Người giữ cảng Cam Ranh

12:37 31/01/2017
Cảng Cam Ranh tên cũ là sông Ba Ngòi thuộc phường Cam Linh, phía Bắc cách Phan Rang 40km, phía Nam cách Nha Trang khoảng 60km. Cam Ranh nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam, có quốc lộ 1A đi qua thành phố trên 40km và có sân bay quốc tế Cam Ranh với đường băng dài hơn 3.000m.

Ngày 23-12-2010, Cam Ranh được Chính phủ chính thức công nhận là thành phố gồm 9 phường và 6 xã với diện tích 316km2, dân số là 125.311 người (theo số liệu 2009) trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cam Ranh đã được sự chú ý qua các thời Pháp, Nhật, Mỹ và Liên Xô bởi vị trí chiến lược, dùng làm căn cứ quân sự.

Với đặc điểm là một cảng nước sâu phổ biến từ 16-25m, nơi sâu nhất đến 32m, có nhiều đảo nhỏ bao quanh; cửa ra vào lại hẹp, nhưng bên trong rộng với tổng diện tích mặt nước là 98km2, cho phép 40 tàu chiến cỡ lớn, kể cả tàu sân bay có thể neo đậu. Vì thế Cam Ranh được coi là cảng tốt nhất Đông Nam Á và là một trong ba vịnh tốt nhất thế giới: Cam Ranh, Francisco (Mỹ), Rio De Janeiro (Brazil).

Thời thuộc Pháp, người Pháp dùng Cam Ranh làm căn cứ Hải quân ở Đông Dương. Đầu thế kỷ XX, Cam Ranh là chặng nghỉ chân cho Hạm đội của Đế quốc Nga sang Viễn Đông giao chiến với Nhật. Hạm đội này của Nga đã bị đại bại trong trận Tsuskima. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật đã dùng Cam Ranh làm địa điểm chuẩn bị cho cuộc tiến công Malaysia năm 1942.

Trong chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh là căn cứ của Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Năm 1966, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson thăm Cam Ranh; trong chuyến thăm này, báo chí Mỹ đã hết lời ca ngợi Cam Ranh: “Ai chiếm được Cam Ranh, có thể kiểm soát được tuyến đường vận tải Á – Âu, có được vị thế bá quyền thắng lợi?”. Và người Mỹ đã chi hơn 300 triệu đôla để mở rộng cảng Cam Ranh.

Năm 1975, nước ta thống nhất. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ nên Việt Nam tạm cho phép Liên Xô lập căn cứ Hải quân cho Hạm đội Thái Bình Dương của họ. Năm 1978, Chính phủ Liên Xô chính thức ký một thỏa thuận với Việt Nam thuê cảng Cam Ranh với thời gian 25 năm.

Trong thời gian này, phía Liên Xô đã làm một số việc tùy tiện như khai thác đá ở các núi trong vịnh… không xin ý kiến và trao đổi với phía Việt Nam. Nhận được tin, Tướng Lê Đức Anh với cương vị là Tổng tham mưu trưởng lập tức tới Cam Ranh. Sau khi thị sát, ông phê bình: “Để họ làm thế này thì đây sẽ bị sa mạc hóa. Không được”. Ông nói tiếp: “Mỗi cục đá ở đây phải quý như một cục vàng”.

Về tới Hà Nội, Tướng Lê Đức Anh báo cáo với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị, kiên quyết không cho phía Liên Xô phá núi lấy đá và khai thác cát trong vùng vịnh. Trưởng đoàn chuyên gia và tùy viên quân sự Liên Xô phản đối. Tướng Lê Đức Anh nói: “Tôi sẽ đảm bảo có đá cho các anh” và ông cho phép mở con đường dài 30km vào mỏ đá trong đất liền, phía Liên Xô và người dân rất phấn khởi.

Đồng chí Lê Đức Anh trong một chuyến thị sát Quân cảng Cam Ranh. Ảnh tư liệu.

Cũng trong thời gian này, tình hình biên giới phía Bắc nước ta vô cùng nóng bỏng, có những “trọng điểm” Tướng Lê Đức Anh mới chỉ tới hai lần. Nhưng với Cam Ranh, ông đã thị sát tới bốn lần bởi trong mắt Tướng Lê Đức Anh, vị trí Cam Ranh vô cùng quan trọng trong hiện tại cũng như tương lai. Nó gắn liền tới sự tồn vong và thịnh vượng của đất nước sau này.

Theo ông: Cam Ranh là vị trí chiến lược, một khu vực phòng thủ then chốt của miền Trung và của cả nước là căn cứ bảo vệ cả một vùng biển rộng lớn và quần đảo Trường Sa…

Tướng Lê Đức Anh trăn trở, tìm mọi cách thuyết phục các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, thu hồi bằng được cảng Cam Ranh càng sớm càng tốt.

Bằng cách nào để thu hồi cảng Cam Ranh một cách êm thấm? Bởi trước đây Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Brê-giờ-nép Liên Xô đã ký “Hiệp định đoàn kết và hợp tác toàn diện”, những gì đã ký kết thì hai bên phải tôn trọng. Lúc này với cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh nghiên cứu kỹ “Hiệp định” xem chỗ nào “sơ hở” để tháo gỡ.

Thấy trong “Hiệp định” không có chỗ nào nói đến “hạt nhân”, tên lửa… Đại tướng Lê Đức Anh nói thẳng với Trưởng đoàn cố vấn Liên Xô về quan điểm của mình. Đại sứ Liên Xô điện về nước… Trung ương Đảng Liên Xô điện sang nên mọi việc êm dần. Khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Nga thay thế, tiếp tục “Hiệp định”, duy trì sự có mặt của họ ở cảng Cam Ranh.

