Đội tuyển Việt Nam cần gì để cải thiện ở vòng bán kết?

18:13 26/11/2018

Quang Hải đá tiền vệ trung tâm hay sẽ chơi gần cầu môn hơn, đó là quyết định của ông Park Hang-Seo và chúng ta không thể tỏ tường bằng HLV trưởng được. Nhưng chúng ta vẫn cần phân tích kỹ hơn để xem tuyến tiền vệ Việt Nam đã vận hành tốt chưa để nhận định nhiệm vụ của ĐT ở bán kết sẽ khó khăn nhường nào 


Chuyển hướng tấn công chưa tốt 

Phút 41, hiệp 1 trận Việt Nam - Cambodia, Trọng Hoàng mở bóng từ biên phải chuyển hướng tấn công sang biên trái. Hồng Duy băng lên, đón đường chuyền trước khi hậu vệ đối phương kịp truy cản. Anh chỉ sớm hơn đối thủ đúng 1 tích tắc. Hồng Duy dốc bóng xuống cấm địa, trả ngược lại cho Quang Hải đệm bóng vào lưới ghi bàn. Ở tình huống đó, chỉ cần sớm hay muộn 1 tích tắc thôi, chưa chắc Hồng Duy đã có bóng và bàn thắng vì thế cũng sẽ không tới.

Sớm hay muộn hay vừa đúng nhịp, tất cả là cảm quan của cầu thủ, mà cụ thể ở đây là Trọng Hoàng. Phải thừa nhận, Trọng Hoàng đã có một cú chuyển hướng tấn công xuất sắc. Và ĐTVN từ đầu giải đến nay có quá ít, nếu không nói là hiếm, những pha chuyển hướng tấn công như thế. Song, nói đến cảm quan, chúng ta cũng nên nhớ rằng hậu vệ Cambodia yếu kém. Nếu gặp đội bóng mạnh hơn, cụ thể như Phillippines, cầu thủ của họ có cảm quan tốt hơn nhiều, họ có thể cắt bóng thành công để đường mở bóng của Trọng Hoàng không tới được chân Hồng Duy.

Nhắc lại pha bóng ấy để chúng ta nhìn vào tổng thể những gì ĐTVN đã trình diễn. Thực tế, đội tuyển chúng ta đã chơi rất tốt nhưng vẫn còn thiếu đột biến trong tấn công. Đó không phải là thứ đột biến đến từ một cầu thủ có khả năng xoay chuyển cục diện trận cầu, mà là đột biến đến từ lối dàn xếp các pha tấn công, đặc biệt là khi một hướng tấn công đang bế tắc.

Trọng Hoàng và Quang Hải - Ảnh: LT

Nếu xem lại các pha tấn công không thành công của ĐTVN, chúng ta dễ dàng nhận thấy khi chúng ta kém thế hơn đối thủ về quân số ở khu vực mà ta đang kiểm soát bóng, chúng ta không có những dàn xếp để giữ bóng và chuyển hướng tấn công sang khu vực khác, nơi có ít áp lực hơn. Trước các đối thủ yếu, tấn công bất thành và mất bóng có thể gỡ gạc lại bằng nỗ lực đoạt bóng sau đó. Nhưng trước những đối thủ mạnh, phản công sắc, mất bóng khi tấn công bất thành ở thế yếu hơn về quân số có thể dẫn tới thảm hoạ.

Trong bóng đá hiện đại, khi pressing, các đội bóng luôn chú trọng đến khu vực bóng đang hoạt động, và gọi đó là khu vực trọng điểm (strong side). Khi đó, họ sẽ dồn quân số vào khu vực trọng điểm này, nhằm dùng ưu thế nhân sự để đoạt lại bóng và từ đó, tận dụng ưu thế nhân sự kể trên để tấn công từ chính khu vực ấy. Và khi dồn nhân sự vào khu vực trọng điểm, tất nhiên ở khu vực đối xứng, quân số sẽ mỏng hơn, và được gọi là khu vực yếu điểm (weak side). Các đội bóng khôn ngoan thường cố gắng dàn xếp để điều chuyển bóng từ trọng điểm sang yếu điểm nhằm giải tỏa áp lực và triển khai các đường tấn công mới.

