Tài khoản "bốc hơi" vì tin người trên... Facebook!
Lợi dụng sự mất cảnh giác của nhiều người khi sử dụng mạng xã hội (MXH), các đối tượng đã dùng thủ đoạn hack mật khẩu, chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, Zalo để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet. Dù các thủ đoạn này không mới và đã được cơ quan Công an cảnh báo nhiều lần, nhưng nhiều người vì nhẹ dạ, cả tin nên sập… “bẫy lừa”.
Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PCTPSDCNC) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế và Công an các đơn vị, địa phương đã liên tiếp điều tra, làm rõ nhiều vụ án, chuyên án, qua đó bắt giữ các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.
Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, chúng thường lập tài khoản Facebook ảo để kết bạn, làm quen, sau đó gửi đường link để yêu cầu bị hại truy cập vào nhằm chiếm đoạt tài khoản hòng giăng bẫy lừa chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, các đối tượng còn hack tài khoản người dùng MXH ở nước ngoài để chiếm quyền truy cập, sau đó sử dụng tài khoản này nhắn tin cho người thân của chủ tài khoản ở Việt Nam để nhờ chuyển tiền qua tài khoản.
Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng An ninh mạng và PCTPSDCNC Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến phần lớn là người lớn tuổi hoặc ít am hiểu công nghệ thông tin nên với những thủ đoạn tinh vi như trên thì rất dễ “sập bẫy” lừa đảo.
Để tránh sự truy vết, phát hiện của cơ quan Công an, các đối tượng khi thực hiện hành vi lừa đảo hoặc các giao dịch thường không sử dụng máy tính cá nhân, đặc biệt chúng lợi dụng các sàn giao dịch điện tử để hợp pháp hóa số tiền chiếm đoạt. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã nỗ lực điều tra và bắt giữ các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cách đây không lâu, Phòng An ninh mạng và PCTPSDCNC Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với Cục An ninh mạng và PCTPSDCNC (Bộ Công an) cùng các đơn vị phá thành công chuyên án lừa đảo công nghệ cao với thủ đoạn hết sức tinh vi, qua đó bắt giữ Lê Minh Hướng (SN 2000); Hoàng Như Linh (SN 1988) và Đoàn Quang Đăng (SN 1993, cùng trú tại tỉnh Quảng Trị).
Qua điều tra, cơ quan Công an làm rõ, Hướng mua trên mạng internet của một người không quen biết một đường link có tên miền “htt://biettaitihon12020.wixsite.com” chứa giao diện website giống như chương trình truyền hình “Biệt tài tí hon” đã phát sóng trên các kênh truyền hình. Sau đó, Hướng tải đường link này lên các chương trình có lượng người xem nhiều với mục đích để người bị hại dễ dàng bị cuốn hút.
Khi có người đăng nhập vào giao diện giả, điền đầy đủ thông tin cá nhân vào đường link này và bấm nút bình chọn thì các thông tin đó sẽ được chuyển vào mục trang website có đường dẫn “http:// notepad.pw/ginblack 24” do Hướng tự tạo để lưu giữ tài khoản và mật khẩu.
Sau khi chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, Hướng thay đổi mật khẩu, xóa các thông tin xác thực của chủ tài khoản rồi nghiên cứu và khai thác thông tin về mối quan hệ của chủ tài khoản với các tài khoản Facebook khác. Tiếp đó, đối tượng nhắn tin, liên lạc với người thân chủ tài khoản để mượn tiền và chiếm đoạt.
Trong số các nạn nhân bị “sập bẫy”, có trường hợp ông Vương Thúy Ứng, đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức. Ông Ứng bị Hướng chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook “Ứng Vương” rồi nhắn tin đến tài khoản Facebook “TuocThuyVuong” của bà Vương Thúy Tước sống tại Hà Nội, là chị gái của ông Ứng để mượn tiền.
Do không biết bị lừa nên bà Tước đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản do Hướng cung cấp với tổng số tiền là 390 triệu đồng. Với thủ đoạn này, Hướng và các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hàng chục tỷ đồng của nhiều nạn nhân trong cả nước.
Hay mới đây, Phòng An ninh mạng và PCTPSDCNC đã bắt giữ Lê Thanh Phụng (SN 2003, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) khi đối tượng này thực hiện lừa đảo gần 8 tỷ đồng của nhiều người qua MXH. Phụng lập tài khoản Facebook ảo với tên “Tommy Le” rồi kết bạn làm quen với nhiều người.
Sau khi nhắm được “con mồi,” Phụng nhắn tin, gọi điện nói chuyện rồi ngỏ ý muốn chuyển tiền làm từ thiện, khi nạn nhân tin tưởng, Phụng gửi link đề nghị họ đăng nhập, cung cấp các thông tin cơ bản và yêu cầu nạn nhân thực hiện hủy Smart OTP trên điện thoại nhằm dễ dàng truy cập tài khoản để lấy trộm tiền.
Một trong số nạn nhân bị Phụng lừa đảo là bà Đ.T.T.H (trú ở TP Huế). Biết bà H thường đứng ra nhận quyên góp tiền ủng hộ từ nhiều nơi rồi chuyển đến cho những hoàn cảnh khó khăn nên Phụng nhắn tin muốn ủng hộ 23 triệu đồng. Sau đó, đối tượng gọi điện hối thúc bà H bấm vào một đường link để nhanh chóng nhận tiền ủng hộ và khi làm theo, số tiền 537 triệu đồng trong tài khoản của bà H liền “biến mất”.
Chiếm đoạt được số tiền lớn, đối tượng tiêu hủy toàn bộ sim, ĐTDĐ, tài khoản nội dung tin nhắn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và PCTPSDCNC xác định Phụng đang lẩn trốn tại tỉnh Gia Lai nên tiến hành bắt giữ.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn cho biết, sau khi nhận được đơn thư trình báo của người dân về việc bị các đối tượng giăng “bẫy lừa” chiếm đoạt tài sản qua MXH, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị nghiệp vụ tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ để bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng gây án.
Bên cạnh đó, để phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet, mạng viễn thông, người dân cần cẩn trọng, nêu cao tinh thần cảnh giác, tăng cường bảo mật thông tin cá nhân và không được chủ quan, mất cảnh giác khi sử dụng MXH. Trong trường hợp phát hiện các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần nhanh chóng trình báo cho cơ quan Công an để được kịp thời xử lý.