Tiềm ẩn mối nguy từ dịch vụ “ghép xe - tiện chuyến”

10:52 04/07/2022

Với những ưu điểm nổi bật được rao mời như “đón tại nhà, giá thành hợp lý, trả người đúng điểm”, loại hình dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến đang trở thành lựa chọn của nhiều người, kể cả tại các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh. Tuy nhiên, việc nở rộ dịch vụ này đang tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh trong ngành vận tải, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng. Đặc biệt nó ẩn chứa những nguy hiểm tới sự an toàn của người sử dụng dịch vụ.

Dịch vụ chung xe - chung lợi ích

Trong khoảng 2 năm qua, do ảnh  hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động vận tải khách bằng ô tô bị ảnh hưởng vô cùng lớn do phải tạm dừng trong thời gian dài. Và, khi những hoạt động trở lại bình thường, nhu cầu của người dân tăng cao, nắm bắt được điều này, nhiều hội, nhóm liên quan tới hoạt động “xe ghép” trên mạng xã hội hoạt động rầm rộ. Như trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ từ khóa “xe ghép” có thể cho ra hàng nghìn kết quả. Có một đặc điểm chung của các trạng thái đều có câu: “Đón tận nơi, trả tận nhà”. Qua tìm hiểu thì những xe này thường là ô tô 4-16 chỗ nhưng chỉ nhận từ 2 đến 4 khách/lượt.

Những hội nhóm “ghép xe” có rất nhiều trên mạng xã hội.

Chị Lê Thị Liên, xã Bảo Khê (TP Hưng Yên), một khách hàng quen thuộc của dịch vụ xe ghép chia sẻ: “Hiện nay, dịch vụ xe ghép được chia sẻ hằng ngày trên mạng xã hội Facebook, Zalo với khung giờ đi, đến, giá vé và đầy đủ số điện thoại lái xe. Chỉ cần lựa chọn một nhà xe bằng hình thức tương tác qua mạng xã hội là vài phút sau sẽ nhận được cuộc gọi kết nối để chốt chuyến. Thực sự, sau khi sử dụng dịch vụ, tôi nhận thấy, mặc dù giá thành cao hơn so với sử dụng dịch vụ vận tải công cộng (xe buýt) nhưng sử dụng xe ghép khá tiện lợi, khách hàng được đưa đón tận nơi, giờ giấc có thể linh hoạt bởi một tuyến sẽ có nhiều đầu xe phục vụ”.

Theo như chị Liên phân tích, nếu chị đi taxi từ Hưng Yên đến Hà Nội và ngược lại, chị phải trả là 500-700 nghìn đồng/lượt, thì khi sử dụng dịch vụ xe ghép, số tiền bỏ ra chỉ từ 150-170 nghìn đồng/lượt. Còn với loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định như xe khách, xe bus... thì xe ghép có giá cao hơn. Tuy nhiên, thay vì phải đến một bến cố định để chờ xe thì dịch vụ xe ghép đón hành khách tại nhà và trả tận điểm muốn đến, bảo đảm trong khung thời gian hành khách cần. “Chính những tiện ích này đã khiến nhiều hành khách dần bỏ thói quen đi các loại hình vận tải truyền thống để chuyển sang sử dụng dịch vụ xe ghép”, chị Liên cho biết thêm.

Em Nguyễn Thị Lan (quê Yên Bái, sinh viên năm 2 đại học), một khách hàng rất quen thuộc của dịch vụ xe ghép, cho hay: “Dịch vụ này rất phù hợp với những người thường xuyên về quê, quá dễ dàng để đặt được xe ghép khi muốn về quê. Em chỉ cần lên mạng lựa chọn một nhà xe hoặc hình thức tương tác qua mạng xã hội là vài phút sau sẽ nhận được cuộc gọi kết nối để chốt chuyến. Dù dịch vụ này có giá cao nhưng rất tiện lợi, bởi 1 tuyến sẽ có nhiều đầu xe phục vụ”, Lan chia sẻ.

Một dòng trạng thái của tài xế chạy từ Hà Nội về Hưng Yên có nhu cầu đón khách.

