Xử lý trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 168 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 51 cơ sở chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, chủ yếu tập trung tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Tiên Phước, thị xã Điện Bàn…
Các cơ quan chức năng luôn tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo các trang trại lợn không xả thải gây ô nhiễm môi trường và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần ổn định ANTT địa phương.
Đơn cử, trang trại chăn nuôi tập trung của HTXNN Trúc Hà ở thôn Tân Đợi, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, nuôi khoảng 2.000 con lợn. Trong lứa lợn đầu tiên, trang trại này đã gây ô nhiễm môi trường và bị xử phạt 160 triệu đồng. Tìm hiểu được biết, do trang trại xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng trên 5m3/ngày, đêm đến dưới 50m3/ngày, đêm; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần…
Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại thì chăn nuôi lợn cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và hệ sinh thái tự nhiên. Năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã xử lý 5 vụ trang trại lợn vi phạm các quy định về BVMT, phạt tổng số tiền 579 triệu đồng.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan và Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi về BVMT, thực hiện cam kết không vi phạm. Bên cạnh đó, để BVMT trong lĩnh vực chăn nuôi tập trung, đơn vị cũng kiến nghị cơ quan chức năng trước khi cấp phép trong lĩnh vực chăn nuôi cần thẩm định kỹ các vấn đề liên quan đến môi trường.
Ngoài việc phải đảm bảo trong xử lý nước thải, chất thải thì cần quan tâm đến khoảng cách từ trại chăn nuôi tập trung đến khu dân cư, tránh trường hợp người dân xung quanh trại chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi các mùi hôi hoặc khi có sự cố về nước thải tràn ra môi trường.
“Thời gian tới, thông qua công tác nắm tình hình, công tác nghiệp vụ cơ bản và công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vi phạm, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ chủ động phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong lĩnh vực chăn nuôi để kịp thời nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất xử lý nghiêm theo quy định”, Thượng tá Lê Nho Tâm nói.