Mặc dù biết “Hiệp định” còn thời hạn tới năm 2004, nhưng được sự nhất trí của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đại tướng Lê Đức Anh lúc này với cương vị là Chủ tịch nước đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các cơ quan Nhà nước tiến hành trao đổi một cách kiên trì, mềm mỏng, khôn khéo để phía Nga tự rút, trao lại cảng Cam Ranh cho Việt Nam trước thời hạn.

Ngày 2-5-2002, lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng tại căn cứ Cam Ranh. Thấy vậy, Đại tướng Lê Đức Anh nói: “Các anh rút, chúng tôi chỉ xây dựng cảng cho Hải quân Việt Nam sử dụng, chứ nhất định không cho bất cứ nước nào vào đây thuê. Tôi cam đoan như vậy”.

Sau khi Nga rút, Hoa Kỳ vận động thông qua vài nước ASEAN để thuê quân cảng Cam Ranh. Phía ta nói rõ: “Việt Nam không cho ai sử dụng quân cảng của mình”. Nghe vậy, các nước ASEAN rất vui và Trung Quốc, Nga, Mỹ cũng yên tâm.

Quan điểm dứt khoát của Đại tướng Lê Đức Anh là phải tạo được thế cân bằng giữa các cường quốc với Cam Ranh, không chỉ có lợi về kinh tế, quân sự; mà còn là bàn đạp nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Quan điểm này của ông đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhất trí, duy trì thực hiện và phát triển hoàn thiện thành chủ trương nhất quán hôm nay: “Cảng Cam Ranh là cơ sở làm dịch vụ hậu cần cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng. Chủ quyền là của Việt Nam, và Việt Nam có khả năng kiểm soát tình hình. Hoàn toàn không có chuyện cho nước ngoài làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng Cam Ranh”.

Nhờ vậy, mấy năm qua tàu quân sự của các nước đã thăm Cam Ranh như: Mỹ với tàu tên lửa USS John S.McCain và tàu tiếp tế tàu ngầm USS Fran Cable cùng Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương do Đô đốc Harry B.Harrit thăm Việt Nam đã tái khẳng định cam kết song phương và nâng cao năng lực của Việt Nam; đặc biệt là an ninh hàng hải và thực thi pháp luật. Tiếp đó là tàu của Ấn Độ, Pháp, Nga, Singapore, Australia.

Ngày 5-11-2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nakatani thăm cảng Cam Ranh, tháng 4 và tháng 5 vừa qua, tàu hộ vệ và tàu quét ngư lôi của Nhật cùng tới. Đáng lưu ý là gần đây 3 tàu của Trung Quốc: Xiang Tan, Zhou Shan, Chao Hu lần đầu tới Cam Ranh do Đại tá Vương Hồng Lý, Phó tham mưu trưởng Hạm đội Đông hải làm trưởng đoàn (từ 22 – 26 tháng 10 năm 2016).

Để có được cảng Cam Ranh như ngày nay: Tiếp nhận được tàu sân bay trọng tải 110.000 DW (dead weight tonnage) và tàu khách có dung tích 100.000 GRT (goosstonnage) cũng như cùng một lúc tiếp nhận 18 tàu… và cho phép tàu neo đậu trong điều kiện bão đến cấp 8; biết bao xương máu của đồng bào chiến sĩ ta đã đổ; biết bao tiền bạc của nhân dân cả nước đã bỏ ra; biết bao công sức của thế hệ cha anh, trong đó có công lao của Đại tướng Lê Đức Anh góp một phần không nhỏ để có được một CAM RANH VIỆT NAM bề thế, vững chắc, một Cam Ranh kiêu hãnh, hòa bình, hữu nghị, một Cam Ranh sẵn sàng, nếu…

Gà đã gáy, mặt trời lên!

Năm mới bắt đầu với bình minh trên cảng Cam Ranh!

Xuân Đinh Dậu 2017

Ánh Hồng

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ, Đại úy Nguyễn Thế Anh thuộc tổ công tác số 4 đã chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng nhóm của đơn vị Trung tâm Tác chiến khẩn cấp và Hỗ trợ cơ sở dữ liệu 112 tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) từ ngày 5/12/2024.

Ngày 8/12, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) cho biết, đã tạm giữ hình sự Lê Xuân Toàn (SN 1986, quê Hà Nội; tạm trú phường Uyên Hưng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; đối tượng có 1 tiền án về tội giết người), để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản.

Sau khi được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng giai đoạn 1 tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài 51km vào tháng 8 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng tiến độ triển khai dự án với mục tiêu hoàn thành, đưa tuyến cao tốc này vào khai thác từ tháng 12/2027…

Thời gian gần đây, một số công dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ tự xưng là thám tử, đồng thời thông báo với người nhận tin nhắn là hắn đã thu thập thông tin đời tư, hình ảnh nhạy cảm, chứng cứ phạm tội, đe dọa sẽ tung lên mạng internet, nếu người nhận được tin nhắn không chuyển tiền để giữ bí mật.      

Phiến quân nhanh chóng chiếm đóng các thành phố chiến lược từ tay quân đội Syria mà gần như không phải giao tranh, khiến không khí hỗn loạn bao trùm thủ đô Damascus và nhiều khu vực.

Từ cuối năm 2021, khi Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Công an về việc tăng cường lực lượng Công an chính quy về cơ sở, tình hình ANTT tại Long Sơn - một xã trọng điểm phức tạp về ANTT tại huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đã chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, trong 2 năm liền 2022 và 2023, địa phương này được Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích đấu tranh phòng, chống tội phạm và giữ gìn ANTT trên địa bàn xã.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文