Mối quan hệ giữa VPF với các CLB: Làm sao để cơm lành canh ngọt?
- Ai làm mới VPF?
- Lãnh đạo VPF phản bác những tố cáo của lãnh đạo An Giang
- Sứ mệnh nào cho VPF?
- Câu chuyện bóng đá: ‘Bán’ V.League cách nào?
Thực ra, ông Trần Mạnh Hùng cũng nhắc lại việc Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng đã về Đồng Tháp để chung tay cứu CLB thoát khỏi cơn khủng hoảng tài chính hồi đầu mùa giải, và theo ông, đấy là một hành động giàu ý nghĩa. Nhưng những hành động như vậy là quá hiếm hoi.
Ông Trần Mạnh Hùng đặt vấn đề: "Các anh chỉ ngồi ở trên và giỏi đem các điều lệ của FIFA, AFC ra xử phạt. Nhưng những quy định ấy có phù hợp với đặc thù của các CLB Việt Nam hiện nay hay không thì các anh không chú ý".
Ông Hùng dẫn chứng về việc VPF luôn đòi hỏi các SVĐ tổ chức thi đấu phải thực hiện cải tạo, xây dựng các phòng, ban này nọ, nhưng vấn đề ở Việt Nam, phần lớn các sân đều thuộc quyền quản lý của các Sở TDTT, chứ không thuộc các CLB, nên không dễ mà sửa chữa ngay được. Vẫn theo ông, chẳng hạn như với sân Lạch Tray (Hải Phòng), ngay cả khi có muốn sửa chữa theo yêu cầu của VPF thì cũng không dễ, vì như thế là động tới kết cấu toàn sân nói chung, từ đó rất dễ xảy ra tai nạn.
Sau khi dẫn chứng về chuyện sân bãi, ông Trần Mạnh Hùng lại chứng minh "sự quan liêu của VPF" bằng câu hỏi: "Kể từ khi CLB Đồng Nai chính thức xuống hạng, các anh đã xuống CLB để tìm hiểu tình hình của họ, chia sẻ những khó khăn với họ, từ đó động viên họ tiếp tục làm bóng đá hay chưa?".
Có lẽ câu hỏi của ông Trần Mạnh Hùng đã chạm vào đúng suy nghĩ của một lãnh đạo Đồng Nai, nên không lâu sau đó vị này cũng đứng lên cho ý kiến: "Các anh ở VPF cần nhớ rằng, 2 năm trước, sau khi xuống hạng thì đội bóng Kiên Giang cũng giải thể luôn. Cách đây 1 năm, sau khi xuống hạng lại đến lượt An Giang giải thể. Còn Đồng Nai chúng tôi bây giờ thì chưa rõ ràng. Chúng ta phải bắt tay tìm hiểu tại sao chứ?".
Chủ tịch CLB Hải Phòng chỉ trích kịch liệt lãnh đạo VPF. Ảnh: H.M. |
Vẫn liên quan tới khoảng cách giữa VPF với các CLB, GĐĐH Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam nói: "Chúng tôi có văn bản gửi VFF, VPF, mời các anh về làm việc với CLB nhưng các anh cũng chẳng trả lời gì". Ông Nguyễn Húp thậm chí còn chỉ trích việc VPF mời các lãnh đội ra Hà Nội họp, nhưng khi đoàn Quảng Nam đến nơi thì rốt cuộc không biết phải gặp ai và phải họp hành ở đâu.
Trong khi hàng loạt lãnh đội thi nhau "tố" VPF không giữ được mối quan hệ trực tiếp với các CLB, từ đó không hiểu đúng, hiểu trúng tình hình của từng CLB thì chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng một mặt cho biết "Sẽ tiếp thu ý kiến của các anh" nhưng mặt khác vẫn khẳng định: "Chúng tôi có liên hệ thường xuyên với nhiều CLB". Ở đây, có thể tin rằng các lãnh đạo VPF với những nhân vật vốn xuất thân ở các CLB như chính ông Võ Quốc Thắng (cựu chủ tịch ĐT.LA) hay ông Phó Tổng giám đốc VPF Phạm Phú Hoà (cựu GĐĐH ĐT.LA) vẫn giữ liên lạc nhất định với các CLB địa phương, nhưng mức độ liên lạc thì có vẻ không đủ độ thực tế và sâu sát.
Năm 2012, khi đấu tranh mạnh mẽ với VFF để đòi thành lập VPF, cựu bầu, cựu PCT VPF Nguyễn Đức Kiên muốn làm một cuộc cách mạng về công tác tổ chức, điều hành các giải đấu quốc gia, nhưng kể từ ngày ông Kiên rơi vào vòng lao lý thì cái cảm giác VPF tổ chức giải giống hệt như VFF ngày nào là rất rõ. Điều này đến một phần từ việc VPF mất đi ngọn cờ đầu khiến ông chủ tịch Võ Quốc Thắng càng ngày càng đơn độc và một phần đến từ việc VFF sau đó đã không ngừng "ấn" người của mình sang, mà ông trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc là một dẫn chứng điển hình.
Thời gian tới, nếu VPF không tìm lại được sức sống để giữ một sự độc lập tương đối và tích cực với VFF thì chắc chắn ý nghĩa tồn tại của tổ chức này cần phải được xem xét lại.
"Phòng ốc hôi hám không chịu nổi..." Đó là ý kiến của HLV trưởng CLB SHB.Đà Nẵng Lê Huỳnh Đức. Theo nhà cầm quân này thì VPF quy định trước và giữa các trận đấu, các đội bóng phải vào phòng kĩ thuật họp chiến thuật, tuyệt đối không được họp ngay ở trên sân, nhưng thực tế nhiều phòng họp kĩ thuật ở nhiều SVĐ chật chội, hôi hám không chịu nổi. Ông Đức phân tích: "Vừa đá xong hiệp 1, các cầu thủ đang mệt mỏi, và cần nhiều oxy, thế mà cứ bị nhét vào những cái phòng như thế thì sao mà chịu nổi". Một ý kiến nhỏ của Lê Huỳnh Đức gợi nhiều suy nghĩ quanh việc những nhà tổ chức, điều hành giải đấu có thật sự bám sát những diễn biến thực tiễn của giải đấu hay không. Ngọc Anh |