Trong vai một hành khách có nhu cầu về thành phố Yên Bái, chúng tôi lên mạng xã hội Facebook để đặt chuyến. Chỉ sau 5 phút đặt lịch, chủ xe đã gọi điện để hỏi điểm đón, nơi đến, với giá 250 nghìn đồng/lượt cho quãng đường từ Hà Nội lên Yên Bái. Điểm chúng tôi chờ xe là cổng công viên Cầu Giấy, một chiếc xe Inova biển trắng đến đón rất đúng giờ. Tài xế này tự giới thiệu tên Chung, chuyên chạy xe ghép Yên Bái - Hà Nội. Anh Chung thật thà chia sẻ, nhóm của anh có 4 đầu xe từ 4 chỗ đến 7 chỗ, luân phiên chạy vào các giờ cố định trong ngày. Các xe cùng nhận khách và dồn khách cho nhau trong cùng nhóm, chính vì thế khách không phải chờ lâu, quan trọng là cùng gây dựng chất lượng, uy tín để phục vụ lâu dài. “Trước tôi chạy taxi nhưng giờ chuyển sang chạy xe ghép thì lượng khách đều hơn, thu nhập ổn định hơn nhiều”, anh Chung tiết lộ.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các tuyến xe Yên Bái - Hà Nội, đều có từ 4 đến 6 đầu xe thành lập nhóm vận chuyển hành khách. Họ thống nhất với nhau, khi cơ quan chức năng kiểm tra sẽ cùng trả lời rằng đưa người nhà đi du lịch, thăm họ hàng hoặc đi chơi. Một thực tế là, các xe ghép này đều không đăng ký kinh doanh chở khách. Giá từng chuyến đều do chủ xe và khách hàng tự thỏa thuận, đương nhiên là không bán vé cho khách như các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống.  Do đó, việc nở rộ hình thức “xe ghép” bên cạnh mang lại những lợi ích trước mắt cho khách hàng thì vô hình trung dịch vụ này không chỉ làm hỗn loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống.

Theo tiết lộ của các tài xế chạy xe ghép thì điều kiện hoạt động loại xe này khá dễ dàng, chỉ cần một chiếc xe, không phải kê khai đăng ký, không nộp thuế, không phải trả trích đóng doanh thu... nên loại dịch vụ xe này ngày càng nhiều. Thực tế là đã có rất nhiều người từng lái taxi, xe khách đường dài, thậm chí đang làm công nhân cũng chuyển sang lái thuê cho các ông chủ xe ghép hoặc tự sắm xe làm dịch vụ.

Một chiếc xe đang chờ khách tại khu vực Cầu Giấy.

Tiềm ẩn rủi ro và cạnh tranh không lành mạnh

Việc xe ghép xuất hiện ngày càng nhiều khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi như: Liệu đi xe ghép có đảm bảo an toàn không? Vì lái xe là người tự do, không được kiểm tra sức khỏe định kỳ, bằng lái ra sao. Cùng với đó là việc không lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình theo quy định đối với xe kinh doanh vận tải nên sẽ không có sự theo dõi, kiểm soát tài xế trong quá trình làm việc. Trung tá Trần Quang Vinh, đội tuyên truyền Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết: “Lái xe thường dặn trước với khách là nếu bị hỏi thì nói là người nhà hoặc là đi du lịch để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Ngoài ra, họ có thể hoạt động vào các cung giờ mà lực lượng chức năng ít xuất hiện. Nói chung, họ nghĩ ra các loại chiêu trò để làm sao không bị xử lý”.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội cho hay, chính việc không kiểm soát được lái xe có thể dẫn đến rất nhiều rủi ro như: Lái xe có thể sử dụng chất kích thích, cướp của và tấn công tình dục khách hàng,...

