Xúc động chuyện đám cưới 2 liệt sĩ

07:08 26/07/2022

Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn đã cống hiến cả thanh xuân vì sự độc lập, thống nhất của non sông đất nước. Vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị đành gác lại riêng tư với lời hẹn sẽ nên duyên vào mùa xuân ấy. Nhưng mãi gần nửa thế kỷ chị nằm lại mảnh đất thiêng, ước nguyện thành vợ thành chồng mới được thực hiện…

Tìm về gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An vào những ngày tháng 7 tri ân, chúng tôi may mắn được nghe câu chuyện tình cảm động của nữ liệt sĩ cũng như về một đám cưới kỳ lạ. Đám cưới của liệt sĩ hi sinh từ nửa thế kỷ trước mà cô dâu chính là liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn (SN 1947) cùng chú rể là Đặng Văn Cự (SN 1946), quê ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang).

Đám cưới xúc động của 2 liệt sĩ được hai bên gia đình cử hành tại phần mộ.

Theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Tường, em trai của liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn thì theo tiếng gọi của Tổ quốc, chị gái mình nhập ngũ tháng 3/1968. Chị Diễn cùng đồng đội của mình được phân về Đại đội 25, Công ty đường sắt 369 thuộc Cục công trình 1, Bộ GTVT. Ngay sau đó, chị nhanh chóng có mặt ở các trọng điểm bị đánh phá ác liệt như: Ngã Ba Đồng Lộc, cầu Bến Thuỷ, rú Nguộc (Thanh Chương) ngày đêm san lấp hố bom, sửa chữa lại tuyến đường, vận tải hàng hoá…

Ông Tường kể lại, nhiều lúc được công tác gần nhà, nhưng ngần ấy thời gian, vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, chị chưa một lần được ghé về thăm nhà, dù chỉ là thoáng qua. Mối liên hệ duy nhất với gia đình thời đó chỉ là những lá thư tay. Nhưng gia đình ông Tường vẫn luôn yên tâm vì biết chị vẫn bình an, cùng đồng đội cống hiến sức mình nơi tuyến lửa. Trong những lá thư gửi về gia đình dịp ấy, có một lá thư khiến gia đình ông vui nhất đó chính là chị báo tín đã có người thương. Một người cùng đơn vị. Chị Diễn còn báo tin: Đợi mùa xuân này, chị sẽ cùng anh về ra mắt hai bên gia đình và xin phép được nên duyên vợ chồng.

Nhưng niềm vui chưa kịp đến thì một ngày cuối năm 1972, ông Tường lúc đó đang công tác trong đơn vị, đóng tại xã Xuân Sơn thì nhận được hung tin. Cầm bức điện báo tử của chị gái trên tay, ông Tường chỉ biết kìm nén thương đau. Thời điểm đó, các anh, chị em trong gia đình ông Tường đều đang tham gia chiến đấu ở các chiến trường xa, ông cũng chỉ được nghỉ phép có 3 ngày nên không có điều kiện vào tận nơi lo liệu cho phần mộ của chị Diễn. Chỉ kịp động viên mẹ già rồi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Chỉ biết, chị gái mình hi sinh khi đang chèo thuyền qua sông Đò Vàng thuộc địa phận huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình vào trưa 29/12/1972 (tức là ngày 24/11 âm lịch).

Mãi đến năm 1994, khi nghỉ hưu, ông mới có điều kiện để đi tìm mộ của chị gái mình. Ông Tường xúc động nhớ lại hành trình đi tìm mộ chị: Sau rất nhiều ngày đi bộ xuống TP Vinh làm thuê để góp tiền đi tìm mộ chị, ông liền nhảy tàu vào tìm cầu sông Đò Vàng. Tại đây, thấy có 3 người dân đang phát rẫy nên ông liền hỏi thăm. May mắn một trong những người dân phát rẫy cũng là một cựu binh cho hay: Trước trên vách đá sát sông Đò Vàng có hai ngôi mộ, được cho là một nam, một nữ hi sinh năm 1972. Nhưng năm 1993, có người bạn của họ vừa cất bốc ngôi mộ này để đưa vào nghĩa trang.

Tại bàn thờ gia tiên, liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn được em trai chăm lo hương khói hằng ngày.

Cũng theo lời chỉ dẫn của người cựu binh phát rẫy ấy, ông lần tìm được đến nhà ông Nguyễn Phong Vũ, người được cho là đã chăm sóc và cất bốc mộ của chị gái mình. Tại đây, ông Vũ xúc động nhớ lại: Năm đó, chị Diễn được đơn vị phân công về ở trong gia đình của ông tại ở Tuyên Hoá. Chị Diễn ở trong nhà của ông gần 4 năm và được ông coi như chị gái ruột của mình. Trong trí nhớ của cậu em nhỏ tên Vũ, chị Diễn là người xinh đẹp, tài hoa. Chị không chỉ tranh thủ thời gian rỗi dạy Vũ học, mà còn thêu thùa gối, khăn, đan áo tặng cậu.

