Tài sản dành dụm hàng chục năm "bốc hơi" trong chốc lát vì kinh doanh qua mạng
Ngày 21/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết vừa nhận được nhiều đơn trình báo của các nạn nhân tố giác các đối tượng lừa đảo qua mạng bằng hình thức chơi chứng khoán và nhận nhiệm vụ mua hàng online để chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Ông T. (ngụ quận 11, TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau hàng chục năm làm lụng vất vả, ông dành dụm được số tiền hơn 2 tỷ đồng nhưng chỉ trong phút chốc đã bị lừa qua mạng, mất sạch.
Ông T. nhận được số điện thoại 0938380… của một người phụ nữ tư vấn về thị trường chứng khoán quốc tế. Sau đó ông kết bạn qua Zalo với người này, có tài khoản là Đoàn Hậu. Đoàn Hậu giới thiệu mình là nhân viên Công ty TNHH Tư vấn quốc tế G.S có trụ sở đặt tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Sau khi kết bạn, người phụ nữ hẹn gặp ông T. tại một quán cà phê ở khu vực quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức).
Nghe người đẹp rủ chơi chứng khoán, sẽ hướng dẫn, ông T. liền gật đầu. Hai hôm sau, có một người đàn ông tự xưng tên Đức Trọng nói được Hậu giới thiệu để hướng dẫn ông chơi chứng khoán. "Anh cứ chơi vô tư, đánh càng lớn thắng càng nhiều. Nếu thua em sẽ chịu phân nửa" - Đức Trọng trấn an. Nghe bùi tai, ông T. nộp nhiều lần tiền tổng cộng 27.000USD để chơi thì "không may" bị thua sạch.
Sau đó có một người phụ nữ tự xưng tên Hà An gọi điện cho ông T. chia sẻ về chuyện ông bị thua chứng khoán và hứa sẽ giúp ông lấy lại số tiền 27.000USD. Đợi mãi không thấy, ông T. gọi hỏi thì Hà An bảo mình đang bị công ty khiển trách vì dám thông đồng với ông T. để rút 27.000USD. Tuy nhiên, vì ông T. mới chơi lần đầu nên ban lãnh đạo sẽ thông cảm cho ông T. rút tiền nhưng phải nộp vào 10.000USD để làm "tài sản đảm bảo".
Tin lời, ông T. tiếp tục làm theo rồi chờ đợi nhưng vẫn không rút được tiền. Ông T. hỏi Hà An thì người này nại nhiều lý do và tiếp tục yêu cầu ông T. nộp vào 60.000USD nữa thì sau đó rút hết tất cả số tiền mà ông đã nộp vào tài khoản. Vì sợ mất hết số tiền đã nộp nên ông T. tiếp tục nộp 60.000USD rồi lại chờ trong vô vọng.
Ông T. lại gọi hỏi Hà An thì Hà An bảo đây là hệ thống giao dịch tự động nên Hà An không thể can thiệp vào. Hà An giới thiệu với ông T. một người tên Vinh, tự xưng là quản lý công ty sẽ giúp ông T. lấy được tiền. Tuy nhiên, muốn vậy ông T. phải nộp 10 triệu đồng để làm chi phí thẩm định rồi sẽ cho ông T. rút lại từ từ số tiền đã nộp.
Để làm tin, Vinh chụp hình ảnh các lệnh chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán của ông T. với tổng số tiền 230 triệu đồng. Ông T. nghi ngờ nên đến ngân hàng để hỏi thì phía ngân hàng khẳng định không có ai chuyển tiền cho ông T. Bực mình ông T. đòi đến văn phòng công ty để làm việc thì các đối tượng tắt máy, chặn hết mọi liên lạc. "Tôi đã chuyển tổng cộng số tiền gần 2,4 tỷ đồng đến 2 số tài khoản của người có tên là T.T.H. Khi tôi đến địa chỉ mà các đối tượng cho thì đó chỉ là địa chỉ ma" - ông T. cho biết.
Bà L.H, có đơn trình báo, từ thông tin tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội, bà tham gia vào nóm "Nhóm phúc lợi tặng quà đặt biệt". Theo quy định của nhóm này, người chơi sẽ thực hiện nhiệm vụ mua hàng online liên tục đến hết chương trình mà trưởng nhóm đặt ra, không được nghỉ giữa chừng, khi hoàn thành sẽ được hưởng 30% hoa hồng trên tổng số tiền bỏ ra.
Sau khi mua hàng thành công, người chơi nộp tiền vào tài khoản mang tên Phan Chiến Thắng, rồi có trách nhiệm chụp thông tin chuyển tiền gửi về cho trưởng nhóm tên là Phan Thái là xong một nhiệm vụ. Sau khi phổ biến xong, Phan Thái bắt đầu thông báo cho các thành viên nhiệm vụ đầu tiền là mua một máy ép trái cây với giá 1,6 triệu đồng.
Nhiệm vụ thứ 2 là máy máy lọc nước trị giá 6,8 triệu đồng. Sau đó, cứ mỗi nhiệm vụ giá trị món hàng cao dần. Đến nhiệm vụ thứ 7 là mua ti vi 85 inch trị giá 265 triệu đồng. Đến lúc này tổng số tiền mà bà H. bỏ ra mua 7 sản phẩm đã hơn 813 triệu đồng mà nhiệm vụ thì vẫn chưa dừng lại. Bà H. thắc mắc thì trưởng nhóm Phan Thái cho rằng bà đã vi phạm nội qui và loại bà H. ra khỏi nhóm. Thế là bà H. mất sạch số tiền trên.