Dấu ấn CAND Việt Nam trên hành trình vì hòa bình thế giới

08:16 09/12/2024

Chiếc mũ nồi xanh, logo xanh mang dòng chữ UN gắn trên tay áo, ngôn ngữ quốc tế, lá cờ Việt Nam thắm đỏ, tinh thần sẵn sàng cống hiến và nhiệt huyết gìn giữ hòa bình và nụ cười rạng rỡ của những sĩ quan CAND Việt Nam trong nắng gió châu Phi. Đó là hình ảnh đẹp đẽ và ấn tượng, là sự cụ thể hóa đường lối, chính sách của Nhà nước và của Bộ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả góp phần vì hòa bình thế giới.

Trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng CAND Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, mà còn tham gia chủ động, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), tạo bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế của lực lượng CAND Việt Nam.

Nhập vào đội quân Mũ nồi xanh (bài 1)

Ngày 13/10/2022 đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng với lực lượng CAND Việt Nam khi 3 sĩ quan đầu tiên là Đại tá Lê Quốc Huy, Thượng tá Vũ Việt Hùng và Thượng tá Lương Thị Trà Vinh bắt đầu hành trình tham gia nhiệm vụ GGHB LHQ tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan). Đây là bước triển khai từ Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ đã được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 11/2012.

Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động GGHB LHQ...”. Để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 6/9/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “CAND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo” (Đề án 05) của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) trao quyết định của Chủ tịch nước cho 3 sĩ quan CAND đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, tháng 10/2022.

Lộ trình bước ra thế giới

Để lên đường sang Nam Sudan tham gia GGHB LHQ, ngay từ năm 2016, những sĩ quan công an đầu tiên được lựa chọn bắt đầu quá trình tìm hiểu và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn hoạt động GGHB do LHQ, cảnh sát một số quốc gia, Cục GGHB Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tổ chức. Trên thao trường nắng nóng, các sĩ quan CAND đã nỗ lực rèn luyện và trau dồi các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, chuẩn bị cho một năm làm nhiệm vụ quốc tế. Ngoài các kiến thức chung về hoạt động GGHB, các quy tắc tiêu chuẩn đối với cán bộ tham gia hoạt động GGHB, các sĩ quan được trang bị rất nhiều kỹ năng cần thiết như kỹ thuật lái xe tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, kỹ thuật bắn súng..., Họ còn được rèn luyện vốn ngoại ngữ tốt, các kỹ năng mềm để phục vụ công tác ở môi trường phái bộ như kỹ năng xử lý tình huống, kĩ năng đàm phán, thương lượng, kỹ năng sinh tồn trong môi trường khó khăn và xung đột, kỹ năng sử dụng bản đồ, bộ đàm và các thiết bị liên lạc vệ tinh, kỹ năng sơ cứu thương và nhận biết về bom mìn.

Ngày 15/6/2021 đánh dấu một sự kiện quan trọng với lực lượng Cảnh sát GGHB LHQ của Việt Nam khi Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Văn phòng thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ. Ngay sau khi thành lập, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chuẩn bị và tổ chức lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ. Dấu mốc quan trọng này đã mở ra một giai đoạn sôi động lực lượng CAND nhập vào đội quân mũ nồi xanh. 

Sau 6 năm nỗ lực chuẩn bị, qua bao ngày tháng luyện rèn, đến tháng 2/2022, tổ công tác gồm 8 sĩ quan đầu tiên tham gia khóa huấn luyện và dự thi sát hạch năng lực tham gia phái bộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và thi đỗ với tỉ lệ rất cao. Điều đó cho thấy năng lực của các sĩ quan công an Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của LHQ. Có mặt trong đội hình đầu tiên tham gia huấn luyện tiền triển khai, Thượng tá Lương Thị Trà Vinh kể: “Một số nội dung lực lượng ta huấn luyện cao hơn so với mức yêu cầu của LHQ. Vì thế, khi đi thi ở Thổ Nhĩ Kỳ, các sĩ quan CAND đã thể hiện được khả năng vượt trội so với các nước, trong đó có kỹ năng bắn súng và xử lý tình huống”. 6 năm chuẩn bị cho đợt ra quân đầu tiên là quá trình chuẩn bị khẩn trương và kĩ lưỡng, đồng bộ về mọi mặt để người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam cùng chung vai gánh vác trọng trách GGHB LHQ. 

