Kia
Mobifone

Giọt nước làng Ốp

Thứ Ba, 19/09/2023, 08:15

Ngôi làng nằm giữa phố thị gắn với đại ngàn, mang trong mình những ngôi nhà dài, giọt nước xưa, những bức tượng gỗ cười với gió mưa và tiếng chiêng gọi yàng huyền bí xa xăm... Tất cả còn đây, những dấu tích trầm mặc của thời gian và sự biến thiên tạo hóa…

1. Già Siu Núi (56 tuổi) vui vẻ tiếp tôi trong căn nhà khang trang nơi đầu làng Plei Ốp (phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), ông nói rằng mình còn trẻ, vốn không muốn nhận trọng trách già làng, nhưng bà con tín nhiệm bầu lên thì phải nghiêm túc nhận lãnh, đó vừa là vinh dự cho ông, mà trách nhiệm trước làng cũng thật lớn lao và nặng nề. Già Siu Núi tâm sự, không phải ngẫu nhiên mà ông được bà con tôn lên làm già làng. Vào năm 2017, cha của ông là già Sir qua đời ở tuổi 78. Già Sir là một trong những người uy tín bậc nhất của làng Ốp, gắn bó và đảm nhận nhiệm vụ già làng suốt nhiều thập niên nên khi ông về với Yàng, bà con đã rất hụt hẫng và tiếc nhớ, họ đồng lòng bầu con trai của già Sir kế tục sự nghiệp cộng đồng cao cả của cha. Vì lẽ đó mà ông Siu Núi không thể chối từ, ông trở thành già làng trẻ nhất từ trước đến nay của làng Plei Ốp.

Giọt nước làng Ốp -0
Cảnh sinh hoạt tại giọt nước làng Ốp.

Khi những câu chuyện nguồn cội tạm lắng, già Siu Núi bắt đầu kể cho tôi nghe về giọt nước làng Ốp của mình. Duyên khởi của làng được hình thành từ miệng núi lửa âm hình lòng chảo đã tắt từ hàng trăm triệu năm trước, tạo thành một thung lũng với đất đai màu mỡ, phì nhiêu cùng dòng suối Ia Nil mát mẻ, trong lành. Người dân làng Ốp bao đời lên nương rẫy trồng khoai sắn, xuống ruộng cấy lúa.. Trải qua biến thiên thời gian, đồng bào nơi đây vẫn gắn chặt đời mình với chứng tích của những ngày đầu lập làng.

Già Siu Núi cho biết, thuở ban đầu làng có bốn giọt nước hay còn gọi là bến nước, được lấy từ dòng suối Ia Nil bắt nguồn từ xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) sau đó chảy về khu vực thành phố Pleiku. Tồn tại với thời gian, dòng suối Ia Nil lúc âm thầm róc rách, khi cuồn cuộn dâng trào tưới mát cho một vùng đất đai rộng lớn. Nó là chứng nhân cho sự đổi thay của bao thế hệ người làng. Họ chưa bao giờ thấy dòng suối cạn nước dù có những năm hạn hán khát khô.

Xưa kia, khi quanh làng còn nhiều thú dữ, dòng suối cuộn trào như dòng thác ngăn lũ thú hoang làm hại người làng. Mùa khô, dòng nước ấy lại hiền hòa tắm mát bao con người. Dòng suối giúp dân làng có nước để uống, có cá để ăn. Người làng Ốp coi suối Ia Nil như dòng nước mẹ, với quan niệm “vạn vật hữu linh", họ cho rằng chính Yàng Ia đã tạo ra nguồn nước. Hằng năm, dân làng đều duy trì việc cúng Yàng tại bến nước này.

Chỉ ra hướng giọt nước còn lại của làng Ốp, già Siu Núi trầm ngâm: “Từ bốn giọt nước, bây giờ làng Ốp chỉ còn một giọt thôi, ngẫm lại thấy buồn thương cho con nước nhưng mình biết đó là quy luật hà khắc của tự nhiên. Giọt nước ấy, vẫn ngày đêm chảy tràn bờ ruộng, dân làng đang ra sức giữ gìn và bảo vệ để giọt nước sẽ chảy mãi không ngừng”.

Giọt nước làng Ốp -0
Già làng Siu Núi.

Để minh chứng cho điều mình nói, già Siu Núi dẫn tôi ra giọt nước, cách nhà của ông một con dốc nhỏ. Giọt nước làng Ốp nằm giữa khu dân cư sầm uất, bên dưới là cánh đồng lúa đang thì con gái. Dù cuộc sống hiện đại, giọt nước nằm giữa thành phố náo nhiệt nhưng nơi này vẫn còn mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cô gái Jrai vui cười hứng những gùi nước căng tràn từ giọt nước về để uống và những bà mẹ tảo tần còng lưng địu con trẻ, tay thoăn thoắt đập quần áo dưới những dòng chảy róc rách của giọt nước mát lành.