Việc điều chuyển bóng để chuyển hướng tấn công (switch play) này phụ thuộc rất nhiều vào các tiền vệ trung tâm. Dễ hiểu, đội bóng có thể chuyển hướng đột ngột bằng các pha mở bóng như kiểu Trọng Hoàng đã làm trong trận Cambodia, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Để giữ bóng an toàn, họ cần đưa bóng về phía các tiền vệ trung tâm, dùng chính các tiền vệ trung tâm này làm cầu nối để chuyển hướng tấn công.

Có vài nhận định cho rằng khi đá tiền vệ trung tâm, Quang Hải chưa quen vị trí nên hay có xu hướng giãn ra biên. Thực ra không phải Quang Hải chưa quen vị trí, mà nói chuẩn xác phải là anh quá hiểu đòi hỏi của vị trí. Tiền vệ trung tâm hiện đại có một đòi hỏi là phải biết giãn ra gần biên để hỗ trợ cầu thủ chơi cánh. Và việc Quang Hải giãn ra biên là nhiệm vụ tất yếu mà anh phải thực hiện chứ không phải là di chuyển sai, chọn vị trí sai.

Quang Hải - Ảnh: LT 

Một trong những yếu quyết để pressing hiệu quả là dồn cầu thủ cầm bóng ra biên vì ở đó, không gian chuyền bóng chỉ còn 3 hướng (lên trên, xuống dưới và vào trong) thay vì 4 hướng như cầu thủ cầm bóng ở trung lộ. Và khi cầu thủ ĐTVN cầm bóng ở biên, đối thủ sẽ coi đó là điểm tổ chức pressing lý tưởng. Vậy thì việc của Quang Hải (và Xuân Trường) là phải di chuyển 1 hoặc 2 nhịp lại gần đồng đội gần biên đó để nhận bóng. Đó chính là đòi hỏi tiên quyết của vị trí tiền vệ trung tâm: giải tỏa áp lực.

Vậy thì việc chuyển hướng tấn công chưa tốt của ĐTVN nằm ở đâu? Thực chất, một tiền vệ trung tâm hiện đại phải có tố chất chuyền bóng đa dạng, kết hợp được chuyền ngắn, dài, chuyền trái, phải, chuyền 1 chạm… thật tốt. Quang Hải nắm mọi điểm mạnh đó và chính vì thế, HLV Park Hang-Seo thích dùng anh ở trung tâm hàng tiền vệ. Nhưng đối tác của Hải thì lại không chú trọng vào tư duy chuyền bóng mở sang hai hướng mà thay vào đó, thích những đường chuyền xuyên tuyến hơn. Xuân Trường thực chất là một chân chuyền cừ khôi nhưng việc quen đá với Công Phượng, là người châm ngòi cho Phượng đã khiến Trường bỏ quên mất nhiệm vụ chuyển hướng tấn công từ biên này sang biên kia. 

Chuyền chuyển hướng tấn công cần phải nhìn nhận được đồng đội nào đang đứng ở vị trí giữa các tuyến của đối phương (between the lines) bởi đó là vị trí nhận bóng an toàn nhất khi các đối thủ theo kèm không quá sát. Chính Xabi Alonso từng nói “Muốn chơi tiền vệ trung tâm tốt, bạn không nhất thiết cứ phải chạy hồng hộc. Chỉ cần biết di chuyển vài nhịp tạo khoảng trống, rồi sau đó chuyền cho đồng đội đang đứng giữa các tuyến của đối thủ.”. Và đây là điểm mà Xuân Trường cần cải thiện, bởi Xuân Trường không phải cầu thủ giàu thể lực. Chạy nhiều sẽ khiến anh thiếu hiệu quả. Quan trọng, anh cần chạy lúc nào, và chạy vào chỗ nào để chuyền cho ai chứ không phải chỉ chăm chăm bơm bóng cho Công Phượng mà thôi.

Gặp Phillippines, một đối thủ kỷ luật, tổ chức tốt, pressing tốt, chúng ta sẽ rất cần những tiền vệ trung tâm biết hỗ trợ các cầu thủ chơi biên như Trọng Hoàng, Văn Hậu và từ đó điều phối bóng ở giữa sân để chuyển hướng. Hãy hình dung thế này, nếu Trọng Hoàng có bóng, và ở biên phải chỉ có anh cùng Công Phượng, Quang Hải trong khi đối thủ có đến 5 người, việc của Hoàng là chuyền về cho tiền vệ trung tâm (Quang Hải) thay vì đột phá hoặc đưa bóng cho Phượng ở thế kẹt. Từ đó, Hải có thể phối hợp 1-2 nhịp với Xuân Trường để đưa bóng qua cho Văn Hậu ở biên trống trải hơn. Nếu tấn công nhanh được, đó sẽ là pha bóng lý tưởng. Nếu đối thủ lại dồn quân số biến biên của Văn Hậu thành trọng điểm, điều ta cần là lại kiên nhẫn điều tiết lại, và chuyển hướng tấn công lần nữa. Nên nhớ, đối thủ càng khó, sự kiên nhẫn của chúng ta càng có ích.

