Xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc: Cạm bẫy và những hệ lụy

07:58 30/07/2022

Lợi dụng tình trạng người lao động đang cần tìm kiếm việc làm, kể cả lao động ở các vùng nông thôn hay ở thành phố, các đối tượng lừa đảo đã lập ra các trang tuyển dụng trên mạng xã hội như: Việc làm Campuchia; Hội người Việt ở Campuchia.

Với những lời dụ dỗ về mức lương “khủng”, có thể lên đến vài nghìn đô mỗi tháng, kèm theo đó là các chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh trái phép sang Campuchia để bán vào các sòng bạc, các cơ sở trá hình... Và trên thực tế đã có nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin bị sập bẫy.

Công an tỉnh Yên Bái làm việc với các trường hợp bị lừa xuất cảnh trái phép từ Campuchia về.

1. Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè, chúng tôi theo chân cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Yên Bái đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn C, trú ở xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Anh là người vừa được giải cứu từ đường dây lừa đảo người Việt xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động. Khi tiếp chuyện với chúng tôi, nhớ lại những gì đã trải qua trên nét mặt của nam thanh niên này vẫn còn hoang mang.

Anh C cho biết, vào khoảng tháng 5 năm 2022, anh được một người bạn tên là Nguyễn Văn H, trú cùng thôn giới thiệu về công việc bên Campuchia, việc làm nhàn hạ nhưng lương thì cao (từ 800 đến 1.000 USD/tháng). Do đang cần tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, anh đã nghe theo lời dụ dỗ của H, rồi khăn gói tìm đường sang Campuchia với mong muốn có được công việc nhẹ, lương cao.

Thế nhưng, khi đến nơi anh mới biết mình đã bị lừa. Tại đây, anh bị ép làm việc trong các sòng bạc trực tuyến hoặc hack Facebook của những người Việt Nam có tương tác cao. Sau khi hack Facebook sẽ đổi hình đại diện thành những cô gái trẻ đẹp và tìm những tài khoản Facebook tiềm năng để nói chuyện, “chăm sóc khách hàng” rồi mời đánh bạc trực tuyến. Nếu không mời được khách, không tuyển đủ chỉ tiêu người tham gia đánh bạc trực tuyến thì sẽ bị đánh đập, tra tấn bằng nhiều hình thức. Suốt thời gian làm việc, anh cùng các nạn nhân khác đều ở tại công ty, chỉ được ra ngoài khi bị đau ốm và sẽ có người giám sát.

“Lúc ở nhà thì nó bảo sang bên đấy làm game, công việc lành mạnh, chỉ ngồi làm việc trên máy tính nhưng tiền lương thì rất cao. Nhưng khi chúng tôi sang đến nơi mới biết là nó lừa người Việt Nam sang bên đấy để bán vào các sòng bạc... Mỗi tháng họ bắt các nạn nhân phải làm ra từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng doanh thu, nếu không làm được thì chúng tôi sẽ bị đánh đập, hành hạ dã man hoặc bị bán đi nơi khác, bán ra đảo khác...”, anh C cho biết thêm.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến nhà đôi vợ chồng trẻ Triệu Đức Tr và Vương Thị X, ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Do gia đình khó khăn, thu nhập không ổn định nên vợ chồng anh Tr muốn tìm kiếm một công việc có thu nhập ổn định để phụ giúp gia đình. Chính vì vậy, khi có người giới thiệu sang Campuchia có công việc ổn định, thu nhập cao, hai vợ chồng đã nghe và đi theo kẻ xấu vượt biên trái phép sang xứ người.

Những tưởng đến nơi sẽ có được công việc như mong muốn, tuy nhiên, khi sang đến nơi mới thực sự vỡ lẽ bởi công việc họ phải làm hoàn toàn không giống như những quảng cáo hay những viễn cảnh tươi đẹp mà các đối tượng đã “vẽ” ra. Tất cả chỉ là lừa đảo. Tại đây, họ bị ép lao động nặng nhọc, bị áp đặt doanh thu, nếu không đủ doanh số, người lao động sẽ phải đóng tiền phạt; thậm chí là bị giam lỏng, đánh đập và yêu cầu người nhà phải gửi tiền chuộc sang Campuchia mới để nạn nhân về Việt Nam.

