Bỏ “Bà Cô Dợ” đi mà làm người…

12:00 28/01/2024

Đã khá lâu rồi tôi mới trở lại Huổi Luông, bản người Mông xa nhất, cao nhất của xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La), những cảm xúc ngày đầu vẫn đọng lại trong tâm trí, bao trùm  là sự bình yên xen trong cái lạnh theo gió ùa về len qua lớp áo dày. Người Mông trên khắp bản làng đang tất bật đón Tết, những đứa trẻ dưới rặng me già nô đùa, trai gái dập dìu chơi chợ ngày xuân, thấp thoáng đâu đó tiếng máy may tanh tách lẫn trong những âm thanh của núi rừng khua đều từ xa vọng về.

Từng khoảnh khắc ấy như càng làm cho cuộc sống ở đây thêm bình yên. Tuy nhiên, để có được một cuộc sống như ngày hôm nay, bản Huổi Luông đã từng phải trải qua một thời gian dài trong “cơn bão” tràn về mang tên “Bà Cô Dợ”, có những người tin một cách mù quáng, và cũng đã có những người tìm về “ánh sáng” của thực tại bằng cách rũ bỏ tà đạo “Bà Cô Dợ”.

Tà đạo gieo rắc trên bản Mông

Hơn 150 km từ thành phố tới Sốp Cộp, rồi theo chân cán bộ Công an xã và Công an huyện, tôi ngược thêm 80km đường đèo dốc miền biên ải, cuối cùng cũng tới Huổi Luông. Hiện hữu trước mắt tôi là một bản làng bình yên, điện lưới quốc gia cũng được kéo tới mỗi mái nhà đồng bào Mông, tuy nhiên con đường tới đây vẫn là một bài toán đánh vật cùng sức người, và độ khéo léo của cánh tài xế.

Bình yên bản làng vùng cao. Ảnh: Đỗ Thành Trung

Đến nhà anh G.A.S khi chiều đã đổ dáng, căn nhà anh S cheo leo bên vách núi, nhưng xung quanh chẳng có thứ gì đáng giá ngoài vài cái thùng nhựa và quả bí lăn lóc nơi góc bếp. Ở cái tuổi 35, nhưng khuôn mặt trông già hơn số tuổi. Là người đã từng có “thâm niên” tham gia tổ chức “Bà Cô Dợ”, bồi hồi kể lại quá khứ chìm trong u tối bởi những luận điệu mà Vừ Thị Dợ gieo rắc, anh còn nhớ vào năm 2019, gia đình anh có 9 người, gồm mẹ già, 2 vợ chồng và 6 con nhỏ, được một đối tượng trong bản lôi kéo, tham gia đạo “Bà Cô Dợ”. Tổ chức “Bà Cô Dợ” đã cho anh và gia đình 1.200 USD, số tiền mà anh S hay bất cứ người dân nào trong bản cũng chẳng thể nào kiếm được trong một thời gian ngắn, anh đã dùng số tiền để cưới vợ cho con trai. Các đối tượng xấu bảo anh nếu đi theo đạo “Bà Cô Dợ” thì sau này sẽ có một “Vương quốc Mông” tự trị. Và cũng bảo không được đi tiêm vắcxin COVID-19 vì sẽ làm giảm trí nhớ, gây hại cho sức khỏe con người…(!)

Không chỉ có vậy, anh G.A.S còn được đối tượng đó tuyên truyền rằng, dịch bệnh đang tràn lan, ngày tận thế đang đến gần, sẽ có chiến tranh xảy ra, lúc đó nước sẽ biến thành máu. Do đó, trong nhà có bao nhiêu gạo thì phải nấu thành cơm, rồi phơi khô và đóng bao. Còn nước uống thì đun sôi rồi cho vào can, thùng nhựa để tích trữ; khi có chiến tranh xảy ra thì chỉ cần mang gạo ra ngâm nước để ăn, không phải nấu nữa.