Thật kỳ diệu khi dưới nhiều lớp bê tông của đô thị hóa, có một dòng chảy mạnh mẽ luôn tuôn trào, chưa bao giờ ngưng nghỉ. Già Siu Núi bảo rằng, từ ngàn đời nay, trong ý nghĩ của người Tây Nguyên, hình ảnh giọt nước vừa gần gũi, vừa thiêng liêng huyền bí. Nếu lửa tượng trưng cho ý chí, cho dũng khí của người Tây Nguyên thì bến nước chính là sự dịu ngọt của tâm hồn, là nguồn mạch dạt dào tình cảm. Âm thanh gợi nhớ của người Tây Nguyên là cồng chiêng, còn hình ảnh gợi nhớ của họ chính là giọt nước, dù đi xa đến nơi đâu họ cũng luôn nhớ về bến nước nơi buôn làng mình. Từ giọt nước, con người Tây Nguyên đã tạo dựng trong làng một cuộc sống nghĩa tình và gắn kết.

Ngày trước, khi buôn làng còn mang đậm tính cộng đồng, còn giữ nguyên nét văn hóa bản địa thì các chị em phụ nữ còn ra giọt nước tắm. Đây cũng là một nét đẹp đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, hòa nhập với cuộc sống văn minh, các buôn làng đều có giếng nước nhưng phần lớn người dân vẫn không bỏ được tập quán sử dụng nước ăn từ giọt nước và việc đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt nơi bến nước vẫn là một bản sắc dân tộc đặc sắc được gìn giữ.

Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này, những vui buồn của cuộc đời già Siu Núi đều gắn bó cùng giọt nước. Vậy nên, khi có ai nhắc về giọt nước, trong lòng già Siu Núi vừa tự hào lại vừa xúc động.

2. Làng Plei Ốp nằm lòng giữa thành phố Pleiku, một làng trong phố bình yên, thơ mộng đẹp như tranh vẽ. Làng có từ bao giờ? Tôi hỏi già Siu Núi. Ông bảo, đời mình và đời cha mẹ sinh ra đã có làng, lâu lâu lắm rồi nên không ai nhớ nổi.

Mặc dù bây giờ làng đông đúc, trù phú với cà phê, lúa nước, rau củ quả theo mùa mưa nắng nhưng làng Ốp vẫn còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngày nay, bà con trong làng không ở nhà sàn như xưa kia do nguyên liệu để làm ngày càng khó, vì rừng đã lùi xa dần con người từ lâu, nếu như trước đây bước vài đoạn là đến cửa rừng chặt vài cái cột về dựng nhà. Tuy nhiên, nhà rông của làng vẫn còn sừng sững to đẹp nhất vùng và một vài dãy nhà sàn, nhà dài thoáng đẹp, có trang trí tượng gỗ dân gian mô tả đời sống sinh hoạt sinh động với chàng dũng sĩ, chàng trai múa trống, cô gái múa xoang, phụ nữ ôm bầu nước, mẹ bồng con... cây nêu trang trí hoa văn rực rỡ, đường hoa lối cỏ xanh sạch đẹp.

Giọt nước làng Ốp -0
Nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao.

Đến làng văn hóa Plei Ốp mà không chiêm ngưỡng dàn tượng gỗ được trưng bày trong các nhà dài, nhà rông và các quán cà phê, quán ăn thì quả là thiếu sót. Bởi đó chính là linh hồn của đồng bào Tây Nguyên, là nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt mà không nơi nào có được. Tác giả của những bức tượng gỗ là các nghệ nhân người dân tộc Bahnar và Jrai, những người có nhiều trải nghiệm sống và vốn hiểu biết văn hóa về dân tộc mình. Để tạc nên những bức tượng gỗ vừa có hồn lại vừa gần gũi với đời sống sinh hoạt của dân làng, họ chỉ sử dụng các dụng cụ đơn giản như đục, rìu, rựa, dao... Ở mỗi bức tượng như tượng mẹ ôm con, mang gùi, các loài chim, thú, người ôm mặt buồn... đều ẩn chứa tình cảm của nghệ nhân với tác phẩm của mình. Đó cũng là lý do khiến bất cứ ai khi đặt chân đến làng, dù chỉ ngắm nhìn tượng gỗ thôi đều như được chứng kiến đời sống hằng ngày của những cư dân nơi đại ngàn qua bao thế hệ.