“Sang bên đấy do công việc không như các đối tượng giới thiệu như khi còn ở Việt Nam, chúng tôi phải làm việc liên tục nhiều giờ trong một ngày nên rất áp lực. Khi không thể làm được, chúng tôi xin về thì chủ lao động bên đấy không cho về, nếu muốn về thì người nhà phải gửi hơn 240 triệu đồng tiền chuộc mới thả cả hai vợ chồng về Việt Nam. Nếu không có tiền chuộc thì họ sẽ bị bán chúng tôi ra đảo khác hoặc bị đánh đập, hành hạ”, chị Vương Thị X chia sẻ thêm.

Thượng tá Hoàng Kim Thanh, Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Yên Bái, cho biết: Trong thời gian gần đây, tình trạng công dân trện địa bàn tỉnh xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép có diễn biến phức tạp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 trường hợp bị lừa xuất cảnh sang Campuchia cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Đơn vị đã chủ động tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành các văn bản tuyên truyền cho bà con không đi lao động trái phép mà đi theo đường hợp pháp để đảm bảo tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.

2. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận nhiều trường hợp “sập bẫy” lừa đảo làm việc nhẹ lương cao tại Campuchia. Cụ thể, hơn một tháng trôi qua kể từ khi được giải cứu khỏi Campuchia, trên đôi tay của em P.H.N. (18 tuổi, trú thôn 4, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar) vẫn còn chằng chịt những vết sẹo do bị kẻ xấu chích điện khi không hoàn thành chỉ tiêu lao động. Cùng với nỗi đau về thể xác là nỗi ám ảnh về tinh thần những ngày lao động tại xứ người.

Theo lời em N. kể lại, vào đầu tháng 6/2022, trong khi lên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm thông tin việc làm thì có một tài khoản Facebook nhắn tin, giới thiệu đang cần người làm việc tại Campuchia. Theo lời giới thiệu của tài khoản này, lao động chỉ cần làm việc trên máy tính, ở văn phòng nhưng sẽ nhận được các chế độ tiền lương, phúc lợi hấp dẫn… Tin tưởng vào những dụ dỗ có “cánh” trên, ngày 2/6, theo sự hướng dẫn của đối tượng, em N. bắt xe khách vào tỉnh Đồng Nai, sau đó được một số đối tượng lạ mặt tiếp tục đưa xuống tỉnh Long An để xuất cảnh trái phép sang Campuchia và làm việc trong một công ty tại tỉnh Preah Sihanuok.

“Tại đây, công việc của em là lập các tài khoản Zalo, Facebook giả danh nữ, sau đó tìm kiếm, kết bạn, làm quen với các đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài rồi dụ dỗ họ tham gia các trò chơi có nạp tiền trên mạng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền. Do không đạt yêu cầu lao động của chủ đặt ra nên em đã bị một số người bắt nhốt, bỏ đói, đánh đập, chích điện vào tay, chân…”, em N. nhớ lại.

Cũng theo lời em N., sau khi bị bỏ đói, đánh đập, các đối tượng đã cho em liên hệ với gia đình. Sau khi liên lạc được với người nhà, nhóm người này đã ra điều kiện muốn chuộc em N. về lại Việt Nam thì phải chuyển cho bọn chúng số tiền 100 triệu đồng. “Tuy nhiên, sau khi chuyển đủ số tiền 100 triệu đồng, nhóm người này đã trở mặt, tìm cách bán em sang cho một công ty khác. Cũng với thủ đoạn tương tự, nhóm người ở công ty mới lại ra điều kiện gia đình phải chuyển tiếp cho chúng số tiền hơn 60 triệu đồng. Sau khi chuyển đủ tiền, ngày 14/6, em được nhóm người này trả tự do và em đã tìm cách về lại Việt Nam”, em N. chia sẻ.