Quang Hải cần gì để chơi tốt hơn ở trung tâm hàng tiền vệ?

Thực tế, Quang Hải là một trong những cầu thủ chơi xuất sắc của ĐTVN kể từ đầu giải đến nay. Dù có vài lần chuyền hỏng, chuyền lỗi nhưng Hải đã làm rất hiệu quả kể cả khi được chơi ở trung tâm hàng tiền vệ lẫn khi được trả về hàng công. Nhưng ở trung tâm hàng tiền vệ (nơi có thể Hải sẽ trở về ở trận gặp Phillippines), Hải còn có thể làm tốt hơn nữa, cần cải thiện hơn nữa.

Che chắn bóng tốt là một đòi hỏi với tiền vệ trung tâm - Ảnh: LT

Muốn cải thiện hơn nữa, điều đó không chỉ phụ thuộc vào mình cá nhân Quang Hải mà còn cần đến cả sự hỗ trợ của các đồng đội của anh. Ở đây, chúng ta không nhắc đến Xuân Trường nữa mà phải nhắc đến hai đối tác trên hàng công. Đơn giản, một đòi hỏi lớn khác với vị trí tiền vệ trung tâm của Hải là mang lại thêm một mối đe doạ cho cầu môn đối phương khi tiền vệ trung tâm ấy dâng cao. Nhưng nếu muốn Hải có thể dâng cao và tận dụng thế mạnh trong tấn công của mình, rất cần đối tác trên hàng công phải biết hỗ trợ cho anh bằng cách lui về hoán đổi vị trí.

Ở các trận ở vòng bảng, khi Quang Hải chơi tiền vệ trung tâm, chúng ta nhận ra rất rõ rằng Công Phượng rất có ý thức lui về hỗ trợ phòng ngự. Song, nỗ lực ấy của Phượng chỉ dừng ở chỗ lui về tăng thêm quân số tạo áp lực tranh chấp mà thôi. Trong khi đó, để Hải có thể dâng cao khi cần, rất cần Phượng phải biết lui về đổi vị trí cho Hải và chơi tạm thời ở trung tâm hàng tiền vệ. Rất tiếc, Công Phượng lại không phải cầu thủ có khả năng chơi ở vị trí đó. Phượng thuộc về 1/3 sân đối phương và do đó, Hải đã mất một đối tác.

Tương tự là Văn Quyết. Quyết có những pha lui về hỗ trợ và hoán đổi cho Hải nhưng Quyết không phải cầu thủ có tư duy chơi ở trung tâm hàng tiền vệ. Thêm vào đó, Quyết đang không có phong độ cũng như tâm lý tốt nhất. Chính vì vậy, tất cả các pha Hải muốn dâng lên chơi trên hàng công, anh đều không thể an tâm bỏ lại vị trí. Điều đó dẫn đến việc hàng tiền vệ của chúng ta thường rơi vào trạng thái “thiếu người” và kiểm soát bóng không tốt. Chính HLV Park Hang-Seo cũng đang rất lo lắng về tình trạng kiểm soát bóng chưa tốt này.

Văn Đức có vẻ là đối tác rất tốt với Quang Hải và khả năng ông Park Hang-Seo sẽ tiếp tục để Văn Đức đá chính ở bán kết là rất cao. Sức trẻ, tốc độ, sự tinh tế và khả năng phối hợp với Quang Hải của Đức đã bộc lộ rất tốt ở trận gặp Cambodia. Đặc biệt là ở cuối hiệp 2 trận đó, khi Quang Hải được kéo về chơi tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 4-1-2-3 mà Đình Trọng đã được đôn lên đá tiền vệ trụ. Và hãy hình dung, nếu Quang Hải chơi tiền vệ trung tâm, với sự hoán đổi vị trí theo thời điểm cùng Văn Đức, mũi tấn công của ĐTVN ở biên trái sẽ vô cùng đa dạng và khó có thể bị bắt bài.