Các sĩ quan CAND tham gia tập huấn tiền triển khai gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2/2022.

Đợt xuất quân đầu tiên

Ngày 21/8/2022,  Trung tá Nguyễn Ngọc Hải là sĩ quan CAND đầu tiên của Bộ Công an đặt chân tới Trụ sở LHQ  tại New York, Mỹ khi trúng tuyển vào vị trí chuyên gia phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình, Ban Thư ký LHQ. Tiếp đó, ngày 10/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho 3 sĩ quan đầu tiên đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Phái bộ UNMISS, Nam Sudan. Trong buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã nhấn mạnh: “Việc Bộ Công an chính thức cử 3 sĩ quan tham gia lực lượng GGHB LHQ tại Nam Sudan là một dấu mốc quan trọng, là điểm sáng nổi bật trong hoạt động đối ngoại an ninh, một bước tiến trong hội nhập, hợp tác, phát triển toàn diện; khẳng định nhất quán quan điểm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Chuyến bay tối 13/10/2022 sang phái bộ UNMISS, Nam Sudan là hành trình đặc biệt với Đại tá Huy, Thượng tá Hùng và Thượng tá Vinh. Hành trang của họ ngày lên đường là những lời căn dặn, lời chúc “chân cứng đá mềm, ra quân thắng lợi” của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 05 (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an), có những giọt nước mắt bịn rịn chia tay của người thân, có lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ LHQ trên tay. Khoác lên mình bộ trang phục GGHB LHQ của lực lượng CAND Việt Nam, đội chiếc mũ nồi xanh là biểu tượng của hòa bình, mang theo lời thề danh dự “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến”, họ sẵn sàng bước vào một giai đoạn nhiều thử thách, chông gai nhưng cũng đầy mới mẻ, ý nghĩa. Trong số 193 thành viên LHQ có khoảng 130 nước cử cảnh sát tham gia hoạt động GGHB. Việt Nam là nước thứ 121 đóng góp cho cảnh sát GGHB. Đợt xuất quân năm 2022 đã đánh dấu mốc con số 121 đáng nhớ này.

“Gần đáp xuống Nam Sudan, từ trên máy bay nhìn xuống, thủ đô Juba hiện lên với những ngôi nhà lúp xúp, thưa thớt, những con đường đất đặc trưng. Nam Sudan chào đón chúng tôi bằng cái nắng như thiêu như đốt trên nền nhiệt gần 50 độ C, bằng những cơn lốc bụi đỏ hồng không gian và sự nghèo nàn, đói khổ”. Dù đã tìm hiểu từ trước, nhưng chỉ khi đặt chân tới đất nước châu Phi này, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự đói nghèo và nắng gió khắc nghiệt nơi đây”, Thượng tá Vũ Việt Hùng chia sẻ.

Thiếu tá Hoàng Trọng Hòa làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại địa bàn Bor, Nam Sudan.

Đại tá Lê Quốc Huy - Tổ trưởng tổ công tác số 1 tại Nam Sudan chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên Bộ Công an cử cán bộ tham gia hoạt động GGHB LHQ nên thông tin nắm được khá ít ỏi, chưa hề có kinh nghiệm về hoạt động GGHB. Tuy nhiên, cả 3 sĩ quan đã trúng tuyển vào các vị trí công tác. Điều đó cho thấy sự cố gắng, nỗ lực học hỏi, chứng minh năng lực của các sĩ quan CAND Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công tác trong môi trường đa phương, đa quốc gia.

Không ngừng tăng quân số và mở rộng địa bàn

Tiếp nối những thành công của tổ công tác số 1, tháng 8/2023, tổ công tác số 2 gồm Trung tá Bùi Phương Lân, Trung tá Nguyễn Thu Hà và Thiếu tá Đinh Mạnh Cường đã lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS. Liên tiếp sau đó, tháng 5/2024, Bộ Công an cử 2 sĩ quan là Thiếu tá Vũ Trần Thắng, Đại úy Nguyễn Lan Anh và gần đây nhất là Trung tá Trịnh Xuân Hiển đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Đây là 3 sĩ quan CAND Việt Nam đầu tiên tham gia nhiệm vụ GGHB tại vùng đất này.

