, mang nhiều thuận lợi cho người dân, như: chỉ đạo rà soát các quy trình nghiệp vụ về công tác đăng kiểm; tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức; khẩn trương xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ... Song, dư luận đặt câu hỏi, nếu không có các vụ án thì liệu có sự đổi mới này không? Có hay không việc cố ý cài cắm lợi ích cục bộ, "tham nhũng chính sách"? Đây là vấn đề thiết nghĩ cần có sự rà soát, chung tay của các ngành, lĩnh vực, mạnh dạn đổi mới, vì sự phát triển của đất nước.
(Còn nữa)