Đoạn kết V.League và khoảng lặng của nhà vô địch.
- Ông bầu và trọng tài V.League
- Mất niềm tin ở trọng tài V.League
- Bài học từ nhà vô địch V.League 20181
V.League đã sớm tìm ra nhà vô địch trước 5 vòng đấu khi Hà Nội tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại. Đội bóng Thủ đô đã tạo ra một mùa giải “vô tiền khoáng hậu” với nhiều cột mốc, con số đáng nhớ. Nói như ông bầu Đỗ Quang Hiển thì: “Chức vô địch lần thứ 4 của Hà Nội thể hiện sự cố gắng bền bỉ, không ngừng, liên tục, không thoả mãn với những gì đã có”.
V.League sớm ngã ngũ ở vị trí dẫn đầu nhưng ở nhóm cuối, cuộc đua giành suất trụ hạng diễn ra quyết liệt. Và điều đáng nói là cuộc đua trụ hạng ấy có sự liên quan đến nhà vô địch và nhóm dẫn đầu.
Hà Nội nhận Cúp vô địch V.League lần thứ 4. Ảnh: H.A.. |
Ngày Hà Nội nhận cúp vô địch, họ đã giành chiến thắng 3-0 trước Cần Thơ. Đấy là đội bóng mà chính bầu Hiển đã treo thưởng 3 tỉ nếu trụ hạng. Trước trận đấu này, nhiều thông tin bên lề nhận định rằng, Hà Nội bỗng nhiên rơi vào thế khó xử, họ thắng Cần Thơ sẽ đẩy đội bóng Tây Đô gần hơn với suất xuống hạng, nhưng nếu để thua thì chẳng khác nào thừa nhận việc “nhường điểm”.
Việc bầu Hiển có liên quan, chi phối nhiều đội bóng ở V.League đã được nói đến rất nhiều trong những mùa giải vừa qua. Thậm chí trong suốt 10 năm khi làng bóng đá có xuất hiện của doanh nhân này, cuộc chơi V.League đã được nhìn nhận ở góc độ nào đó là không công bằng.
Vì thế mà sau trận đấu vòng 24 V.League, sau khi Nam Định thất bại và rơi vào thế khó trong cuộc đua trụ hạng, HLV Nguyễn Văn Sỹ đã cay đắng mà nói rằng: “Việc một ông bầu treo thưởng cho CLB khác trụ hạng thì chúng ta đều thấy, bóng đá như vậy là không còn gì nữa. Vậy thì tổ chức một giải đấu trong nhà đi”.
Cũng vì thế mà câu chuyện Sài Gòn giành vé trụ hạng thành công khi nằm trong nhóm "cầm đèn đỏ" cũng khiến dư luận không khỏi nghi ngờ. Đáng nói là Sài Gòn ở mùa giải năm nay đều giành chiến thắng để có được điểm số quan trọng trước những “người anh em” Hà Nội, Đà Nẵng. Đặc biệt, cho đến thời điểm hiện tại, Sài Gòn là đội duy nhất giành chiến thắng trước Hà Nội ở mùa giải năm nau. Cả lượt đi, lượt về, Sài Gòn có được 4 điểm từ Hà Nội. Đó là lý do mà người ta đặt ra nghi vấn về sự ảnh hưởng của nhà vô địch đến đoạn kết V.League năm nay.
Nhớ lại những mùa giải trước đây, Hà Nội cũng từng ảnh hưởng cả đến những chức vô địch với các đội bóng “anh em” khác. Năm 2012, Hà Nội (lúc đó là Hà Nội T&T), SHB Đà Nẵng và Xuân Thành Sài Gòn tạo thành cuộc đua quyết liệt tới ngôi vô địch. Nhưng ở vòng đấu cuối quyết định ngôi vô địch, Hà Nội (46 điểm) chỉ cần nếu đánh bại Xuân Thành Sài Gòn (45 điểm) thì sẽ vô địch mà không cần quan tâm đến các trận đấu khác. Trong khi đó, SHB Đà Nẵng (45 điểm) chỉ có thể vô địch với điều kiện thắng Ninh Bình, đồng thời cặp đấu giữa Hà Nội và Xuân Thành Sài Gòn kết thúc với tỉ số hoà.
Và trong thế tự quyết định được cuộc chơi nhưng Hà Nội lại “tử thủ” trước Xuân Thành Sài Gòn, thay vì lao lên tấn công. Xuân Thành Sài Gòn bị cầm chân trước hàng phòng ngự có chủ đích của Hà Nội, chấp nhận mất chức vô địch. Còn SHB Đà Nẵng dễ dàng đánh bại Ninh Bình đã hết động lực thi đấu để rước cúp về sông Hàn.
Ngay ở mùa giải trước, Hà Nội cũng rơi vào thế tương tự khi là đội hình tự quyết chức vô địch ở vòng cuối vì chiếm lợi thế hơn Quảng Nam và Thanh Hoá. Cả 3 đội bóng này đều có 45 điểm nhưng Hà Nội chiếm lợi thế về chỉ số phụ. Đội bóng của bầu Hiển chỉ cần thắng sẽ đăng quang mà không cần quan tâm đến các trận đấu khác. Tuy nhiên, Hà Nội đã để Than Quảng Ninh cầm hoà tại Cẩm Phả, “nhường” chức vô địch cho Quảng Nam sau khi đội bóng này thắng dễ CLB TP Hồ Chí Minh.
Đấy là những đoạn kết dù diễn ra kịch tính thì vẫn được một bộ phận nhìn nhận là "tính kịch". Điều đó đang khiến cho bóng đá không còn sự công bằng, cuộc chơi bị chi phối, được ví như một thứ “ung nhọt” của V.League mà dù có thời điểm cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng đành bó tay.
Ngày Hà Nội nhận cúp vô địch lần thứ 4, không có quá nhiều cảm xúc được tạo ra. Dường như đó chỉ là cuộc vui mang tính chất nội bộ, gia đình. Như bầu Hiển chia sẻ thì bóng đá chuyên nghiệp cần nhà tài trợ và khán giả. Điều này đúng, thế nhưng, khi một nhà tài trợ chi phối quá nhiều đội bóng thì bóng đá cũng không thể phát triển.