Ảnh: LT

Nói chung, dùng Quang Hải thế nào, chỉ có HLV Park Hang-Seo là thấu hiểu nhất. Gắn bó với Quang Hải từ những ngày đầu sang Việt Nam huấn luyện, ông Park nắm rõ hết điểm mạnh, điểm yếu của cầu thủ CLB Hà Nội này. Việc ông đưa anh về tuyến tiền vệ cũng là ý đồ lâu dài bởi ông thấy ở anh một tố chất thủ lĩnh lối chơi thực sự. Nhưng để xây dựng một con người biểu tượng trong bóng đá, chúng ta rất cần những đồng đội xung quanh cầu thủ ấy nắm bắt ý tưởng của HLV và hỗ trợ đồng đội tốt nhất trong khả năng có thể của mình. Và nếu đồng đội của Quang Hải làm được điều đó, lứa cầu thủ này sẽ còn tiến rất xa, bởi đơn giản, họ còn quá trẻ nhưng đã gắn bó với nhau đã quá lâu dài. 



Hà Quang Minh

Ngày 28/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai thông tin, trên địa bàn tỉnh vừa có vừa có thêm một ca mắc bệnh sởi tử vong. Đây là ca bệnh tử vong thứ 3 do mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh trong năm nay…

Ngày 28/12, tại Lạng Sơn, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Lễ công bố và thông báo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an điều động Đại tá Vũ Như Hà, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn đến nhận công tác, giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quyết định điều động và bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Tiến Trung, Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, đến nhận công tác, giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn.

Trong cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2002, văn bản "Tuyên ngôn độc lập" từ các trang 699, 700, 701,702 giống với văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12, tập 1 xuất bản năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam và không giống văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12, tập 2 bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế.

Thời gian qua, Công an ở một số tỉnh, thành đã liên tục triệt phá các đường dây, băng nhóm mua bán súng, đạn và trao đổi linh kiện súng, thu giữ hàng ngàn khẩu súng, hàng chục ngàn viên đạn cùng nhiều bộ phận linh kiện. Cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ tại các cửa khẩu hàng không, đường bộ, cảng biển, súng đạn cũng được quản lý rất nghiêm, vậy thì các đối tượng tội phạm vận chuyển súng đạn bằng cách nào vào nội địa để đưa lên rao bán ở các hội, nhóm kín trên mạng xã hội? 

Trong bối cảnh cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba, hôm 26/12 (giờ địa phương), cả Nga và Ukraine đã đưa ra các tuyên bố quan trọng về khả năng chấm dứt cuộc chiến. Những quan điểm này được xem là kim chỉ nam cho các nỗ lực đàm phán, nếu cơ hội chín muồi.

Sáng nay, ngày 28/12/2024, Công an tỉnh Lai Châu đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả đấu tranh Chuyên án 0924L, triệt phá một đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao với các thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, các đối tượng đã xây dựng kịch bản lừa đảo bài bản, với sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài từ Campuchia.

Tuần này, Ukraine thông báo đã nhận được 1 tỷ USD viện trợ của Mỹ, được đảm bảo bằng nguồn thu từ tài sản đóng băng của Nga. Việc sử dụng tiền của Nga để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh hay tái thiết của Ukraine thoạt nghe có vẻ hấp dẫn nhưng lại ẩn chứa vấn đề lớn. Hành động này đi kèm với những tác động kinh tế, tài chính và địa chính trị cần được tính đến.(Xem tiếp trang 6)

Do vị trí rất đẹp - cạnh sân golf và khu du lịch Bà Nà Hills, giá lại khá mềm nên dù hạ tầng chưa hoàn thiện, hàng trăm nền tại dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhanh chóng có chủ, được cấp sổ hẳn hoi. Đối chiếu với chủ trương ban đầu của chính quyền thành phố, PV Báo CAND thật sự giật mình khi nhận thấy có khá đông người từ địa phương khác cách dự án cả nghìn cây số như tận TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Nội, thậm chí là Thái Nguyên, Hải Phòng… cũng tranh thủ được khá nhiều suất nền đẹp ở đây với tổng diện tích đất thổ cư được tính bằng… “hécta”. Một trường hợp “đúng đối tượng” nhưng sở hữu hàng loạt lô nền… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文