Câu chuyện bóng đá: ‘Bán’ V.League cách nào?
Cần trở lại bối cảnh trước thềm V.League 2015 khai mạc, khi mà nhà tài trợ Eximbank rút lui và cả VPF lẫn VFF đều đã toát mồ hôi hột trong việc đi tìm nhà tài trợ mới. Khi ấy Toyota xuất hiện như một cứu cánh, và nhiều người cho rằng cái cứu cánh ấy đến phần nhiều từ mối quan hệ ngày một khăng khít giữa bóng đá Việt Nam với bóng đá Nhật Bản.
Nhưng có 2 vấn đề cần thấy trong câu chuyện này: thứ nhất, theo nhiều nguồn tin thì số tiền mà Toyota đổ vào V.League chỉ vào khoảng trên 30 tỷ đồng, nghĩa là thấp hơn con số Eximbank từng đổ vào (khoảng 35 - 40 tỷ đồng), và thấp một cách kỷ lục so với số tiền mà chính Toyota đổ vào giải bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan (khoảng 150 tỷ đồng).
Thứ hai, nhà tài trợ cũng đưa ra những đòi hỏi về việc VFF, VPF phải không ngừng cải thiện chất lượng và hình ảnh V.League, thậm chí khẳng định việc họ có tiếp tục tài trợ nữa hay không phụ thuộc lớn vào vấn đề này.
Sau một mùa giải, V.League lại lo tìm tài trợ mới. Ảnh: H.M. |
Vậy thì những gì đã diễn ra ở V.League có đáp ứng được mong muốn của nhà tài trợ hay không? Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng giám đốc VPF Phạm Phú Hoà cho rằng, nhìn một cách toàn diện thì công ty này đã đạt được khoảng 80% hiệu quả công việc, và vì thế nhà tài trợ đã có một cái nhìn đầy thiện chí. Tuy nhiên có những thông tin khác cho hay khi V.League bước vào giai đoạn nhạy cảm, nhiều trận đấu bị đặt dấu hỏi về tính trung thực thì nhà tài trợ cũng đã theo dõi sát sao và không quên chuyển những thắc mắc của mình tới VPF.
Thực ra với mối quan hệ chiến lược giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản hiện nay, việc Toyota bỏ qua một vài mặt tiêu cực của V.League để chấp nhận tiếp tục tài trợ cho V.League là một khả năng cao. Nó cũng giống với việc trước đây Eximbank - nơi mà ông Phó Chủ tịch Tài chính Lê Hùng Dũng (giờ đã là Chủ tịch) từng ngồi ghế chủ tịch Hội đồng quản trị chấp nhận đổ tiền vào V.League, nhưng như tiết lộ của chính ông Dũng sau này thì nhiều cổ đông của Eximbank đã không ngại đặt ra câu hỏi: Tại sao lại tài trợ một giải đấu "lắm vấn đề" như vậy?
Nhìn lại lịch sử 15 năm V.League, không khó thấy đã có cả một chùm đối tác lần lượt nhận lời làm tài trợ chính, từ Strata đến Kinh Đô, EruroWindow, Petro Vietnam Gas..., nhưng tính trung bình mỗi đối tác cũng chỉ chung sống cùng V.League khoảng 2 năm rồi lại cao chạy xa bay. Và nhìn vào kiểu chung sống này cũng không khó nhận ra nó đến phần nhiều từ "quan hệ", chứ không hẳn vì V.League quả là một món hàng đáng để người ta phải trả giá mua.
Muốn "bán" được V.League một cách thực sự và lâu dài thì ít nhất V.League phải trở thành một món hàng sạch sẽ. Nhưng từ vụ 6 cầu thủ Đồng Nai làm độ ở cuối V.League năm ngoái đến hàng loạt trận đấu bị đặt dấu hỏi ở chặng cuối V.League năm nay thì có lẽ đấy vẫn là một mong muốn - một ước mơ xa xỉ. Điều thực tế nhất có thể nghĩ đến vẫn chỉ là một đối tác nào đó đến với V.League trong khoảng 1, 2 năm chủ yếu vì lý do "quan hệ" rồi sau đó lại là những đối tác ngắn ngủi, mong manh khác...
Các CLB cũng chưa thể "sống" đúng nghĩa bằng bóng đá Nhìn ở góc độ các CLB, sẽ là phi thực tế nếu nói rằng các CLB chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay nhận được các hợp đồng tài trợ một cách... tay bo, sòng phẳng. Thực tế CLB ở địa phương nào thì nhận được đối tác tài trợ ở địa phương ấy, và đổi lại việc đổ tiền tài trợ đội bóng, các doanh nghiệp thường được tạo điều kiện làm ăn thuận lợi trên địa bàn. Ngay cả với những CLB vừa có thực lực chuyên môn tốt vừa có tiềm lực kinh tế dồi dào như Bình Dương hay HN.T&T, chuyện họ thực sự sống bằng bóng đá - bằng sản phẩm của mình cũng là điều không thể. Ngọc Anh |