Ngày 24/6/2024, tổ công tác số 4 của Bộ Công an gồm Thiếu tá Hoàng Trọng Hòa, Đại úy Nguyễn Thế Anh và Đại úy Trần Thị Thu Trang cũng là những sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên nhận nhiệm vụ GGHB LHQ tại Văn phòng Cảnh sát địa bàn Bor, bang Jonglei, Nam Sudan. Trong 3 năm qua, lực lượng CAND đã không ngừng tăng quân số và mở rộng địa bàn thực hiện nhiệm vụ. Đã có 4 tổ công tác, 12 lượt sĩ quan CAND triển khai theo hình thức cá nhân tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan) và Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei - khu vực tranh chấp nằm giữa Sudan và Nam Sudan) và 1 sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân tại trụ sở LHQ. Con số đó đã nói lên chặng đường đầy nỗ lực của CAND Việt Nam trong quá trình tham gia vào hoạt động GGHB LHQ. 

Với nhiệt huyết và quyết tâm lên đường, các sĩ quan CAND Việt Nam đang dần có mặt tại nhiều vùng đất tại châu Phi. Ở các vị trí công tác khác nhau, 12 sĩ quan đã và đang tham gia nhiều hoạt động của phái bộ, từ mảng thanh tra và đánh giá nội bộ, quản lý đào tạo, hậu cần thuộc sở chỉ huy đến xây dựng và phát triển năng lực ở các văn phòng cảnh sát địa bàn. Hình ảnh các sĩ quan CAND Việt Nam đội mũ nồi xanh lên đường làm nhiệm vụ quốc tế đã trở nên quen thuộc và màu cờ Việt Nam dần phủ rộng hơn trên bản đồ GGHB LHQ.

Từ năm 1948 đến nay, LHQ đã triển khai 61 phái bộ trên khắp thế giới với sự tham gia của 116 quốc gia thành viên. Hiện tại có 11 phái bộ hoạt động GGHB LHQ đang được triển khai với tổng số trên 119 nghìn người tham gia. Trong đó, có các sĩ quan CAND Việt Nam tham gia ở trụ sở chính New York và 2 phái bộ UNMISS ở Nam Sudan và UNISFA ở khu vực Abyei. Những người lính mũ nồi xanh CAND Việt Nam đang từng ngày từng giờ nỗ lực vì hòa bình ở vùng đất châu Phi. ​​​​​

(Còn tiếp)

Huyền Châm -  Trần Xuân

Một trong những tổ chức thường xuyên đưa ra các trò lố dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới để thực hiện các hành động chống phá Việt Nam là Việt Tân. Những hoạt động của tổ chức này dưới vỏ bọc bảo vệ nhân quyền, dân chủ song thực chất là nhằm mục tiêu gây rối an ninh trật tự, phá hoại sự ổn định đất nước, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Tình hình tại Syria có dấu hiệu dần ổn định trở lại sau khi lực lượng nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu khởi động quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua một chính phủ chuyển tiếp, mang đến kì vọng cho nhiều người dân Syria về khả năng chấm dứt chuỗi ngày xung đột triền miên.

Trong những năm gần đây, thuốc lá điện tử đã trở thành trend mới phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở giới trẻ. Dù được quảng bá như một giải pháp thay thế ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, thực tế cho thấy thuốc lá điện tử đang đặt ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của thanh thiếu niên. Do đó, việc cấm thuốc lá điện tử là một biện pháp cấp thiết để bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ.

Ngày 11/12, HĐND TP Hà Nội đã dành nửa ngày để tiến hành phiên tái chất vấn và chất vấn những nội dung đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Đáng chú ý, liên quan đến quản lý tài sản chung, hiện nay vẫn còn hơn 800 tỷ đồng tiền nợ từ quỹ nhà cho thuê chưa thu hồi được gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Nằm ở phía Bắc của TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), những năm qua, cụm công nghiệp (CCN) An Hòa thu hút nhiều doanh nghiệp vào đây đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng, nhà xưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra ở CCN này nhất là sau những trận mưa lớn kéo dài; điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và người lao động.

Bụi đã lắng xuống ở Dnipro sau đòn tập kích gây sửng sốt của Nga bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik. Thiệt hại hữu hình mà nó gây ra có thể không lớn, nhưng việc một loại vũ khí khác biệt như Oreshnik tham gia chiến đấu thực tế ngay trên lục địa châu Âu là lời cảnh báo của Moscow về những "lằn ranh đỏ" và có thể sẽ tác động đến cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文