“Tin lời kẻ xấu, tôi đã mua 10 thùng nhựa 20 lít để đựng nước và nấu 3 bao gạo thành cơm rồi phơi khô. Nhưng chỉ sau vài ngày, cơm bắt đầu mốc, xuất hiện cả giòi, còn nước thì bị thiu và mọc rêu xanh, không còn dùng được nữa. Đi theo đạo này, vào những ngày cầu nguyện (thường là chủ nhật hằng tuần) thì không được cho người lạ vào nhà, mình cũng không được ra khỏi nhà, thậm chí, con trâu cũng không cho lên núi ăn cỏ” - Anh G.A.S nói. Hôm nay anh S đã từ bỏ được tà đạo, nhưng tiếc là vợ anh thì vẫn mê muội tin theo. Chị bỏ chồng, kéo theo 6 người con rời bỏ nhà cửa, dựng lều ở riêng tận góc bản và tiếp tục tin và nghe theo tà đạo “Bà Cô Dợ”…

Ngược đường về xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn hơn 250km, chúng tôi tìm đến nhà chị Mùa Thị S ở bản Phát Nam người đã từng tin và nghe theo cái được gọi là đạo “Bà Cô Dợ”. Anh Giàng A Dơ, chú của chị Mùa Thị S kể lại: “Gia đình có bữa cơm hoặc công việc cháu cứ trốn tránh, lánh đi, không tham gia với gia đình nữa, rất khác thường. Trong giờ học đạo là đóng cửa, anh em trong nhà gọi không thưa. Gia đình rất là bức xúc, nhiều lần động viên nhưng cháu không hiểu...”.

Khi tin và nghe theo đạo “Bà Cô Dợ”, chị S đã có những thay đổi trong suy nghĩ và hành động, điều này ít nhiều đã khiến cuộc sống gia đình chị bị xáo trộn. Giàng A Dếnh, con trai của chị S chia sẻ: Khi mẹ tham gia và tin theo tà đạo “Bà Cô Dợ” cuộc sống gia đình và công việc đã có nhiều thay đổi, bố mẹ không còn quan tâm và yêu thương nhau như trước nữa.

Là cán bộ người Mông, Trung úy Sồng A Vừ cán bộ Công an xã cho biết qua nhiều lần nắm bắt tâm tư, được biết rằng, chị S nghe theo lời dụ dỗ rằng nếu theo “Bà Cô Dợ” sẽ được “lên thiên đàng”, hoặc có khó khăn gì thì bà sẽ giúp đỡ; mà gia đình chị S lại đang khó khăn, nên chị đã tin vào những lời lừa phỉnh đó...

Ông Tòng Văn Sơn, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn cho biết, điều khó khăn nhất và quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân hiểu được, vì nhận thức của bà con về tà đạo “Bà Cô Dợ” chưa đúng nên mới tham gia và chìm sâu: “Phải nói là sự vào cuộc của các ban, ngành, đặc biệt là công an các cấp rất quyết liệt. Riêng xã đã giao cho một đồng chí công an chính quy của xã cùng với các lực lượng thường xuyên thăm hỏi, động viên, để vận động từ bỏ”. Tết năm nay trong ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Mùa Thị S đã dần ấm áp trở lại, với những bữa cơm quây quần, tiếng nói cười rộn rã, và những niềm vui giản dị...

Huổi Luông khi mùa xuân về.

Điểm tựa của lòng dân…

Sơn La từng là một trong những địa bàn phức tạp về hoạt động của tổ chức “Bà Cô Dợ”... Qua vận động, tuyên truyền, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 5 hộ 40 khẩu đã từ bỏ tà đạo “Bà Cô Dợ”. Một trong những bí quyết thành công của CBCS Công an tỉnh Sơn La là việc vận dụng linh hoạt các biện pháp công tác; việc vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được âm mưu, phương thức hoạt động của các đối tượng. Từ đó, nhiều người đã chủ động từ bỏ, không tin, không nghe và không tham gia…

Những chia sẻ của những người trong cuộc, phần nào đã cho thấy một cách làm đúng hướng, giúp người dân đã và đang lạc lối đi theo luận điệu tuyên truyền của các đối tượng cầm đầu tổ chức thực sự tỉnh táo, nhận diện đúng bản chất của tà đạo “Bà Cô Dợ”. Lực lượng Công an từ cơ sở, đến cấp tỉnh đều tích cực học tập, bám bản, bám dân. Sau đó, bằng những hiểu biết, kinh nghiệm học hỏi của mình để hướng dẫn bà con thực hiện việc phát triển kinh tế. “Lời nói đi đôi với hành động”, bằng những việc làm tuy nhỏ nhưng đầy thiết thực như vậy, CBCS Công an Sơn La đã xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng sâu sắc trong lòng dân trên địa bàn.