Cũng chung hoàn cảnh tương tự, anh B.T.T. (29 tuổi, trú tại buôn Mlăng, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar) đã rơi vào “bẫy” của những kẻ lừa đảo tuyển dụng lao động làm “việc nhẹ lương cao” ở Campuchia.

Anh T. cho biết, vào tháng 4/2022, sau khi lên mạng xã hội Facebook tìm kiếm việc ở các tài khoản mang tên “Việc làm Campuchia” thì anh được một tài khoản Facebook xưng danh là nữ nhắn tin, nói chuyện rủ rê đi làm việc tại một công ty máy tính ở Campuchia, với mức lương khởi điểm 800 USD/tháng, mọi chi phí đi lại và chi phí sinh hoạt đều được công ty chi trả. Để củng cố niềm tin với anh T., đối tượng lừa đảo đã chuyển trước cho anh số tiền 2 triệu đồng để làm chi phí đi lại. Ngày 15/5/2022, anh T. đi xe khách xuống cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh thì được một đối tượng dùng xe máy đến đón. Sau đó đối tượng này chở anh T. sang Campuchia. 2 ngày sau, anh T. được một nhóm người đưa đến tỉnh Preah Sihanuok làm việc cho một công ty liên quan đến trang cá cược bóng đá BET365.

“Tại đây, tôi được giao doanh số mỗi tháng phải kiếm được số tiền 1.000 USD. Để thực hiện, các đối tượng buộc tôi lập các trang tài khoản Zalo, Facebook rồi giả dạng nữ để tìm kiếm những người Việt Nam đang lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… dụ dỗ họ tham gia vào các trò chơi cá cược, các games nạp tiền. Số tiền thu được, công ty này đều chiếm đoạt hết”, anh T. cho biết.

Cũng theo anh T., sau hơn 1 tháng làm việc, anh T. không đạt chỉ tiêu doanh số đề ra nên không được nhận lương như thoả thuận ban đầu. Lúc này, anh T. đề nghị được về lại Việt Nam thì bị các đối tượng ra giá phải chuyển cho chúng số tiền 75 triệu đồng. “Lo an nguy đến tính mạng, tôi đã liên hệ với gia đình chuyển cho chúng 75 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, nhóm người này đã trả tự do và tôi tìm đường tự về lại Việt Nam”, anh T. cho hay.   

Theo báo cáo của Công an huyện Cư Mgar, ngoài 2 trường hợp nêu trên thì hiện nay, đơn vị cũng đã ghi nhận thêm 1 trường hợp khác trú tại xã Cư Suê bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Hiện trường hợp này đã liên hệ với người thân cầu cứu và yêu cầu gia đình chuyển 3.500 USD (khoảng 80 triệu đồng) đền bù hợp đồng với công ty thì mới bảo lãnh cho về lại Việt Nam. Các cơ quan chức năng đang phối hợp để hỗ trợ gia đình nạn nhân “giải cứu” người lao động này về nước.

Cũng theo Công an huyện Cư Mgar, qua khai thác thông tin từ những nạn nhân có thể xác định, các đối tượng đã dùng thủ đoạn mời chào, quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao tại Campuchia. Nhưng khi sang đến Campuchia, các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo, họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 tiếng/ngày) nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Có người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì phải đóng tiền chuộc cho bọn chúng.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Y Thôn Niê, Chủ tịch HĐND xã Ea Tar, huyện Cư Mgar cho biết, ngay sau khi ghi nhận các trường hợp bị lừa đảo sang làm việc tại Campuchia, chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nắm được những thủ đoạn, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để đề cao cảnh giác, tránh lặp lại những trường hợp tương tự.

“Đặc biệt, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ trưởng buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con dân tộc thiểu số tại chỗ về thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo tương tự để bà con hiểu và nhận thức rõ vấn đề. Từ đó đề cao cảnh giác và không trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên”, ông Y Thôn Niê cho hay.

Thiên Bình - Văn Thành

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文