“Tượng gỗ cũng có linh hồn, đó là sự khẳng định của tất cả những người chiêm ngưỡng nghệ thuật tạc tượng được thể hiện dưới bàn tay diệu kỳ của những nghệ nhân. Nhiều người, khi chiêm ngưỡng những bức tượng thành hình, họ không khỏi thốt lên những lời trầm trồ thán phục”, già Siu Núi cảm nhận.

Những nghệ nhân lão làng có khả năng thổi hồn cho tượng gỗ như cụ Siu Chel và cụ Mlich tuổi đời đều đã cao, sức khỏe yếu không cầm nổi rựa, dao để làm tượng nữa. Nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao là người lãnh trọng trách tạc tượng, ông bị cuốn vào hồn tượng đến nỗi quên ăn quên ngủ. Rất nhiều tượng gỗ đang trưng bày ở làng Ốp là do bàn tay tài hoa điêu luyện của nghệ nhân Hnao. Ngày tôi đến gặp ông tại làng Kép, ông đã yếu đi rất nhiều. Đôi chân của ông không còn đi lại được bình thường do căn bệnh suy giãn tĩnh mạch và xương khớp. Nhắc đến tượng gỗ, lòng ông buồn nôn nao, ông nói: “Bây giờ tôi chỉ ước mình có thể đứng lên mà đi, cầm cây rìu mà đẽo gọt từng thớ gỗ, tạc nên những mặt người trong trí tưởng tượng của mình. Đầu óc tôi còn rất minh mẫn, trớ trêu thay đôi chân đã không chiều lòng người”.

3. Giữa thời hiện đại, một ngôi làng trong phố còn giữ được những nét đẹp hoang sơ, thấm đẫm tính cộng đồng dân tộc là điều quý hiếm. Theo trưởng thôn Rơ Mah Hur, làng Plei Ốp được thành lập khoảng năm 1927 với 15 hộ dân và 76 nhân khẩu. Đến nay, làng có khoảng 130 hộ với 650 khẩu. Người dân nơi đây luôn đoàn kết, cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông với nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng... Trong những dịp hội làng, người dân có thói quen tập trung dưới mái nhà rông để cùng nhau đánh chiêng, trò chuyện, uống rượu cần và hát cho nhau nghe giai điệu dân ca đặc sắc của đồng bào mình.

Với những lợi thế sẵn có của địa lý tự nhiên, cùng một đời sống văn hóa đẹp đẽ được gầy dựng và gìn giữ, vào năm 2008, làng Plei Ốp được thành phố Pleiku quyết định đầu tư xây dựng trở thành làng văn hóa du lịch. Theo đó, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch cùng các hạng mục công trình khác dần được hoàn thiện, vệ sinh môi trường được bảo đảm. Nhà rông văn hóa được lợp mái lại khang trang với sân ốp đá, rộng rãi và rợp mát bóng cây.

Giọt nước làng Ốp -0
Tượng gỗ và cồng chiêng được trưng bày tại làng Ốp.

Mỗi mùa lễ hội, dưới mái nhà rông, dân làng lại thực hiện các nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa như: Pơthi, lễ hội mừng lúa mới... cùng với giai điệu cồng chiêng ngân vang, điệu xoang nhịp nhàng xao xuyến.

Vui với niềm vui của dân làng, thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai) chia sẻ: “Đến với làng du lịch cộng đồng, chiêm ngắm tượng gỗ trưng bày để hiểu thêm về truyền thống văn hóa của hai dân tộc Ba Na và Jrai của Tây Nguyên. Tượng gỗ thật sự trở thành sứ giả văn hóa, trang trí cho buôn làng thêm đẹp, vui mắt, góp phần giới thiệu trực quan sinh động giá trị nghệ thuật, văn hóa của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này đến với du khách. Đồng thời, góp phần giáo dục nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, khuyến khích thế hệ trẻ, biết khai thác tiềm năng di sản văn hóa truyền thống để khởi nghiệp, tăng thu nhập và phát triển du lịch văn hóa”.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin thành phố Pleiku cho biết thêm: “Thành phố Pleiku có gần 30 dân tộc anh em, trong đó người Jrai và Bah Nar là cộng đồng dân cư tại chỗ nên có nhiều điều kiện phát triển du lịch cộng đồng. Việc phát triển du lịch tại đây dựa trên những đặc trưng về không gian văn hóa, nghệ thuật vốn có tại địa phương. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có làng Plei Ốp đang được ngành chức năng dành sự quan tâm đặc biệt và dành nhiều tâm huyết để hoàn thiện đề án.

Ngọc Thiện

.