Ông Tòng Văn Hương, Phó chủ tịch UBND xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La chia sẻ: Đón tết năm nay, đời sống của người dân ở Mường Lèo đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Với sự quan tâm đầu tư của huyện, đường lên các bản và các tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa, việc giao thương, buôn bán nông sản đã trở nên thuận tiện hơn. Người dân chăm chỉ lao động, sản xuất đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình, xây dựng bản làng ngày càng phát triển và no ấm.

Đất không phụ công người, giữa lưng trời đá núi, đồng bào dân tộc Mông đã ngoan cường, vươn lên, rũ bỏ ám ảnh của tà đạo, tạo nên một cộng đồng gắn kết với bản sắc văn hóa độc đáo và riêng biệt. Để rồi hôm nay, khi mùa xuân mới về, những tiếng khèn, tiếng pí lại ngân vang giữa đại ngàn gió núi. Những tiếng khèn réo rắt tươi vui, gieo hy vọng về cuộc sống ấm no bền vững, cho muôn đời con cháu mai sau.

Lực lượng Công an và chính quyền địa phương thăm hỏi gia đình chị Mùa Thị S sau khi từ bỏ tà đạo “Bà Cô Dợ”.

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La đánh giá cao những kết quả của lực lượng Công an trong tuyên truyền, vận động người dân không tin, nghe theo tà đạo “Bà Cô Dợ”. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân; chú trọng công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động mê tín dị đoan gây phức tạp đến an ninh trật tự ở cơ sở; không để người dân tái ảnh hưởng và tin theo các loại tà đạo xuất hiện tại địa bàn; quyết tâm, quyết liệt trong việc vận động nhân dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, các hoạt động đi ngược với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cao Thiên

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới có 475 tàu cá; trong đó, có 200 tàu trên 15m theo quy định đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thời gian qua các ngư dân có các đội tàu xa bờ đều liên tục phản ánh tình trạng mất kết nối từ thiết bị giám sát hành trình do lỗi hệ thống từ nhà mạng viễn thông.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chiêu trò lừa đảo giả danh, mạo danh đã không còn xa lạ đối với người dùng thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thủ đoạn này đang có dấu hiệu bùng phát. Điều đáng nói là các đối tượng giả danh, mạo danh đã liên tục thay đổi kịch bản, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi nên vẫn có không ít người dân bị sập bẫy.

Trong khi khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng bị hàng trăm hộ dân kéo tới lấn chiếm, trồng hoa màu, xây dựng nhiều công trình kiên cố thì công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite tại huyện Bảo Lâm đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, một phần vì thiếu đất bố trí tái định canh, định cư cho các hộ trong diện bị thu hồi đất. 

Do thiếu nguồn cung đất san lấp nên nhiều công trình, dự án tại Quảng Nam đang gặp khó khăn, thậm chí là trễ tiến độ. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nhanh chóng tháo gỡ bài toán nguồn cung đất san lấp phục vụ công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, cả nước xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc tập thể với hơn 1.000 người phải nhập viện. Các vụ ngộ độc này chủ yếu xảy ra sau khi sử dụng thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Theo Bộ Y tế, trong quý 1/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 673 người mắc và 6 người tử vong,

Nền nhiệt tại miền Bắc có xu hướng tăng trở lại trong ngày hôm nay, trời nắng về trưa chiều, chiều tối có khả năng mưa dông. Khu vực Nam Bộ nắng nóng, nhiệt độ ở hầu khắp các khu vực đều ở mức từ 35 - 36 độ C.

Sau 3 lần tiếp cận Mano Polking, CLB Bóng đá Công an Hà Nội (CAHN) cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận bổ nhiệm HLV này. Chiến lược gia 48 tuổi người Brazil có những phẩm chất đặc biệt để trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho đội bóng ngành Công an.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文