Còn ông Lê Tuấn Giang, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông - Vận tải Yên Bái cho rằng, loại hình xe ghép, xe chung, xe kết hợp hiện nay đang phát triển rất mạnh trên địa bàn tỉnh. Do nhu cầu của người dân đi lại liên tỉnh nhiều nên đã tìm đến và sử dụng dịch vụ của loại hình vận tải này. Người dân hiện vẫn chưa ý thức được việc đi loại hình xe này sẽ có thể phát sinh nhiều rủi ro.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Quang, Chánh Thanh tra sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hưng Yên cho hay: Phương tiện mà các tài xế sử dụng để làm dịch vụ “xe ghép” chủ yếu là xe riêng, xe gia đình, không có logo, phù hiệu, không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý. Mặc dù lực lượng thanh tra đã nhiều lần mở chuyên đề, xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý loại hình dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến nhưng khi lên xe, hành khách đều được lái xe dặn dò nếu có lực lượng chức năng dừng xe xử lý thì phải trả lời đây là xe gia đình hoặc vẫy đi nhờ. Vì thế, dù có biết chính xác đây là xe đang kinh doanh dịch vụ vận tải nhưng lực lượng chức năng cũng không có bằng chứng để chứng minh những người trên xe là hành khách và cũng không có chứng cứ lái xe có thu tiền của khách nên không thể xử lý được.

Có thể thấy, trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ, loại hình xe ghép này đã núp bóng xe gia đình lại không phải thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Hơn nữa, họ sẽ không có phát sinh gì thêm như bến bãi, vì vậy cung cấp dịch vụ giá rẻ. Đây là nguyên nhân cho việc tạo nên một môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh. Các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống sẽ yếu thế hơn. Đó là chưa kể một khi có sự cố xảy ra trên hành trình thì khó mà tìm được người chịu trách nhiệm?

Trước đây chiếc xe này của anh Chung chuyên chạy dịch vụ taxi nhưng khoảng 3 tháng nay anh bắt đầu chuyển sang chạy xe ghép.

Ông Nguyễn Công Tỵ, giám đốc một công ty vận tải tư nhân chia sẻ, xe khách tuyến cố định phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh vận tải, phải chạy theo đúng thời gian, luồng tuyến, lộ trình đăng ký. Trong khi xe ghép, xe tiện chuyến chạy liên tục, đưa, đón khách khắp nội thành Hà Nội, dừng, đỗ bất cứ chỗ nào mà không mất tiền bến bãi, không phải nộp thuế cho Nhà nước nên đi nhanh hơn, tiện hơn mà giá vé chỉ cao hơn vài chục nghìn đồng so với xe khách. Loại hình dịch vụ này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống nói chung và xe khách theo tuyến cố định nói riêng.

Việc mô hình xe ghép phát triển mạnh còn làm thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Như dịch vụ taxi, một xe cá nhân được nhượng lại thương hiệu, logo, bộ đàm của hãng taxi phải nộp ngân sách nhà nước bình quân 5-7 triệu đồng/năm, bao gồm: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, việc sớm đưa loại hình dịch vụ “xe ghép” vào khuôn khổ pháp luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, người dân cũng cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn sử dụng các loại hình dịch vụ vận tải; nên lựa chọn các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải uy tín, được đăng ký kinh doanh đầy đủ vì sự an toàn của bản thân.

Bộ Giao thông - Vận tải đang đề xuất với Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải thực hiện theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại một điểm cố định; mỗi xe trong tháng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều người thuê dịch vụ vận tải khác nhau... Nếu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ hoàn tất thì việc quản lý dịch vụ mà người dân hay gọi là “xe ghép” sẽ thuận lợi hơn.

Phong Anh

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

Hiện nay, trên mạng xã hội đã xuất hiện những thông tin thất thiệt, không có cơ sở về hướng di chuyển của bão số 3 trên một diễn đàn với 35.400 thành viên. Rất nhiều người đã chia sẻ, coppy, đăng tải lại thông tin không đúng này.

Ngày 7/9, Công an Hà Nội cho biết, để chủ động, kịp thời ứng phó với bão số 3 Yagi, Phòng CSGT yêu cầu các đơn vị sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. CSGT sẽ tạm cấm người tham gia giao thông di chuyển vào khu vực nguy hiểm, ngập sâu, cây xanh đổ, huy động lực lượng phân luồng giao thông khi bão số 3 đổ bộ.

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra úng ngập cục bộ, cây đổ cành gẫy do bão số 3 gây ra, Sở Xây dựng yêu cầu các Công ty TNHH MTV: Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh Hà Nội, Nước sạch Hà Nội, Chiếu sáng và Thiết bị đô thị tập trung ứng trực 100% nhân lực, thiết bị phục vụ phòng chống bão.

Ngày 7/9, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2020.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文