Nhưng niềm vui vì có thêm người chị gái chưa được bao lâu, vào trưa 29/12/1972, trong lúc chị Diễn cùng người yêu chèo thuyền qua sông Đò Vàng thì bất ngờ bị máy bay địch tập kích. Bị ném bom, chiếc thuyền chòng chành khiến anh Cự rồi chị Diễn lần lượt bị rơi khỏi đò. Lúc này đồng đội của anh chị đứng trên bờ liền lao xuống cứu nhưng không kịp nữa. Lời hẹn ước cùng gia đình và đồng đội vào mùa xuân vì thế mà chưa kịp thực hiện. Phần mộ của anh chị sau đó được đồng đội an táng tại vách đá gần bến sông Đò Vàng, nơi 2 người ngã xuống.

Mộ của chị Diễn, anh Cự sau này được ông Vũ cất bốc và bàn giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình trước lúc nhập học vì nghĩ gia đình chị Diễn không còn ai nữa. Sau khi nắm được thông tin, ông Tường tiếp tục đến một số nghĩa trang ở Quảng Bình để tìm kiếm nhưng không thấy. Sau 3 lần như thế ông Tường mới tìm thấy mộ chị tại nghĩa trang Hải Thành, Đồng Hới. Tại đây, mộ của chị gái mình cũng được đặt song song bên mộ người yêu.

Dù muộn màng nhưng gia đình chị Diễn đã tìm thấy phần mộ của chị. Trong khi đó, do giấy báo tử bị thất lạc nên gia đình không biết anh Đặng Văn Cự được an táng ở đâu. Đầu năm 2022, thông qua hình ảnh về phần mộ được đăng tải trên một website về liệt sĩ, đối chiếu thông tin danh tính, năm sinh, quê quán, đơn vị, gia đình mới biết anh Cự đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới. Cũng lúc này, người thân mới biết về câu chuyện tình yêu của anh Cự và cô dân công hỏa tuyến xứ Nghệ Nguyễn Thị Diễn. Thông tin được khớp nối, hai gia đình đã liên lạc và quyết định tổ chức đám cưới, hoàn thành ước nguyện đang dang dở của anh Đặng Văn Cự và chị Nguyễn Thị Diễn.

Nói về đám cưới xúc động của chị gái mình, ông Tường nhớ lại: Ngày 3/4/2022, đoàn nhà trai từ Bắc Giang cùng đầy đủ sính lễ gồm: Gạo, gà, trầu cau, bánh phu thê... vào Nghệ An để làm lễ “dạm ngõ”. Mọi công đoạn của lễ "vấn danh tơ hồng" được thực hiện đúng nghi thức và phong tục truyền thống của một đám cưới bình thường. Chỉ khác là cô dâu, chú rể không thể hiện diện. Sau lễ ăn hỏi tại nhà cô dâu, hai họ "hành quân" vào Quảng Bình.

Thắp hương ở đài tưởng niệm chung các liệt sĩ, hai họ chính thức tổ chức lễ cưới cho cô dâu Nguyễn Thị Diễn và chú rể Đặng Văn Cự bên phần mộ của hai người. "Trong lúc tổ chức lễ cưới, một con bướm trắng bay tới đậu trên bó hoa nơi mộ chị tôi. Bên phần mộ anh Cự, chân hương bỗng "hóa", bùng lên ngọn lửa. Trên đài tưởng niệm liệt sĩ của nghĩa trang, chân hương cũng bùng lên. Có lẽ hương hồn chị tôi và anh Cự, cùng hương hồn các liệt sĩ đã về chứng kiến cho một đám cưới đặc biệt, để anh chị tôi, với tình yêu nảy mầm trong chiến tranh, hòa vào tình yêu đất nước, đã đi đến đoạn kết đẹp, danh chính ngôn thuận là vợ, là chồng, trọn đời trọn kiếp bên nhau", ông Nguyễn Hữu Tường xúc động nhớ lại.

Hoàn thành lễ cưới tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới, gia đình nhà trai mời nhà gái ra Bắc Giang để tham dự lễ cưới tại nhà thờ của dòng họ. Ngoài việc thông báo cho tổ tiên, các bậc tiền nhân và con cháu về sự kiện đặc biệt này, còn là nghi thức nhập họ cho con dâu - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Trong gia phả của dòng họ, chú Cự được ghi "qua đời khi còn trẻ, chưa có vợ con". Nay bên cạnh tên chú đã có thêm dòng chữ "Vợ: Nguyễn Thị Diễn". Sau tròn nửa thế kỷ kể từ khi cô chú có dự định đám cưới thì nay mới được thành toàn.

Thuỳ Anh

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Xin bỏ qua các lỗi vi phạm khi tham gia giao thông không được, Nguyễn Đình Toàn (SN 1991, ở Khu 7, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã hất chất bẩn (phân lợn) vào tổ CSGT đang làm nhiệm vụ, gây mất an ninh trật tự, cản trở hoạt động của tổ công tác Đội CSGT. Với hành vi trên, Toàn đã bị khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng về tội chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文