Liverpool & mặt trái của Gengen Pressing
Khách quan mà nói, đây là trận đấu mà Liverpool chơi hay hơn hẳn trong suốt 90 phút bóng lăn. Chỉ riêng trong 45 phút đầu tiên, họ đã có tới 3 cơ hội ngon ăn, và trong khoảng đầu hiệp 2, họ lại có thêm 1, 2 cơ hội như vậy nữa. Nhưng thứ nhất, phần lớn các chân sút của họ đã dứt điểm vội vàng, không đủ sự hiểm hóc để đưa bóng vào lưới đối thủ, và thứ hai, thủ thành De Gea của M.U cũng có những pha cứu thua xuất thần. Và bi kịch muôn đời của bóng đá đã diễn ra: đội chơi hay hơn, ép sân hơn, tạo ra nhiều cơ hội hơn nhưng không ghi bàn cuối cùng đã bị thua ngược.
Và như thế, lý do đầu tiên, dễ thấy nhất dẫn đến việc Liverpool thua trận nằm ở sự không may mắn.
Ngược lại, M.U - đội bóng chơi dở cả trận, nhưng lại hay trong một khoảnh khắc quyết định - cái khoảnh khắc mà Rooney tung chân vô lê ở cự ly gần, phá tan mành lưới lại gặp được quá nhiều may mắn. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề vận may, ở trận đấu này người ta có thể nhìn ra một vấn đề quan trọng khác, đó là mặt trái của lối chơi Gengen Pressing mà HLV Kloop xây dựng cho các học trò.
Cầu thủ Liverpool (trái) xuống sức dần từ hiệp 2. |
Ai cũng biết, với tư tưởng Pressing triệt để, cầu thủ Liverpool vừa nhập trận là đã tăng tốc, quây ráp đối phương, và theo những thống kê của báo giới Anh thì thậm chí Kloop đề ra nguyên tắc "khi đối thủ có bóng, chỉ trong 5 giây chúng ta phải quây kín các đường chuyền bóng của họ, rồi áp sát, cướp bóng, tổ chức phản công nhanh".
Chính lối chơi này đã khiến M.U bị đánh chặn gần như toàn bộ không gian chơi bóng, và suốt hiệp đấu đầu tiên, việc tìm ra một kẽ hở không gian để chuyền bóng, đưa bóng lên trên bỗng trở thành một nhiệm vụ quá khó của M.U.
Tuy nhiên đến hiệp 2, Liverpool không thể Pressing, quây ráp, áp sát đối phương với tốc độ cao như hiệp 1. Và chính vì thế những khoảng trống không gian dần lộ ra cho M.U, giúp họ có thể tổ chức phản công dễ dàng hơn. Dĩ nhiên, Jurgen Kloop không hài lòng với cách đá, cách di chuyển của các học trò trong hiệp 2. Nhưng có lẽ đấy là những biểu hiện tất yếu của việc các cầu thủ đã dồn mọi sức lực, mọi vốn liếng có thể của mình từ hiệp 1, nên đến thời điểm này rơi vào trạng thái xuống sức hoặc vỡ sức.
Thực tế từ Dortmund - CLB cũ của Kloop cho thấy, để chơi Gengen Pressing, các cầu thủ phải có sự tích luỹ thể lực cực lớn, nhưng Kloop đã không kịp thực hiện điều này ở Liverpool, vì thời điểm ông xuất hiện là thời điểm mùa giải đang diễn ra.
Có lẽ cũng chính vì cái điểm chết về thể lực mà cho đến trước trận thua M.U, Liverpool luôn hiện lên như một điển hình của một đội bóng đồng bóng, khi họ có thể thắng các CLB rất mạnh như Man City, nhưng ngay sau đó lại có thể thua những đội bóng dưới cơ như West Ham. Và có lẽ, nếu không khắc phục được điểm chết thể lực này thì Gengen Pressing rồi sẽ tiếp tục đưa thầy trò Jurgen Kloop đi trên sợi dây của sự thất thường: rất hay và rất dở.
Van Gaal đột nhiên cao giọng Trước trận gặp Liverpool, HLV trưởng M.U Luis Van Gaal từng nhắc lại một sự thực: "Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ thua Liverpool". Và sau chiến thắng 1-0, nhà cầm quân Hà Lan tự cho phép mình bay bổng với lời tuyên bố: "Kể từ đầu năm 2016, rõ ràng chúng tôi đã đạt được những điểm số khá ấn tượng. Chiến thắng hôm nay giúp chúng tôi tự tin để trở lại cuộc đua vô địch giải Ngoại hạng Anh, và mọi người hãy chờ đợi chúng tôi làm điều đó". Với chiến thắng này, M.U được 37 điểm, kém 2 đội đầu bảng là Arsenal và Leicester City 7 điểm. Về lý thuyết, M.U hoàn toàn có thể san bằng khoảng cách này rồi vươn lên đánh chiếm ngôi đầu bảng, nhưng thực tế, họ có duy trì được mạch phong độ ổn định hay không lại là một câu hỏi lớn. Mặc dù rất "to tiếng" sau trận đấu, nhưng Van Gaal cũng phải thừa nhận: "Trong hiệp 1, tôi thừa nhận Liverpool đã chơi hay hơn hẳn, và chỉ may mắn mới có thể giúp chúng tôi giữ nguyên mành lưới". Ngọc Anh |